Dự án 'Vòm Vàng' - Kế hoạch tham vọng của Tổng thống Trump

Dự án 'Vòm Vàng' - Kế hoạch tham vọng của Tổng thống Trump
8 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh Al Jazeera, với tổng chi phí dự kiến lên tới 175 tỷ USD, dự án Vòm Vàng được kỳ vọng sẽ bảo vệ nước Mỹ khỏi mọi mối đe dọa tên lửa - kể cả khi chúng được phóng từ ngoài không gian.
Kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Trump
Tổng thống Trump cho biết ông sẽ đầu tư 25 tỷ USD cho giai đoạn khởi động của dự án, với mục tiêu hoàn thành toàn bộ hệ thống vào cuối nhiệm kỳ hiện tại, tức vào năm 2029.
“Sau khi hoàn thiện, Vòm Vàng sẽ bảo vệ nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa – dù được phóng từ mặt đất hay ngoài không gian. Dự án này rất quan trọng và thậm chí là điều sống còn đối với sự tồn vong của nước Mỹ”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Ông Trump cho biết Tướng Michael Guetlein, Chỉ huy cấp cao của Lực lượng Không gian Mỹ, sẽ giữ vai trò điều phối và chịu trách nhiệm giám sát tiến độ của dự án này.
Theo ông chủ Nhà Trắng, Canada đã đề xuất tham gia dự án và Mỹ sẽ tiến hành đối thoại song phương để bàn bạc về vấn đề hợp tác.
Vòm Vàng – Lá chắn tên lửa hiện đại
Tổng thống Trump cho biết mục đích của Vòm Vàng là đánh chặn tên lửa siêu vượt âm, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tiên tiến. Ông đồng thời nói thêm rằng dự án này dự kiến sử dụng các máy bay đánh chặn và cảm biến đặt trong không gian, tạo thành một lưới phòng thủ từ trên cao.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth mô tả đây là lá chắn toàn diện trước mọi mối đe dọa trên không.
“Hệ thống này nhằm mục đích bảo vệ đất nước khỏi tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm, thiết bị bay không người lái, dù là tên lửa thông thường hay hạt nhân”, ông Hegseth nhấn mạnh.
So sánh với hệ thống Vòm Sắt của Israel
Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) được kích hoạt tại thành phố Sderot, Israel để đánh chặn các tên lửa từ Dải Gaza, ngày 13/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, hôm 27/1, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu khởi động việc chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại, dựa theo nguyên mẫu “Vòm Sắt” của Israel – một hệ thống do Mỹ tài trợ và đang hoạt động hiệu quả tại Trung Đông.
Trong khi Vòm Sắt có khả năng phát hiện, xác định hướng phóng và đánh chặn tên lửa tầm ngắn, thì Vòm Vàng dự kiến có quy mô lớn hơn nhiều, với khả năng phòng thủ tầm xa và tích hợp các công nghệ vũ trụ.
Ông Trump lưu ý các năng lực phòng thủ hiện có sẽ được tận dụng trong quá trình xây dựng dự án. Nhà Trắng vẫn chưa công bố thêm thông tin chi tiết về dự án. Dù nói rằng hệ thống này sẽ được phát triển hoàn toàn tại Mỹ, ông Trump không tiết lộ tên những công ty sẽ tham gia dự án.
Ý tưởng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ngoài không gian của ông Trump không phải là điều mới mẻ. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Ronald Reagan (từ năm 1981 đến năm 1989), Mỹ từng đưa ra đề xuất Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) nhằm tạo ra một lá chắn ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được thực hiện do chi phí cao và các giới hạn công nghệ.
Mới đây, ông Trump tuyên bố hệ thống Vòm Vàng sẽ hoàn tất sứ mệnh còn dang dở của cựu Tổng thống Reagan, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ thời hiện đại.
“Chúng ta sẽ thực sự hoàn thành công việc mà cựu Tổng thống Reagan đã bắt đầu 40 năm trước, chấm dứt vĩnh viến mối đe dọa tên lửa đối với nước Mỹ”, ông tuyên bố.
Dự án Vòm Vàng liệu có khả thi?
Hệ thống Vòm Vàng sẽ như một tấm khiên bất khả xâm phạm, bảo vệ nước Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin
Dù được trình bày với tầm vóc chiến lược rõ rệt, nhưng dự án Vòm Vàng vẫn đối mặt với những hoài nghi từ giới chuyên gia. Câu hỏi lớn nhất là ngân sách của kế hoạch và khung thời gian thực hiện.
Nguồn tài trợ cho Vòm Vàng vẫn chưa được đảm bảo. Tổng thống Trump cho biết ông đang tìm kiếm khoản tài trợ ban đầu 25 tỷ USD trong một dự luật thuế đang chờ Quốc hội thông qua, song số tiền này có thể bị cắt giảm trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Ngoài ra, dự kiến có một số thay đổi về tổng chi phí của dự án. Theo hãng tin AP, chính quyền của Tống thống Trump đã được trình ba phương án khác nhau cho dự án - từ nhỏ, vừa đến lớn, tùy thuộc vào quy mô triển khai vệ tinh và khí tài. Tổng thống đã chọn phương án “vừa”, với chi phí khởi điểm dao động từ 30 đến 100 tỷ USD.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters (Anh), ông Tom Karako – chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – cho biết: “Tổng chi phí ước tính ban đầu là 175 tỷ USD, nhưng khoản ngân sách đó được phân bổ trong khoảng thời gian bao lâu? Có thể là 10 năm”.
Bên cạnh đó, 42 nghị sĩ đảng Dân chủ cũng đã ký một bức thư chất vấn khả năng SpaceX của tỷ phú Elon Musk tham gia dự án, đồng thời nêu lo ngại về khả năng xung đột lợi ích nếu ông Musk sử dụng ảnh hưởng cá nhân để giành được các hợp đồng nhạy cảm.
Phản ứng quốc tế: Trung Quốc và Nga lên tiếng
Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong công nghệ tên lửa, đặc biệt là trong lĩnh vực tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu vượt âm – những loại vũ khí có khả năng xuyên thủng hầu hết các hệ thống phòng thủ hiện nay. Trong khi đó, Nga tiếp tục duy trì vị thế là một trong những quốc gia sở hữu hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa tiên tiến nhất thế giới, với khả năng tấn công tầm xa và mang đầu đạn hạt nhân.
Mỹ và Nga hiện đang sở hữu hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất hành tinh. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ không người lái đang làm gia tăng các mối đe dọa phi đối xứng, buộc các cường quốc phải tái định hình khái niệm về an ninh quốc phòng trong thế kỷ 21.
Sau khi Mỹ công bố ý tưởng về hệ thống Vòm Vàng, Trung Quốc và Nga – hai đối thủ chiến lược hàng đầu của Mỹ – đã có những phản ứng mạnh mẽ.
Trong đó, Bắc Kinh lên án Vòm Vàng là mối đe dọa đối với an ninh quốc tế và cáo buộc Mỹ thúc đẩy chạy đua vũ trang.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phát biểu họp báo tại Bắc Kinh. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố: “Mỹ đang đặt lợi ích riêng lên trên hết và mưu cầu an ninh tuyệt đối. Điều này vi phạm nguyên tắc rằng không có quốc gia nào được đảm bảo an ninh bằng cách đánh đổi lợi ích của quốc gia khác. Dự án này làm tăng nguy cơ biến không gian trở thành chiến trường, thúc đẩy chạy đua vũ trang và làm suy yếu an ninh quốc tế”.
Về phần mình, Điện Kremlin khẳng định đây là vấn đề chủ quyền của Mỹ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố ngày 21/5: “Đây là vấn đề chủ quyền của Mỹ. Nếu Mỹ tin rằng có mối đe dọa tên lửa, thì tất nhiên họ sẽ phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo các nhà quan sát, dự án Vòm Vàng đánh dấu bước đi táo bạo của Tổng thống Trump trong việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ quốc gia. Tuy nhiên, tính khả thi của dự án còn phụ thuộc vào nguồn lực tài chính, năng lực công nghệ và sự đồng thuận trong nội bộ nước Mỹ.
Trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu leo thang và công nghệ vũ khí ngày càng tinh vi, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có thực sự đủ khả năng xây dựng một “lá chắn không gian” bảo vệ toàn diện như tham vọng, hay đây chỉ là một biểu tượng chính trị mang tính thời điểm?
Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/du-an-vom-vang-ke-hoach-tham-vong-cua-tong-thong-trump-20250522020821172.htm