Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã nhanh chóng hồi phục hình chữ V sau cú sốc thuế quan hồi đầu tháng 4 và VN-Index tiệm cận mức 1.380 điểm vào cuối tháng 6. Đà tăng tích cực này kéo dài sang cả những phiên đầu tháng 7, giúp VN-Index chinh phục vùng cản tâm lý 1.400 điểm.
Có thể lên tới 1.600 điểm
Với vùng định giá cơ sở vẫn xung quanh mức -1 độ lệch chuẩn đến P/E trung vị 3 năm, VN-Index được dự phóng có thể đạt tới ngưỡng điểm số 1.350-1.500, trên nền dự phóng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2025 của các doanh nghiệp niêm yết có thể đạt mức tăng 11,6% so với cùng kỳ.
VN-Index có thể lên tới 1.600 điểm trong kịch bản khả quan.
Trong báo cáo chiến lược tháng 7, Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) đánh giá triển vọng trong tháng 7 nói riêng và đối với quý III nói chung dự kiến sẽ được củng cố bởi bức tranh tăng trưởng lợi nhuận trong quý II, đặc biệt đối với nhóm Ngân hàng và Xuất khẩu.
Về kết quả kinh doanh quý II/2025, MASVN cho biết bối cảnh lợi nhuận chung sẽ tiếp tục được cải thiện trên diện rộng sau khi Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP trong quý II đạt mức tăng 7,96% so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt 9,9% kể từ đầu năm giúp cải thiện lợi nhuận chung của nhóm Ngân hàng.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam dường như được hưởng lợi ngắn hạn trong bối cảnh các nhà nhập khẩu tận dụng thời gian tạm hoãn thuế đối ứng để gia tăng hàng tồn kho (front-loading). Các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu cao cũng sẽ đồng thời hưởng lợi ngắn hạn đến từ xu hướng front-loading trong quý II.
Mặt khác, mặt bằng thanh khoản chung được cải thiện trong quý II, giúp tạo động lực tăng trưởng cho nhóm Chứng khoán trong bối cảnh dư nợ cho vay ký quỹ duy trì ở mức cao và đồng thời hưởng lợi từ triển vọng nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE trong thời gian tới.
Đối với TTCK, nhóm phân tích cho rằng kịch bản xấu nhất đã tạm thời qua đi, mở đường cho triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Hơn nữa, tín hiệu khởi sắc trên TTCK đồng thời được củng cố bởi hàng loạt sự thay đổi mang tính cấu trúc về định hướng và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ và Quốc hội trong năm 2025.
“Xu hướng tăng sẽ tiếp diễn trong phần còn lại của quý III với mục tiêu chinh phục vùng đỉnh lịch sử 1.550 điểm”, MASVN kỳ vọng.
Đáng chú ý, trong Báo cáo ASEAN Equity Strategy mới đây, JP Morgan đã nâng đánh giá TTCK Việt Nam cùng với Singapore và Philippines lên mức “tăng tỷ trọng” (overweight).
Các chuyên gia của JP Morgan điều chỉnh dự báo VN-Index lên 1.500 điểm trong kịch bản cơ sở và 1.600 điểm với kịch bản lạc quan vào cuối năm nay.
Hiện tại, VN-Index dao động quanh mức 1.450 điểm, so với 2 kịch bản cơ sở và lạc quan mà JP Morgan đưa ra còn dư địa tăng lần lượt 3,4% và 10%.
Chiến lược nào cho nhà đầu tư?
Tuy nhiên, JP Morgan cũng lưu ý vẫn còn quá sớm để kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phục hồi mạnh, do chính sách tiền tệ cần thêm thời gian phát huy tác động, trong khi rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu với xác suất 40%.
Về dài hạn, JP Morgan đánh giá cao các cải cách của Việt Nam như dỡ bỏ yêu cầu ký quỹ 100% cho nhà đầu tư nước ngoài từ tháng 11/2024 và nâng cấp hệ thống giao dịch. Những động thái này giúp tăng khả năng Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ rà soát tháng 9 tới, qua đó kéo theo hơn 500 triệu USD dòng vốn thụ động.
JP Morgan cho rằng khi rủi ro toàn cầu giảm bớt, Việt Nam sẽ nổi lên nhờ dân số trẻ, tiêu dùng nội địa tăng và chính sách hỗ trợ linh hoạt. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu gắn với nhu cầu trong nước như Ngân hàng, Công nghiệp và Tiêu dùng không thiết yếu.
Trong khi đó, trong giai đoạn nửa sau của năm nay, Chứng khoán ACB (ACBS) khuyến nghị tập trung vào chiến lược đầu tư ưu tiên sự ổn định trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định.
Cụ thể, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với 2 rủi ro lớn nhất trong thời gian tới, gồm xung đột địa chính trị và sự phân cực dẫn tới chiến tranh thương mại kéo dài, gây rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, đe dọa tăng trưởng. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thắt chặt với chi phí lãi suất cao tiếp diễn trong khi rủi ro nợ công của nhiều quốc gia đang gia tăng. Thị trường tài chính toàn cầu chứng kiến sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư sang các kênh tài sản an toàn hơn như vàng, quỹ tiền gửi ngắn hạn, các thị trường có định giá thấp.
Trong nước, theo ACBS, Chính phủ hoạt động tinh gọn và hiệu quả hơn, đề cao vai trò kinh tế tư nhân, ưu tiên các ngành công nghệ, tri thức cao, tham gia vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương… nhằm giúp nền kinh tế thích ứng linh hoạt hơn với bối cảnh đầy biến động hiện nay. Nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn duy trì tốt.
ACBS đánh giá môi trường lãi suất ổn định và thanh khoản được hỗ trợ từ cả trong nước cũng như dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ là những chất xúc tác tích cực hỗ trợ đà tăng của VN-Index trong 6 tháng cuối năm.
Thanh khoản HoSE được dự phóng tăng 20% so với năm trước. Đặc biệt, ACBS tự tin cơ hội nâng hạng từ thị trường Cận biên lên thị trường Mới nổi là khả thi nếu có thêm các quyết định cải thiện về khối ngoại và FTSE trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 sắp tới.
Chiến lược đầu tư cho 6 tháng cuối năm 2025 được khuyến nghị tập trung vào mục tiêu ổn định trước những rủi ro bất định ngày càng lớn từ môi trường vĩ mô thế giới. ACBS đánh giá tích cực với các cổ phiếu thuộc nhóm ngành gồm Ngân hàng, Tiêu dùng, Đầu tư công, Công nghệ, Hóa chất phân bón và Bất động sản dân dụng.
Hải Giang