Người dân Đắk Nông tưới nước cho cây cà-phê.
Tây Nguyên có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng hơn một triệu ha, chủ yếu là cây lâu năm như: Cà-phê, tiêu, ca-cao, điều... ngoài ra còn có một số diện tích trồng lúa, cây hằng năm và cây lâu năm khác. Tuy nhiên, đây cũng là vùng dễ bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước bởi các công trình thủy lợi hiện mới chỉ đảm nhận cung cấp nước tưới cho khoảng 25% diện tích cần tưới, còn khoảng 75% diện tích cần tưới phụ thuộc vào nước mưa. Cao điểm hạn hán ở Tây Nguyên trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm. Những năm bị hạn nặng chủ yếu do mùa mưa năm trước kết thúc sớm và mùa mưa năm sau xuất hiện muộn và nắng nóng kéo dài; canh tác không dựa trên cân đối khả năng nguồn nước.
Cục trưởng Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Tùng Phong cho biết: “Trong 25 năm qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xảy ra 17 đợt hạn hán, mỗi đợt diện tích cây trồng bị ảnh hưởng phổ biến ở mức từ 30.000 đến 60.000ha, nghiêm trọng nhất là năm 2015-2016 với 338.547ha cây trồng bị thiệt hại. Tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ cho khoảng 10.000 đến 20.000ha cây trồng hầu như năm nào cũng xảy ra”.
Tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ cho khoảng 10.000 đến 20.000ha cây trồng hầu như năm nào cũng xảy ra.
Cục trưởng Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Tùng Phong
Ở khu vực Tây Nguyên, diện tích các tầng chứa nước ngầm hiện tại là 34,21 nghìn km2 với lượng tích chứa 6,22 tỷ m3 và lượng khai thác trung bình hằng năm khoảng 0,5 tỷ m3. Tài nguyên nước dưới đất khoảng 9,44 tỷ m3 với trữ lượng nước có thể khai thác khoảng 3,55 tỷ m3. Mặc dù vậy, trong khoảng từ năm 2010 đến 2020, mực nước ngầm trong khu vực đã giảm từ 20 đến 50cm. Nguyên nhân chính là do người dân đào giếng khoan phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt làm ảnh hưởng đến hệ thống nước ngầm cũng như cấu tạo địa chất, trong khi đó nguồn bổ cập cho nước ngầm suy giảm.
Theo nhận định của Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nguồn nước mặt từ các hồ chứa, sông, suối bị suy giảm, mưa diễn biến thất thường, phân bố không đều sẽ ảnh hưởng đến nguồn bổ cập nước ngầm ở khu vực này. Do vậy, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm nước tưới cho cây trồng, nhất là cây công nghiệp ở nơi đây.
Trong những năm gần đây, để phục vụ chỉ đạo điều hành lấy nước cho sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã giao Cục Thủy lợi (nay là Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi) tổ chức thực hiện nhiệm vụ dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước, phục vụ chỉ đạo điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trên các lưu vực sông vùng Tây Nguyên.
Nhiệm vụ đã thực hiện là giám sát nguồn nước trong các công trình thủy lợi, nhận định tình hình hạn hán, thiếu nước; đồng thời, thường xuyên cung cấp các bản tin tình hình nguồn nước theo tuần, tháng, mùa để các địa phương xây dựng phương án lấy nước phục vụ sản xuất. Nhưng với đặc thù 75% diện tích sản xuất nằm ngoài vùng phục vụ của các công trình thủy lợi, nguồn nước phụ thuộc chủ yếu vào mưa cho nên công tác quản lý hạn hán, thiếu nước khu vực này hiện gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể như: Sự đa dạng trong sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn gây khó khăn trong việc xác định các diện tích cây trồng đã và đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước theo thời gian.
Ngoài ra, việc tính toán, dự báo, cảnh báo hạn hán, thiếu nước chủ yếu đang thực hiện cho các diện tích nằm trong phạm vi cấp nước chủ động từ các công trình thủy lợi. Đối với những diện tích phụ thuộc nước mưa chủ yếu tính toán đánh giá thông qua các chỉ số hạn hán, khí tượng, thủy văn nên rất dễ biến động và khó dự báo dài hạn.
Vì vậy, dự án đánh giá tác động của hạn hán vùng Tây Nguyên được thử nghiệm ở hai tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk trong năm 2025 do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ từ nguồn vốn ODA không hoàn lại kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam xây dựng phương pháp giám sát, dự báo hạn hán, thiếu nước, bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp khu vực này dựa trên công nghệ viễn thám, hiển thị kết quả qua cổng thông tin/trang web. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng kế hoạch sử dụng nước phục vụ sản xuất an toàn và hiệu quả hơn.
Dự án sử dụng công cụ WaPOR cấp độ 3 do FAO phát triển giúp phân tích ảnh vệ tinh với các độ phân giải khác nhau, cho phép đánh giá về năng suất sử dụng nước, mức độ nghiêm trọng hạn hán, thiếu nước và tính bền vững của các hoạt động nông nghiệp. Nền tảng này hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, tưới tiêu phòng, chống hạn hán, thiếu nước, hỗ trợ đưa ra quyết định nhằm tăng cường an ninh nguồn nước và khả năng phục hồi nông nghiệp.
Cục trưởng Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi Nguyễn Tùng Phong cho rằng: “Đây là mô hình thí điểm để Bộ Nông nghiệp và Môi trường có thể nhân rộng trên phạm vi cả nước, làm cơ sở ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi. Mặc dù vậy, do dự án sử dụng phương pháp giải đoán ảnh vệ tinh để nhận định hạn hán, thiếu nước nên kết quả phụ thuộc rất lớn vào thuật toán và số liệu kiểm chứng từ thực địa. Ngoài ra, rất khó kiểm đếm việc sử dụng nước do chủ yếu là quy mô sản xuất hộ gia đình, sử dụng nhiều nguồn nước tưới (nước mặt, nước ngầm). Do sự đa dạng trong sản xuất, phân bố cây trồng phụ thuộc vào sự thay đổi của thị trường nông sản đòi hỏi việc kiểm chứng dữ liệu viễn thám cần sự am hiểu vùng và cần được thiết kế kỹ lưỡng trong kế hoạch thực hiện”.
Để triển khai dự án hiệu quả, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi sẽ phối hợp chặt chẽ với FAO và các chuyên gia thực hiện; phối hợp chặt chẽ các địa phương trong thu thập, kiểm chứng số liệu giải đoán ảnh vệ tinh; nhận chuyển giao tối đa các công nghệ từ dự án để chủ động áp dụng hằng năm dự đoán hạn hán, thiếu nước cho khu vực Tây Nguyên. Từ kết quả thu được từ dự án, Cục sẽ tiếp tục đề xuất với FAO hỗ trợ để mở rộng kết quả dự án ra các khu vực khác của Việt Nam.
HOÀNG HÙNG