Bão sớm và mưa lớn bất thường trong nửa đầu năm 2025
Mặc dù hiện tượng ENSO được dự báo duy trì trạng thái trung tính trong suốt năm khí tượng 2025–2026, song thời tiết tại Việt Nam vẫn có những biểu hiện bất thường và cực đoan rõ rệt. Từ đầu năm đến giữa tháng 7/2025, hàng loạt hiện tượng như mưa lũ dị thường, nắng nóng dữ dội, rét hại kỷ lục đã xảy ra ở nhiều nơi. Trong thời gian tới, khu vực miền Trung được cảnh báo có thể chịu ảnh hưởng mạnh từ bão và mưa lớn cuối mùa. Các chuyên gia khí tượng khuyến nghị cần chủ động thích ứng với những biến động khí hậu ngay cả trong điều kiện ENSO trung tính.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, tính từ tháng 1 đến giữa tháng 7/2025, trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 4 xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ), gồm 2 áp thấp nhiệt đới, bão số 1 (WUTIP) và bão số 2 (DANAS). Đây là hiện tượng tương đối sớm so với trung bình nhiều năm. Mặc dù không cơn bão nào đổ bộ trực tiếp vào đất liền Việt Nam, song ảnh hưởng gián tiếp lại rất rõ rệt.
Mùa mưa bão 2026-2026 vẫn diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, bão số 1 – cũng là cơn bão đầu tiên trên toàn Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm – đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vào ngày 14/6, nhưng đã gây mưa rất lớn cho dải đất từ Nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Lượng mưa phổ biến 250–500mm, nhiều nơi vượt 600mm như A Lưới (Huế) đạt tới 1057mm, Khe Sanh (Quảng Trị) 628mm, Nam Đông 966mm. Một số trạm khí tượng ghi nhận tổng lượng mưa ngày và tháng vượt giá trị lịch sử (GTLS).
Từ cuối tháng 4 đến tháng 7, đã ghi nhận tới 8 đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Tây Nguyên và Nam Bộ cũng trải qua nhiều ngày có mưa rào, dông, thậm chí có ngày mưa vừa đến mưa to. Mưa kéo dài liên tục khiến tổng lượng mưa trong 6 tháng đầu năm ở nhiều địa phương vượt xa trung bình nhiều năm. Tại Bắc Quang (Tuyên Quang), lượng mưa lên tới 3367mm, A Lưới (Huế) 2112mm. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên và Duyên hải các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng lại ghi nhận lượng mưa thấp nhất, chỉ 200–400mm.
Đáng chú ý, tháng 6/2025, tổng lượng mưa tại khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi vượt 150–300% so với trung bình. Riêng tại Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng, mưa nhiều gấp 6–11 lần trung bình cùng kỳ, thậm chí cao hơn từ 300–350% so với tháng 6/2024.
Nắng nóng trong năm 2025 bắt đầu xuất hiện từ tháng 3 tại miền Đông Nam Bộ, sau đó lan rộng ra toàn Nam Bộ và khu vực phía Bắc Tây Nguyên vào tháng 4. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 35–37°C, có nơi vượt ngưỡng 40°C. Đến giữa tháng 7, đã ghi nhận tổng cộng 12 đợt nắng nóng ở các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Một số điểm nóng điển hình gồm: Tương Dương (Nghệ An) 41,2°C, Quỳ Châu (Nghệ An) 41,0°C, Sơn Tây (Hà Nội) 40,2°C, Láng (Hà Nội) 40,6°C. Tuy nhiên, khác với năm 2024, các đợt nắng nóng năm nay không kéo dài; mỗi đợt thường chỉ diễn ra từ 3–4 ngày. Đợt dài nhất kéo dài 8 ngày (16–23/5/2025), xảy ra ở khu vực từ Quảng Trị đến Đà Nẵng và phía Đông Quảng Ngãi.
Trong 6 tháng đầu năm, đã ghi nhận 15 đợt không khí lạnh, gây ra 6 đợt rét đậm, rét hại tại Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Đáng chú ý là đợt không khí lạnh mạnh vào ngày 9/1, kéo dài đến 13/1/2025, khiến nền nhiệt khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ giảm sâu, có nơi dưới 5°C. Nhiệt độ thấp nhất ghi nhận tại Sa Pa (3,2°C), Bắc Hà (1,4°C), Đồng Văn (0,8°C), Trùng Khánh (0,9°C), Đình Lập (0,3°C).
Đặc biệt, một đợt không khí lạnh muộn xuất hiện vào ngày 10/5 đã gây gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8 trên Vịnh Bắc Bộ – điều hiếm gặp vào thời điểm giữa mùa hè.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2025: Bão, mưa lớn tập trung cuối mùa
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định hiện tượng ENSO sẽ duy trì trạng thái trung tính đến tháng 1/2026. Từ tháng 8 đến tháng 10/2025, khả năng xuất hiện từ 8–11 cơn bão và ATNĐ trên Biển Đông, trong đó có 4–5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đất liền, chủ yếu là miền Trung. Không loại trừ khả năng xuất hiện bão muộn trong tháng 1/2026 ở khu vực Nam Biển Đông.
Không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ tháng 9–10/2025, gia tăng cường độ từ tháng 11. Khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại diện rộng tại miền Bắc từ nửa cuối tháng 12. Cần đề phòng sương muối và băng giá tại vùng núi cao.
Từ tháng 8–10/2025, lượng mưa các khu vực phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng ven biển Đông Bắc Bộ, Phú Thọ, Thanh Hóa và từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa cao hơn 20–40%. Từ tháng 11/2025 đến tháng 1/2026, Bắc Bộ, Thanh Hóa–Quảng Trị, Tây Nguyên và Nam Bộ có lượng mưa thấp hơn trung bình (5–15%), trong khi khu vực từ Huế đến Quảng Ngãi lại có xu hướng mưa cao hơn.
Chuyên gia dự báo, ENSO tiếp tục duy trì trạng thái trung tính trong nửa đầu năm 2026. Từ tháng 2–4/2026, nhiệt độ cả nước phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, từ tháng 5–7/2026, dự báo nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình.
Nắng nóng được dự báo bắt đầu từ tháng 3 tại Nam Bộ, từ tháng 4 tại Bắc Bộ và Trung Bộ. So với năm 2025, số ngày nắng nóng có thể nhiều hơn và cường độ gay gắt hơn.
Lượng mưa từ tháng 2–4/2026 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, từ tháng 5–7/2026 trở về mức xấp xỉ. Đặc biệt, trong thời kỳ chuyển mùa, cần lưu ý các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh trên biển và mưa lớn cục bộ gây ngập lụt.
Theo cơ quan khí tượng, mặc dù không nằm trong pha El Nino hay La Nina, năm 2025–2026 vẫn là một năm có diễn biến khí hậu phức tạp. Sự gia tăng của các cực đoan như mưa kỷ lục, bão muộn, nắng nóng ngắn hạn nhưng gay gắt… đòi hỏi chính quyền và người dân các địa phương cần chủ động cập nhật thông tin khí tượng và có biện pháp ứng phó phù hợp.
Tô Hội