Ảnh minh họa: Reuers/Nikkei Asia
Theo các nhà phân tích, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng có sự phân kỳ. Theo đó, nền kinh tế giới có khả năng sẽ phân chia thành “2 khối” tập trung vào hai siêu cường đối đầu nhau này.
NỀN KINH TẾ THẾ GIỚI CHIA LÀM "2 KHỐI"
Dữ liệu chính thức cho thấy đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc năm 2024 có thể đã đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, chỉ sau mức đỉnh vào năm 2016 - thời hoàng kim của các thương vụ mua bán sáp nhập ở nước ngoài.
Hai năm trở lại đây, cơn sốt đầu tư ra quốc tế của Trung Quốc chủ yếu vào các thị trường mới nổi. Năm 2023, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của nước này đạt 162,7 tỷ USD, trong đó 3 nước nhận nhiều đầu tư nhất là Saudi Arabia, Malaysia và Việt Nam – theo dữ liệu từ fDi Markets.
Ngược lại, các nhà đầu tư Trung Quốc rút khỏi Mỹ và các nước đồng minh phương Tây của Washington. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn sau khi ông Donald Trump trở lại cương vị tổng thống Mỹ vào đầu tuần này và giới chức Mỹ đẩy mạnh siết quản lý dòng vốn đến từ Trung Quốc.
“Kịch bản có khả năng xảy ra nhất trong 4 năm tới là nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ được chia thành hai khối tập trung vào Mỹ và Trung Quốc”, ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng châu Á tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics ở London (Anh), nhận xét.
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 11 tháng đầu năm 2024, đầu tư ra nước ngoài của nước này đạt 128,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, sự phân kỳ trong đầu tư ra nước ngoài của Mỹ và Trung Quốc đã xảy ra từ trước đó. Năm 2023, chỉ 28% FDI ra nước ngoài của Trung Quốc được rót vào nền kinh tế phát triển, giảm từ 80% năm 2016 và 50% vào năm 2021 – theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu độc lập Rhodium Group (Mỹ).
Một nghiên cứu công bố tháng 9/2024 của ngân hàng Goldman Sachs cũng nhấn mạnh sự phân kỳ ngày càng gia tăng này. Năm 2022, các quốc gia phụ thuộc lớn nhất vào vốn FDI từ Trung Quốc là các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Trong khi đó, danh sách quốc gia nhận được nhiều vốn FDI nhất từ Mỹ là những nước phát triển như Ireland, Japan, Luxembourg và Singapore.
Theo các nhà phân tích, sự chia rẽ sâu sắc giữa các “khối” do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu có thể gây tác động sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu. Ví dụ, việc này có thể làm giảm hiệu quả của các chuỗi cung ứng khi các công ty đổ xô tới cùng địa điểm sản xuất mới để giảm rủi ro địa chính trị, làm tăng lạm phát ở một số quốc gia.
Trong một báo cáo vào tháng 5 năm ngoái, các nhà phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng trong kịch bản cực đoan, sự phân mảnh về thương mại có thể khiến GDP toàn cầu giảm tới 7%. Còn sự phân mảnh về vốn FDI tập trung vào các “khối” do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu có thể khiến GDP toàn cầu giảm 2% trong dài hạn.
ĐÔNG NAM Á - TRUNG TÂM HÚT FDI TRUNG QUỐC
Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc có sự biến động lớn trong thập kỷ qua với mức đỉnh hơn 200 tỷ USD thiết lập vào năm 2016 nhờ thương vụ của các tập đoàn lớn như HNA Group và Anbang Group. Kể từ sau đó, Bắc Kinh bắt đầu siết chặt kiểm soát vốn và hạn chế hoạt động mua bán sáp nhập ở nước ngoài của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh cũng siết chặt việc kiểm duyệt vốn FDI vào nước mình vì lý do an ninh quốc gia, từ đó làm giảm đáng kể đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực được xem là nhạy cảm như công nghệ.
Hiện tại, sau thời gian lắng xuống vì đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực đầu tư vào các nước đang phát triển với một loạt khoản đầu tư mới của các công ty đa quốc gia đến từ nền kinh tế thứ hai thế giới, qua đó tạo nhiều việc làm tại nước bản địa và nâng cao sức ảnh hưởng về kinh tế của Bắc Kinh.
Thay vì mua lại các tài sản giá trị lớn như khách sạn 5 sao ở New York và London, các công ty Trung Quốc giờ đây chuyển sang xây dựng nhà máy ô tô ở Malaysia, hạ tầng cung ứng điện ở Việt Nam, cơ sở hóa chất ở Kazakhstan. Đây là những quốc gia nằm ở khu vực chào đón nguồn vốn từ Trung Quốc hơn. Xu hướng này cũng phù hợp với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm định vị trở thành nước dẫn dắt của nhóm các nền kinh tế mới nổi ở khu vực Nam bán cầu.
Các nước có nguồn tài nguyên dồi dào ở châu Phi cũng đang tiếp tục nhận được vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh tìm hướng tiếp cận an toàn với những loại hàng hóa quan trọng và tìm kiếm dự án hạ tầng mới cho các nhà đầu xây dựng gặp khó khăn trong nước.
Theo dữ liệu từ chương trình nghiên cứu China Africa Research Initiative của Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao (SAIS) thuộc Đại học Johns Hopkins, năm 2022, đầu tư Trung Quốc tại châu Phi đạt 1,8 tỷ USD, tăng mạnh so với chỉ 75 triệu USD năm 2003. Mỹ vượt Trung Quốc về đầu tư tại châu Phi kể từ năm 2013 đến nay.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung từ năm 2018 đến nay là một nhân tố quan trọng thúc đẩy xu hướng này khi thúc đẩy nhiều nhà sản xuất dịch chuyển một phần sản xuất của mình từ Trung Quốc sang các quốc gia thứ ba rồi xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ. Trong đó, Đông Nam Á là một trung tâm chủ chốt với dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc từ Trung Quốc vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hậu đại dịch tăng vọt lên mức cao nhất lịch sử 17 tỷ USD năm 2023. Con số này tăng từ mức chưa tới 4 tỷ USD năm 2010.
Khoảng 1/3 dòng vốn này được rót vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là ô tô, điện tử và năng lượng tái tạo. Công ty sản xuất thiết bị điện gió Sungrow Renewables của Trung Quốc tháng 10 năm ngoái công bố kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD vào Việt Nam. Vào tháng 7 năm ngoái, BYD, nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu Trung Quốc, cũng thông báo đầu tư 1 tỷ USD vào Thổ Nhĩ Kỳ và thêm 754 triệu USD vào một nhà máy ở Indonesia vào tháng 10.
“Tránh thuế quan là nguyên nhân duy nhất của câu chuyện này”, ông Chen Dong, chiến lược gia trưởng châu Á kiêm giám đốc nghiên cứu về châu Á tại công ty đầu tư Pictet Wealth Management, nhận xét.
Theo ông Chen, trong bối cảnh thị trường nội địa Trung Quốc đối mặt tình trạng dư thừa hàng hóa, các công ty của nước này buộc phải đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường nước ngoài để tránh sự cạnh tranh khốc liệt trong nước và tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
"Trước đây, thuế quan là động lực chính để đa đạng hóa địa điểm sản xuất. Giờ đây, trọng tâm của xu hướng tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài là tăng trưởng”, vị chuyên gia nhận xét.
Việc ông Trump đe dọa sẽ áp một mức thuế quan chung cho tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ có thể ảnh hưởng tới kế hoạch dịch chuyển sản xuất của nhiều công ty. Việc này cũng sẽ gây áp lực cho chính “khối” kinh tế do Mỹ dẫn đầu, dù theo ông Williams của Capital Economics, kịch bản này ít có khả năng xảy ra.
“Dù Mỹ dùng rất nhiều công cụ để giành lợi thế, như dọa chặn quyền tiếp cận công nghệ và thị trường Mỹ nếu các nước khác giao dịch tự do với Trung Quốc hoặc có thể rút quân khỏi châu Á, những lợi ích về kinh tế và an ninh có thể sẽ giúp duy trì liên minh của Washington”, ông Williams phân tích.
Một số nhà sản xuất của Trung Quốc, gồm công ty sản xuất pin Contemporary Amperex Technology Co. Ltd. (CATL), đã ngỏ ý xây dựng nhà máy tại Mỹ nếu ông Trump cho phép. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định vốn đầu tư trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không tăng và xu hướng phân mảnh trong dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ không thay đổi.
Tại Mexico – một địa chỉ xuất khẩu và đầu tư lớn của Trung Quốc và cũng là một mục tiêu áp thuế quan ngay sau khi ông Trump lên nắm quyền, ông Victor Gonzalez, luật sư tại hãng luật Vaertis, cho biết một số khách hàng Trung Quốc mà họ tư vấn đã tạm dừng kế hoạch đầu tư cho đến khi tân tổng thống Mỹ hoàn tất kế hoạch thuế quan của mình. Tuy nhiên, ông Gonzalez dự báo đầu tư của Trung Quốc vào Mexico sẽ tiếp tục tăng.
"Xu hướng xoay trục của Trung Quốc sang Nam bán cầu có thể sẽ tiếp diễn trong tương lai gần", Le Xia, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại BBVA Research, nhận xét. “Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại mang tính cấu trúc và không thể đảo ngược trong ngắn hạn”.
Hoài Thu