Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/1/2020. Ảnh: AP/TTXVN
Sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump vào đầu năm 2025 đang châm ngòi cho một cuộc đối đầu kinh tế - chính trị gay gắt giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo nhận định của Vladislav Belov, Phó Giám đốc nghiên cứu tại Viện châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IE RAS) với Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) mới đây, những thay đổi chính sách của Tổng thống Trump, đặc biệt là chiến lược "Thuế quan đối ứng" và học thuyết "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAWA), sẽ đặt EU vào thế khó, buộc khối này phải lựa chọn giữa việc thích ứng với các "luật chơi" của Mỹ hoặc tìm kiếm con đường tự chủ chiến lược.
Chiến lược "Thuế quan đối ứng" của chính quyền Trump, với mức thuế 20% áp đặt lên hàng hóa EU, được xem là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế châu Âu. Mục tiêu của chiến lược này là "khôi phục sự cân bằng trong thương mại quốc tế" và bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ, nhưng thực tế lại đe dọa làm suy yếu các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đồng thời, học thuyết MAWA, với tham vọng đưa dòng vốn và năng lực sản xuất từ EU và Trung Quốc trở lại Mỹ, càng làm gia tăng căng thẳng xuyên Đại Tây Dương.
Trước những thách thức từ Mỹ, EU rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Khối này phải đối mặt với sự phân mảnh nội bộ, sự trỗi dậy của các phe phái hoài nghi châu Âu và sự phối hợp kém giữa các quốc gia thành viên. Đức, "đầu tàu" kinh tế của EU, trở thành tâm điểm của sự căng thẳng, khi phải cân bằng giữa việc bảo vệ các nguyên tắc tự do thương mại và nhu cầu thích ứng với các thách thức địa chính trị.
Trong khi Pháp, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Emmanuel Macron, thúc đẩy chủ quyền kinh tế và kêu gọi các biện pháp bảo hộ mạnh mẽ, Đức lại tỏ ra thận trọng, lo ngại về nguy cơ phi công nghiệp hóa và chiến tranh thương mại. Các quốc gia thành viên khác của EU cũng có những quan điểm khác nhau, khiến việc xây dựng một phản ứng thống nhất trở nên khó khăn.
Trong bối cảnh bất đồng Mỹ - EU, Trung Quốc nổi lên như một "người chơi" thứ ba, khéo léo tận dụng tình hình để thúc đẩy lợi ích của mình. Bắc Kinh theo đuổi chiến lược "quyến rũ" châu Âu bằng các thỏa thuận hợp tác kinh tế, đồng thời tăng cường quan hệ với các quốc gia Nam toàn cầu, nhằm tạo dựng hình ảnh một "trọng tài toàn cầu".
Tương lai quan hệ Mỹ - EU: Ba kịch bản
Trong bối cảnh trên, chuyên gia Belov dự báo tương lai quan hệ Mỹ - EU có thể diễn tiến theo ba kịch bản chính, mỗi kịch bản mang những đặc điểm và hệ quả riêng:
Kịch bản 1: Đoàn kết châu Âu. Trong bối cảnh áp lực kinh tế và chính trị từ bên ngoài tiếp tục gia tăng, đặc biệt là từ các biện pháp bảo hộ có đi có lại, EU, với vai trò dẫn dắt của Đức và Pháp, có thể quyết định củng cố sức mạnh thể chế. Điều này bao gồm việc tái khởi động ý tưởng về Quỹ chủ quyền châu Âu nhằm hỗ trợ các dự án công nghiệp chiến lược và mở rộng quyền hạn của Ủy ban châu Âu trong lĩnh vực chính sách công nghiệp và thương mại.
Để kịch bản này thành công, cần có sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ từ ít nhất sáu đến bảy nền kinh tế lớn của EU, bao gồm cả Italy, Ba Lan và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là khả năng gia tăng các lực lượng phản đối trong nội bộ EU và làm xấu đi quan hệ với Mỹ.
Kịch bản 2: Châu Âu bị chia cắt. Một kịch bản thực tế hơn trong giai đoạn 2025-2027 là sự phân mảnh một phần của không gian châu Âu. Các quốc gia thành viên chủ chốt của EU có xu hướng theo đuổi các chiến lược riêng lẻ để ứng phó với các thách thức từ bên ngoài. Đức và Hà Lan có thể tiếp tục duy trì sự phụ thuộc xuất khẩu vào cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng sẽ hạn chế tham gia vào các hành động tập thể của EU.
Trong khi đó, Pháp có thể tập trung vào việc củng cố các yếu tố của chủ quyền chiến lược. Italy và các quốc gia Đông Âu có thể cố gắng cân bằng giữa Brussels và Washington. Kết quả là, EU có thể duy trì các công cụ đối ngoại của mình, nhưng hiệu quả phối hợp thể chế sẽ suy giảm, và các chiến lược đầu tư của doanh nghiệp có xu hướng mang tính quốc gia hơn, tạo ra một bức tranh chắp vá về chính sách kinh tế trên toàn châu Âu.
Kịch bản 3: Cấu trúc tam giác chiến lược. Brussels có thể đặt cược vào việc tăng cường sự tự chủ trong tam giác quan hệ EU - Mỹ - Trung Quốc. Theo đó, EU sẽ tìm cách định vị mình như một "trọng tài" có khả năng khai thác những rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này có thể thực hiện được nếu EU tiến hành cải cách cơ chế ngân sách, huy động tiềm năng công nghiệp và quốc phòng, và củng cố chủ quyền kỹ thuật số.
Kịch bản này có khả năng xảy ra nếu có sự thay đổi trong chu kỳ chính trị ở các quốc gia chủ chốt như Đức và Pháp, với sự xuất hiện của một thế hệ lãnh đạo mới thực dụng và ủng hộ châu Âu. Đây có thể là con đường bền vững nhất về mặt chiến lược trong dài hạn, nhưng thách thức chính là đạt được mức độ ý chí chính trị và sự đồng thuận cao để hiện thực hóa nó.
Tóm lại, dù kịch bản nào xảy ra, quan hệ Mỹ - EU trong thời kỳ Trump 2.0 được dự báo sẽ đầy thách thức. EU phải đối mặt với áp lực từ cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời phải giải quyết các vấn đề nội bộ. Tương lai của EU phụ thuộc vào khả năng khối này tìm ra sự cân bằng giữa việc bảo vệ lợi ích của mình và duy trì quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc