Quang cảnh phiên họp.
Xuất khẩu là điểm sáng
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV/2024 chiều 7/1, bà Mai Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2024, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới gần 800 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, đặc biệt xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu.
Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%. Đặc biệt, có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 02 mặt so với năm 2023), chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo bà Mai Thu Hiền, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Điển hình như xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3% (cùng kỳ năm trước giảm 11,6%); thị trường EU đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5,9%); Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,7% (cùng kỳ giảm 3,4%); xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 24,6 tỷ USD, giảm 1,2% (cùng kỳ giảm 3,2%)...
Bên cạnh những kết quả tích cực, xuất khẩu vẫn còn hạn chế khi chưa bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu của nước ta do các doanh nghiệp FDI mang lại nhưng xuất khẩu của các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... Cơ cấu thị trường nhập khẩu chậm chuyển dịch, nhập siêu chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ một số thị trường châu Á, chưa tăng mạnh nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn...
Kịch bản xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Trao đổi về nội dung báo chí quan tâm liên quan đến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Về xuất siêu, Việt Nam đang xếp sau Trung Quốc và Mexico tại thị trường này.
Ông Trần Thanh Hải chia sẻ, mục tiêu của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump là giảm thâm hụt thương mại; thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư. Trên thực tế, trước đây ông Donald Trump đã áp thuế cao với hàng hóa từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU… Với Việt Nam, trước đây ảnh hưởng từ thuế quan của thị trường Hoa Kỳ chưa lớn. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ mới này của ông Donald Trump, dự báo có 2 kịch bản với xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.
Cụ thể, kịch bản khả quan là như giai đoạn trước, Hoa Kỳ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.
Kịch bản thứ hai, nếu tác động chính sách thuế của Hoa Kỳ gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Hoa Kỳ nếu gặp khó khăn khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ do bị áp thuế sẽ đẩy mạnh bán ra các thị trường khác, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Trong bối cảnh nêu trên, Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho hay, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới.
Trần Huyền