Giá vàng thế giới tiếp tục trải qua một tuần tăng mạnh và đạt mức kỷ lục mới 2.954 USD/ounce. Tuy nhiên, vàng sau đó đã giảm nhiệt và kết thúc tuần ở mức 2.936 USD/ounce, tăng 2% so với kết phiên tuần trước đó.
Các nhà phân tích dự báo giá vàng 10 ngày tới vẫn tiếp tục tăng, bởi đà tăng của kim loại quý vẫn chưa kết thúc khi thị trường đang có nhiều yếu tố hỗ trợ. Trong đó, trọng tâm là sự bất ổn kinh tế chính trị trên thế giới vẫn nóng khiến vàng được chọn là nơi trú ẩn an toàn.
Christopher Vecchio, Trưởng phòng Giao dịch tương lai và Ngoại hối tại Tastylive.com, đánh giá vàng đang trong xu hướng tăng giá vững chắc. Ông lưu ý, nhà đầu tư không nên bỏ qua thời điểm này, khi kim loại quý đang có nhiều động lực đạt mức lịch sử 3.000 USD/ounce.
“Những trụ cột cơ bản hỗ trợ đắc lực cho vàng, như: nỗi lo về lạm phát, sự sụp đổ của thương mại toàn cầu hay sự dịch chuyển khỏi các loại tiền tệ truyền thống trong dự trữ của các ngân hàng trung ương là những yếu tố then chốt vẫn còn nguyên giá trị”, ông nói.
Vàng trên đà tiến tới 3.000 USD/ounce. Ảnh: NH
Lukman Otunuga, Giám đốc Phân tích thị trường tại FXTM, nhận xét giá vàng có nhiều dư địa để tăng cao. Do bất ổn địa chính trị vẫn nóng, nhu cầu đầu tư vào các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng đã tăng lên trong những tuần gần đây.
Ông nhận định, sự bất ổn địa chính trị mới ở châu Âu sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng trong 10 ngày tới.
Tuy nhiên, Lukman Otunuga cảnh báo, ngoài bất ổn chính trị thì báo cáo lạm phát PCE của Mỹ trong tuần này có thể ảnh hưởng đến vàng thông qua việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tuyên bố trì hoãn chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Ông phân tích, nếu một báo cáo lạm phát có kết quả hỗ trợ cho đồng USD sẽ dẫn đến sự suy yếu kéo dài đối với vàng. Mức giá dưới 2.950 USD/ounce của vàng nếu kéo dài có thể làm giá sụt giảm, trở về mức 2.900 USD/ounce.
James Stanley, nhà chiến lược thị trường cấp cao tại Forex.com, kỳ vọng giá vàng sẽ không gặp bất kỳ kháng cự lớn nào trước khi đạt mức 3.000 USD/ounce.
Ông cho rằng, khi đạt được cột mốc lịch sử này, vàng sẽ duy trì ở mức giá đó một thời gian khá dài. Khi những chính sách tài khóa của Chính phủ Mỹ và chính sách tiền tệ của Fed đưa ra có lợi cho vàng, mức giá sẽ vượt xa 3.000 USD/ounce.
Trái ngược với những phân tích lạc quan trên, Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets, cho biết dữ liệu lạm phát của Mỹ sắp công bố có thể là rủi ro lớn nhất đối với vàng trong 10 ngày tới.
Cụ thể, rủi ro lớn nhất đối với vàng ở giai đoạn này là sự thay đổi khó có thể dự đoán trong kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Fed. Nếu lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến, thị trường có thể chứng kiến áp lực giảm giá đối với vàng.
Ngoài ra, bất kỳ sự phục hồi đáng kể nào của đồng USD hoặc lợi suất trái phiếu tăng đều có thể thách thức đà tăng giá của kim loại quý ở thời điểm hiện tại.
Tại thị trường trong nước, vàng nhẫn và SJC vẫn đang trong chiều hướng tăng mạnh theo đà tăng của vàng thế giới khi liên tiếp đạt kỷ lục mới trong tuần qua.
Trong 10 ngày tới, dự báo giá vàng trong nước sẽ tiếp tục nóng theo thị trường thế giới. Nếu giá vàng thế giới chạm mức 3.000 USD/ounce, sẽ có nhiều đỉnh cao mới được thiết lập với giá vàng trong nước.
Ngọc Cương