Những chính sách này được dự báo sẽ có tác động sâu rộng không chỉ với lạm phát và lãi suất tại Mỹ, mà còn ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu.
Năm 2025, Fed có thể giữ nguyên hoặc thắt chặt lãi suất, trong khi ECB dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm khi tăng trưởng khu vực Eurozone vẫn yếu. Ảnh: Financialtribune
Fed thận trọng trước áp lực lạm phát mới
Tại Mỹ, Fed đang bước vào một “giai đoạn mới” trong điều hành chính sách tiền tệ với sự thận trọng đặc biệt. Sau khi đã cắt giảm tổng cộng 1 điểm phần trăm từ mức đỉnh trong năm ngoái, Fed chỉ dự kiến 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025. Trong lần cập nhật tại cuộc họp chính sách vào tháng 9/2024, Fed dự báo sẽ có 4 đợt giảm lãi suất trong năm 2025.
“Chúng tôi cần di chuyển thận trọng và tìm kiếm thêm tiến triển về lạm phát trước khi tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ” - Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố trong cuộc họp báo hồi tháng 12 năm ngoái. Nhận định này được đưa ra khi lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại.
Trong khi động thái cắt giảm được nhiều người mong đợi của Fed là tiếp tục mục tiêu duy trì lạm phát ở mức khoảng 2% và duy trì việc làm tối đa, một số chuyên gia cho rằng những mục tiêu đó có thể đi ngược lại với các chính sách thuế quan và nhập cư do ông Trump đề xuất, vốn có khả năng gây lạm phát và thắt chặt thị trường lao động.
Mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% của Fed đang gặp thách thức lớn trước những thay đổi chính sách dự kiến dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs hồi tháng 11 năm ngoái cảnh báo rằng các đề xuất về thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada và Mexico có thể đẩy lạm phát tăng thêm gần 1%. Nhà phân tích David Mericle của Goldman Sachs cho biết, quyết định giảm một nửa dự báo cắt giảm lãi suất của Fed một phần là cách để chuẩn bị cho tác động của thuế quan đối với lạm phát.
Đồng quan điểm, bà Julia Coronado - cựu chuyên gia kinh tế của Fed nhận định: "Hầu như mọi khía cạnh trong chính sách của ông Trump đều có vẻ như sẽ đe dọa đến nhiệm vụ của Fed. Chúng ta không còn ở Trump 1.0 nữa. Đây là Trump 2.0. Chúng ta có thể chứng kiến lạm phát nóng trở lại và cần ngăn chặn nguy cơ này”.
Theo Francesco Bianchi, Giáo sư Kinh tế vĩ mô và Chủ nhiệm Khoa Kinh tế tại Đại học John Hopkins, nói với Fortune rằng Fed có thể sẽ cảnh giác hơn với lạm phát và Fed sẽ rất khó để biện minh cho việc cắt giảm lãi suất, trừ khi thấy một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thực sự đang gặp khó khăn.
Còn theo Hélène Baudchon, nhà kinh tế cấp cao tại BNP Paribas, Mỹ sẽ đối mặt với các tác động lạm phát từ “Trumponomics” - sự kết hợp giữa bảo hộ thương mại và chính sách tài khóa mở rộng có thể giữ áp lực giá ở mức cao, buộc Fed phải duy trì trạng thái hiện tại về lãi suất.
ECB có thêm động lực để cắt giảm lãi suất
Trái ngược với giới chức Fed, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) có lẽ đang “thở phào” khi chính quyền mới của Mỹ không áp đặt các mức thuế quan thương mại trên diện rộng như một số người lo ngại. Điều này mở ra cơ hội cho ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào cuối tháng 1 này. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không áp đặt các rào cản thương mại ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức hôm 20/1. Thậm chí, những lời đe dọa của người đứng đầu Nhà Trắng cũng không nhắm vào châu Âu.
Chuyên gia Mohit Kumar tại Jefferies cho rằng phần lớn các tuyên bố của Tổng thống Trump đều liên quan đến chính sách “Nước Mỹ trên hết”, nhưng những bình luận ban đầu có vẻ bớt căng thẳng hơn so với những gì thị trường lo sợ. Theo dự báo của ông Kumar, ECB sẽ vẫn hạ lãi suất, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm trong tháng 1 và 3 năm nay. Sau đó, nếu dữ liệu phù hợp với kỳ vọng, ECB có thể thực hiện thêm một đợt cắt giảm lãi suất nữa vào tháng 6.
Các nhà đầu tư hiện đã đặt cược ECB sẽ cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2025, song lần cắt giảm thứ 4 vẫn còn rất khó đoán. Trong khi đó, một số nhà kinh tế còn lạc quan nhận định rằng ECB chắc chắn sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, ngay cả khi ông Trump cứng rắn hơn đối với Liên minh châu Âu (EU), khối đã có thặng dư thương mại lớn với Mỹ trong nhiều năm.
Theo chuyên gia kinh tế Dominic Wilson tại Ngân hàng Goldman Sachs, đà phục hồi kinh tế mong manh của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện “rất dễ tổn thương” nếu phải đối mặt với rào cản thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Trump. “Eurozone đứng trước áp lực rất lớn khi các nền kinh tế lớn nhất EU như Đức và Pháp đang trong tình trạng bất ổn chính trị. Do đó, việc nới lỏng hơn nữa vẫn là chính sách khả thi nhất đối với ECB” - chuyên gia Wilson cho hay.
“Châu Âu sẽ phải chuẩn bị đối phó trước chính sách thuế tiềm tàng của Tổng thống Mỹ Donald Trump” - Chủ tịch ECB Christine Lagarde trả lời phỏng vấn đài CNBC bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ ngày 22/1.
PBOC - Năm của nhiều bước ngoặt lịch sử
Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBOC) đang thực hiện những thay đổi mang tính bước ngoặt trong cách thức điều hành chính sách tiền tệ. Đầu tiên là việc chuyển hướng sang chính sách “nới lỏng vừa phải”, đánh dấu sự thay đổi quan trọng sau 14 năm duy trì chính sách thận trọng.
Theo đó, PBOC dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2025 và thực hiện cải cách chính sách tiền tệ theo hướng giống với mô hình của Fed và ECB. Trong cuộc trao đổi gần đây với tờ Financial Times (Anh), PBOC cho biết, họ có thể sẽ hạ lãi suất từ mức 1,5% hiện tại “vào thời điểm thích hợp” trong năm 2025. Đồng thời, ngân hàng T.Ư này dự kiến sẽ ưu tiên “vai trò của điều chỉnh lãi suất” thay vì sử dụng “mục tiêu định lượng” cho tăng trưởng tín dụng như trước đây. “Cải cách lãi suất sẽ là trọng tâm thực sự của PBOC trong năm 2025” - chuyên gia Richard Xu tại Morgan Stanley nhận định.
Điều này được thể hiện qua việc PBOC đã công bố lãi suất repo 7 ngày sẽ trở thành công cụ chính sách chủ đạo, thay vì duy trì hệ thống phức tạp với nhiều mức lãi suất và chỉ đạo tín dụng không chính thức như hiện nay. Tuy nhiên, PBOC đang gặp khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi này vì chính quyền Bắc Kinh muốn định hướng vốn vào các lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất - vốn dễ dàng hơn khi áp dụng hệ thống cũ.
Nhìn chung, năm 2025 sẽ chứng kiến một bức tranh chính sách tiền tệ đa dạng và phức tạp chưa từng có. Mỗi ngân hàng T.Ư trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức riêng biệt và lựa chọn hướng đi phù hợp với điều kiện kinh tế của mình.
Nguyễn Phương