BIDV hiện là một trong 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất và có quy mô tổng tài sản đứng đầu ngành ngân hàng tại Việt Nam. Tính đến ngày 08/7, thị giá cổ phiếu BID đạt 37.500 đồng, vốn hóa vào khoảng 261.195 tỷ đồng với P/E đạt 8,87 lần và P/B ở mức 1,65 lần. BIDV đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay lên gần 91.870 tỷ đồng thông qua ba phương án bao gồm phát hành từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (7,1%), trả cổ tức bằng cổ phiếu (19,9%) và phát hành riêng lẻ (3,84%).
Về kết quả kinh doanh quý I/2025, tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt 2,5% so với đầu năm, nâng quy mô cho vay khách hàng lên hơn 2,18 triệu tỷ đồng. Danh mục trái phiếu doanh nghiệp gần như đi ngang với quy mô 5.443 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ nhóm SME tăng 6,5%, chiếm hơn 21% tổng dư nợ; phân khúc bán lẻ tăng 3,4%, chiếm gần 48%; trong khi dư nợ doanh nghiệp lớn giảm 1,3%.
Tổng thu nhập hoạt động trong quý đạt 17.898 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần đóng góp 13.946 tỷ đồng, tăng 3%. Mặc dù chi phí vốn ổn định và nguồn tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước dồi dào, biên lãi ròng (NIM) vẫn thu hẹp còn 2%, do BIDV triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất. Thu nhập ngoài lãi đạt 3.953 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ, nhờ khoản thu hồi nợ xấu đã xóa và lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán. Chi phí hoạt động tăng 9,5%, ghi nhận 5.907 tỷ đồng, đưa tỷ lệ CIR lên 33%, tương đương mức bình quân ngành.
Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối quý I/2025 tăng lên 1,89%, cao hơn so với mức 1,41% cuối năm 2024. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng nhẹ lên 1,85%. BIDV trích lập dự phòng rủi ro 4.578 tỷ đồng trong quý, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) giảm còn 96,8%, nhưng vẫn thuộc nhóm cao trong hệ thống.
Về triển vọng cả năm 2025, VCBS dự báo tín dụng của BIDV sẽ tăng khoảng 16%, ngang với trung bình toàn ngành. Động lực chủ yếu đến từ phân khúc bán lẻ và SME, được ước tính tăng khoảng 19%. Trong khi đó, cho vay doanh nghiệp lớn dự kiến chỉ tăng 11%. NIM cả năm được kỳ vọng hồi phục lên mức 2,3%, nhờ cải thiện lợi suất cho vay và chất lượng tài sản. Dự kiến đến cuối năm, tỷ lệ nợ xấu có thể giảm xuống 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 132%, và thu nhập bất thường từ thu hồi nợ xấu đạt khoảng 6.500 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Theo ước tính của VCBS, BIDV dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 35.698 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 13,7% so với năm trước. Thu nhập lãi thuần ước đạt 67.765 tỷ đồng, tăng 16,8%, tổng thu nhập hoạt động đạt 94.453 tỷ đồng, tăng 16,5%. Ngân hàng dự kiến nâng chi phí dự phòng lên 26.373 tỷ đồng (+20,5%), trong khi ROE duy trì ở mức 18,5%.
Dự phóng kết quả kinh doanh BID năm 2025 theo ước tính của VCBS.
Ngoài ra, BIDV cũng đang tập trung đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), hiện đang ở mức quanh 9%, nhằm đáp ứng yêu cầu Basel III trong tương lai.
Về rủi ro, báo cáo lưu ý 2 yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến hoạt động BIDV trong năm nay, bao gồm rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ đối với các ngành như thép, nhựa, thủy sản, giày dép, và nợ xấu có thể hình thành nhanh nếu khả năng trả nợ của khách hàng phục hồi chậm hơn kỳ vọng.
Dựa trên phương pháp định giá kết hợp P/B và thu nhập thặng dư (RI), VCBS ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu BID là 44.238 đồng, tương ứng tiềm năng tăng giá khoảng 19% so với thị giá thời điểm công bố báo cáo. Khuyến nghị đầu tư là “MUA” trong vòng 12 tháng tới.
Nga Chen