Dự báo kinh tế toàn cầu cả năm 2024 tăng thêm từ 0,1 – 0,3 điểm phần trăm

Dự báo kinh tế toàn cầu cả năm 2024 tăng thêm từ 0,1 – 0,3 điểm phần trăm
2 giờ trướcBài gốc
Giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thúc đà tăng trưởng kinh tế năm 2025 Kinh tế duy trì đà tăng trưởng, chứng khoán Mỹ ngập sắc xanh trong phiên giao dịch cuối tuần Việt Nam - Hoa Kỳ: Thắt chặt mối quan hệ thương mại và kinh tế
Phục hồi nhờ dịch vụ và tiêu dùng
Báo cáo phân tích của Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2024, hoạt động kinh tế toàn cầu qua 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU ghi nhận mức độ phục hồi ổn định, trong khi các quốc gia mới nổi duy trì sự năng động trong tăng trưởng.
PMI lĩnh vực sản xuất tại một số quốc gia. Nguồn: Investing.com
Chỉ số PMI sản lượng toàn cầu đã tiệm cận ngưỡng 50 điểm, phản ánh trạng thái ổn định. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ đóng góp vượt trội, với hoạt động kinh doanh dịch vụ và tài chính dẫn đầu về tăng trưởng.
Theo nhóm nghiên cứu, sự phục hồi kéo dài suốt 18 tháng qua cho thấy nhu cầu dịch vụ ngày càng tăng, đặc biệt tại các nước phát triển.
Hoạt động bán lẻ cũng là điểm sáng trong quý III, với mức tăng trưởng dương mạnh nhất vào tháng 8/2024. Tại Mỹ, doanh số bán lẻ tiếp tục vượt kỳ vọng, phản ánh sự cải thiện rõ rệt trong cầu tiêu dùng. EU và Trung Quốc cũng cho thấy tín hiệu tích cực tương tự, củng cố hy vọng rằng lĩnh vực tiêu dùng sẽ là động lực chính giúp nền kinh tế toàn cầu vượt qua bất ổn.
Thương mại toàn cầu dù phải đối mặt với những bất ổn như căng thẳng địa chính trị và biến động tài chính, vẫn đạt thặng dư thương mại 80 tỷ USD trong kỳ quý III vừa qua, cao hơn kỳ vọng ban đầu. Các chính sách kích thích kinh tế từ Mỹ và EU đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất.
Thách thức từ lạm phát và biến động tài chính
Cũng tại báo cáo, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, lạm phát toàn cầu trong quý III vừa qua tiếp tục giảm, nhưng tốc độ giảm chậm hơn so với đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trung bình 2,5% so với cùng kỳ, cho thấy dấu hiệu ổn định trong suốt bốn tháng liên tiếp.
Các nền kinh tế lớn như Mỹ và Nhật Bản ghi nhận sự giảm lạm phát ở nhóm hàng hóa, trong khi lạm phát dịch vụ vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, tại các quốc gia mới nổi như Trung Quốc và Đông Nam Á, CPI đã tiệm cận hoặc thấp hơn mức trước đại dịch.
Các đợt tăng lãi suất của FED kể từ năm 2022. Nguồn: FRED.
Trong cùng diễn biến, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã có bước đi đáng chú ý trong tháng 9/2024 khi giảm lãi suất tiêu chuẩn 0,5%, lần đầu tiên sau bốn năm, đưa mức lãi suất về 4,75 - 5%. Động thái này tạo ra tác động mạnh mẽ trên toàn cầu: chi phí vay vốn giảm, kích thích đầu tư và tiêu dùng, trong khi đồng USD suy yếu, hỗ trợ sự tăng giá của các đồng tiền chủ chốt khác.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách này cũng gây ra biến động trên thị trường tài chính, buộc các quốc gia mới nổi phải thận trọng trong điều hành kinh tế để tránh bất ổn.
Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD từ tháng 6/2024 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đồng tiền khác. Các đồng tiền chủ chốt như GBP, EUR và AUD ghi nhận mức tăng 4,5-5,5%, trong khi đồng JPY và CNY tại châu Á cũng tăng mạnh, phản ánh sự lạc quan trên thị trường tài chính.
Về triển vọng cho thời gian tới, nhóm nghiên cứu dự báo rằng, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục thể hiện sự hồi phục rõ rệt lên khoảng 0,1 - 0,3 điểm % so với mức trước đó, với dự báo GDP toàn cầu tăng 2,7-3,2% trong năm. Các động lực tăng trưởng đến từ nhu cầu nội địa, sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ và thương mại toàn cầu.
Tại các quốc gia phát triển, Mỹ, Canada và Úc được xem là điểm sáng, trong khi các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Indonesia đóng vai trò đầu tàu khu vực. Tuy nhiên, một số nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là Đức, vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 dự kiến tăng trưởng suy giảm do áp lực kinh tế nội tại.
Về lạm phát, xu hướng giảm sẽ tiếp tục nhờ giá hàng hóa quốc tế ổn định. Tuy nhiên, các yếu tố bất định như căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu vẫn đặt ra nguy cơ kìm hãm đà phục hồi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến nghị, các nền kinh tế mới nổi ưu tiên ổn định kinh tế nội địa, thay vì phụ thuộc vào các điều chỉnh chính sách từ các nền kinh tế lớn.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, dù còn nhiều thách thức, triển vọng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn cuối năm 2024 và những năm tiếp theo đang dần sáng sủa, với những tín hiệu phục hồi rõ nét từ khu vực dịch vụ, tiêu dùng và thương mại.
Theo ông Nguyễn Nhật Minh, thành viên nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, triển vọng kinh tế toàn cầu cuối năm 2024 đang sáng dần lên nhờ sự phục hồi rõ rệt từ dịch vụ, tiêu dùng và thương mại. Nhờ đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc và trở nên hấp dẫn hơn trong năm 2025.
Về yếu tố trong nước, việc Quốc hội quyết nghị một số chỉ tiêu quan trọng cho năm 2025 như tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%, kết hợp với các yếu tố như tình hình vĩ mô được cải thiện, FDI phục hồi tốt, chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán… sẽ là động lực phát triển chính cho nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
Trên bình diện quốc tế, việc FED và các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng sẽ giảm áp lực tỷ giá trong nước, đồng thời thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các thị trường mới nổi có tiềm năng cao như Việt Nam.
Thu Hương
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-bao-kinh-te-toan-cau-ca-nam-2024-tang-them-tu-01-03-diem-phan-tram-164978.html