Ảnh minh họa.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,4 km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Với đoạn qua TP.HCM, tuyến có tổng chiều dài 47,3 km, tổng mức đầu tư 41.317 tỷ đồng (xây dựng 22.411 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 18.906 tỷ đồng).
Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP.HCM, đoạn phía Đông qua thành phố Thủ Đức phải thông xe tuyến chính cao tốc (14,7 km cầu cạn) ngày 31/12.
Trong khi đó, đoạn phía Tây qua địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh sẽ thông xe kỹ thuật tuyến chính cao tốc vào ngày 31/12 năm nay. Qua đó, thông xe tuyến chính cao tốc vào 30/4/2026.
Hiện tại, 10 gói thầu xây lắp chính của dự án đều đã triển khai thi công, sản lượng đạt khoảng 38,82% giá trị hợp đồng. Cụ thể, gói thầu XL1 đạt khoảng 47,26%; gói XL2 đạt 43,26%; gói XL3 đạt 56,37%; gói XL4 đạt 30,85%; gói XL5 đạt 36,77%; gói XL6 đạt 44,92%; gói XL7 đạt 36,09%; gói XL8 đạt 24,77%; gói XL9 đạt 35,91%; gói XL10 đạt 22,64%.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), tiến độ chung của các gói thầu phía Tây chỉ khoảng 35 - 37%. Phần cầu thì đảm bảo, riêng phần đường chậm trễ do lượng cát đưa về không đạt yêu cầu. Các tháng vừa qua, cát đắp nền về đạt 40 - 50%, tháng 4 mới tăng dần.
“Tôi đánh giá các nhà thầu chưa chủ động mua cát ngoài mỏ được cấp. Do giá cao nên nhà thầu chưa quyết liệt. Ngoài ra tốc độ cung cấp các mỏ ở miền Tây còn chậm”, ông Phúc cho biết.
Hiện, cát đưa về Vành đai 3 TP.HCM phía Tây mới được khoảng 1,5 triệu m3, còn thiếu 3,5 triệu m3.
Đồng thời, ông Lương Minh Phúc cho biết thêm từ tháng 5 đến tháng 8 tới sẽ là giai đoạn cao điểm, mỗi tháng cần 500.000 m3 mới đảm bảo được gia cố nền.
“Có những nhà thầu đưa cát về đạt 70 - 80% so với yêu cầu, có nhà thầu chỉ đạt được 30%. Nhiều nhà thầu chủ động tìm thêm mỏ, mua thị trường, chấp nhận để kịp tiến độ, nhưng cũng có nhà thầu vẫn do dự một phần trong chuyện mua cát từ Campuchia nên chậm hơn”, ông Phúc chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ban Giao thông cho biết thêm thời gian qua việc vận chuyển cát từ các tỉnh miền Tây về công trường dự án Vành đai 3 còn gặp khó khăn, do vướng nhiều trạm kiểm soát trên các tuyến.
Do đó, chủ đầu tư cùng nhà thầu kiến nghị các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi hơn trong vận chuyển cát cho dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Đối với 14 mỏ đã được cấp phép, Ban Giao thông đang làm việc với từng nhà thầu được giao mỏ để có kế hoạch cụ thể, tận dụng tối đa 14 mỏ này trong tháng 5 năm nay.
Theo tính toán, tổng nhu cầu cát đắp nền đường của toàn dự án đường Vành đai 3 khoảng 8,5 triệu m3. Trong đó, phần lớn là cho đoạn qua TP.HCM (khoảng 6,6 triệu m3).
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 3 tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre cung cấp cho dự án Vành đai 3 tổng cộng khoảng 9,16 triệu m3, công suất khai thác là 4,18 triệu m3/năm.
Đến nay, khối lượng cát đã huy động về công trường của TP.HCM (dự án thành phần 1) khoảng 2,15 triệu m3. Trong đó, có 1,2 triệu m3 từ nguồn cát thương mại; 650.000 m3 từ nguồn cát Campuchia và 300.000 m3 từ nguồn các địa phương. Khối lượng còn lại cần huy động về công trường trong năm 2025 là 3,75 triệu m3.
Dự kiến đến tháng 6/2025, toàn bộ 14 mỏ được cấp phép sẽ đi vào khai thác, tổng công suất khai thác cấp cho dự án năm 2025 là 3,9 triệu m3 (chưa nâng công suất).
Sau khi nâng công suất các mỏ lên tối đa 50%, tổng khối lượng cung cấp là 4,8 triệu m3, cơ bản đáp ứng nhu cầu còn lại của toàn dự án trong năm 2025.
Trong buổi kiểm tra công trường dự án và làm việc với các đơn vị liên quan vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Văn Được thống nhất giao Sở Xây dựng thành lập Tổ công tác đặc biệt để theo dõi tiến độ (cung cấp cát, thi công), chất lượng dự án, định kỳ báo cáo hàng tuần cho Ủy ban Nhân dân Thành phố để chỉ đạo, nhất là các gói thầu phía Tây. Đồng thời, có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp các khó khăn của nhà thầu để Thành phố kiến nghị Chính phủ tháo gỡ.
Ủy ban Nhân dân Thành phố đề nghị các nhà thầu và ngành giao thông quyết liệt và sát sao hơn nữa, hướng tới hoàn thành đúng tiến độ thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào cuối năm. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Được cũng đề nghị Ban Giao thông khen thưởng nhà thầu nếu làm tốt, còn nếu chậm tiến độ xử lý theo quy định, linh hoạt điều chuyển khối lượng việc để đảm bảo tiến độ dự án.
Thanh Thủy