Dự báo hệ lụy từ chính sách thuế của ông Trump

Dự báo hệ lụy từ chính sách thuế của ông Trump
4 giờ trướcBài gốc
Một khu phức hợp của hãng ô-tô Mỹ General Motors ở Silao, Mexico. Ảnh: Getty
Vào cuối ngày 25-11, ông Trump đã cho biết ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông sẽ áp thuế 25% đối với tất cả sản phẩm từ Mexico và Canada. Về Trung Quốc, ông cho rằng nước này chưa hành động đủ mạnh để hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu được sử dụng trong ma túy bất hợp pháp, và đề xuất áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những hệ lụy
Theo giới chuyên gia, quyết định áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada không chỉ làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực đối với các ngành công nghiệp của Mỹ, mà còn khiến nền kinh tế của các quốc gia đối tác này lao đao. Cụ thể, Mexico và Canada là hai quốc gia cung cấp một lượng lớn dầu thô cho Mỹ, chiếm khoảng 25% lượng dầu mỏ mà các nhà máy lọc dầu của Mỹ xử lý mỗi ngày. Một nguồn tin tiết lộ rằng các sản phẩm dầu thô cũng sẽ không được miễn thuế, điều này khiến các nhóm vận động trong ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ phản đối kịch liệt, cảnh báo rằng việc áp dụng thuế này có thể làm tăng giá dầu, đẩy chi phí nhiên liệu lên cao và tác động xấu đến người tiêu dùng.
Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng với việc áp thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ có thể tăng mạnh. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ lên tới 3,7% vào năm 2025, cao hơn nhiều so với mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức mua của người dân mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung và gia tăng chi phí sản xuất trong nước.
Ngành công nghiệp ô-tô của Mỹ được dự báo là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp thuế này. Mexico và Canada là những nhà cung cấp linh kiện và xe hơi quan trọng cho các hãng xe Mỹ. Do vậy, việc áp đặt thuế có thể đẩy giá thành lên cao, đồng thời cản trở các chuỗi cung ứng vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19. Cổ phiếu của các hãng ô-tô Mỹ như Ford và General Motors đã giảm mạnh trong những ngày qua, khi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng lạm phát gia tăng và thị trường lao động bị ảnh hưởng.
Tương tự, ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ cũng phản đối mạnh mẽ kế hoạch tăng thuế nói trên. Nhiều nhóm vận động trong ngành dầu khí cho rằng việc áp thuế đối với dầu thô sẽ làm tăng giá nhiên liệu, gây bất lợi cho người tiêu dùng và đẩy các nhà máy lọc dầu vào tình trạng khó khăn. Canada hiện là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Mỹ, với hơn 4 triệu thùng/ngày và việc áp thuế đối với nguồn cung này có thể làm tăng giá xăng dầu tại các khu vực như Trung Tây, nơi phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Canada.
Phản ứng của Mexico, Canada
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cảnh báo Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng Mỹ sẽ hứng chịu lạm phát và mất việc làm nếu tăng thuế 25% đối với Mexico và Canada. "Thuế sẽ gây ra các biện pháp trả đũa qua lại, đe dọa cơ hội làm ăn của cả hai phía", Tổng thống Mexico viết trong lá thư gửi ông Trump, cảnh báo chính sách tăng thuế 25% đối với hàng hóa Mexico và Canada sẽ gây lạm phát và mất việc làm ở cả hai nước. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard tuyên bố nước này sẽ cân nhắc biện pháp đáp trả. Ông cảnh báo leo thang áp thuế qua lại giữa Mỹ và Mexico sẽ chỉ gây tổn hại cho cả hai nước, kêu gọi Tổng thống đắc cử Mỹ thiện chí cùng tìm giải pháp cho những bất đồng thương mại.
Mexico là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, chiếm 15,8% tổng kim ngạch thương mại Mỹ. Năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 475,6 tỷ USD từ Mexico, nhiều nhất trong các đối tác của Mỹ trên thế giới, theo Statista. Ngành ô-tô chiếm hơn 35% giá trị xuất khẩu của Mexico, trong đó khoảng 79% xe sản xuất tại Mexico được xuất sang Mỹ.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có cuộc điện đàm với ông Trump, được cho là "mang tính xây dựng và hiệu quả", với mục tiêu duy trì mối quan hệ thương mại ổn định và trao đổi về vấn đề an ninh biên giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định việc áp dụng mức thuế mới có thể gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Canada, đặc biệt là ngành công nghiệp ô-tô và năng lượng.
Canada được đánh giá là một trong những quốc gia có thương mại phụ thuộc nhất vào Mỹ với 77% hàng xuất khẩu của Canada sang Mỹ. Gần 2,7 tỷ USD giá trị hàng hóa và dịch vụ qua biên giới mỗi ngày. Khoảng 60% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ là từ Canada và 85% lượng điện nhập khẩu của Mỹ là cũng từ quốc gia này. Canada là nhà cung cấp thép, nhôm và urani nước ngoài lớn nhất cho Mỹ. Nước này cũng đang có 34 loại khoáng sản và kim loại quan trọng mà Lầu Năm Góc đang đầu tư để phục vụ mục đích an ninh quốc gia. Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cho biết: "Sự thật là chúng tôi cần họ và họ cũng cần chúng tôi. Canada là thị trường lớn nhất của Mỹ trên thế giới, lớn hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Pháp cộng lại. Những thứ chúng tôi xuất khẩu cũng là những thứ họ thực sự cần".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo các địa phương ngày 27-11 (giờ địa phương) để tìm kiếm các giải pháp nhằm ứng phó với nguy cơ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ bị áp mức thuế quan mới.
AN BÌNH
Ông Trump bổ nhiệm Bộ trưởng Hải quân và Đại diện Thương mại Mỹ
Theo Reuters, tối 26-11 (giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo ông đã chọn John Phelan, người đồng sáng lập quỹ MSD Capital, làm Bộ trưởng Hải quân. Cùng ngày, ông Trump cũng đã bổ nhiệm luật sư Jamieson Greer giữ chức Đại diện Thương mại Mỹ - sự lựa chọn sẽ đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa nhằm tái thiết môi trường thương mại quốc tế bằng thuế quan.
B.N
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/du-bao-he-luy-tu-chinh-sach-thue-cua-ong-trump-post305120.html