Dự báo tác động nhiệm kỳ hai Tổng thống Mỹ đối với các thị trường châu Á

Dự báo tác động nhiệm kỳ hai Tổng thống Mỹ đối với các thị trường châu Á
4 giờ trướcBài gốc
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi các biện pháp thương mại cứng rắn nhất có thể sẽ nhắm vào Trung Quốc, nhiều công ty tại châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng do chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump thúc đẩy tái cơ cấu chuỗi cung ứng.
Ngay cả trước khi ông Trump nhậm chức, thị trường đã biến động mạnh vì những lo ngại về chính sách bảo hộ và tác động của chúng đến tăng trưởng kinh tế của khu vực vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu này. Các ngân hàng trung ương đã gấp rút phản ứng trước viễn cảnh đồng USD mạnh hơn, trong đó Indonesia và Hàn Quốc đã đưa ra các quyết định lãi suất trái với dự báo trong tuần trước.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị cho một kịch bản tích cực hơn: Chính sách thuế quan có thể ôn hòa hơn, từ đó thúc đẩy một đợt phục hồi cho các tài sản châu Á.
Theo chiến lược gia Charu Chanana của công ty môi giới đầu tư trực tuyến Saxo Markets, các chính sách trong 100 ngày đầu tiên của chính quyền ông Trump – đặc biệt là quy mô và mục tiêu của thuế quan - sẽ là yếu tố then chốt. Các chuỗi cung ứng công nghệ và xe điện đặc biệt dễ bị tổn thương nếu chính sách thương mại bị gián đoạn.
Dưới đây là một số lĩnh vực cần được theo dõi chặt chẽ khi ông Trump nhậm chức:
Đối đầu về công nghệ
Chip là tâm điểm của cuộc đối đầu công nghệ Mỹ-Trung, với việc Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu để hạn chế nguồn cung các linh kiện tiên tiến cho Trung Quốc. Trung Quốc đã đáp trả bằng các biện pháp hạn chế của riêng mình và những động thái ăn miếng trả miếng như vậy dự kiến sẽ gia tăng dưới thời ông Trump.
Những tác động đã lan rộng. Việc Trung Quốc theo đuổi sự tự chủ công nghiệp đã trở thành động lực cho các công ty sản xuất chip nội địa, với cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải của SMIC tăng hơn gấp đôi so với mức thấp hồi tháng 9/2024.
Trong khi đó, doanh thu từ Trung Quốc của các gã khổng lồ chip châu Á bao gồm Samsung Electronics Co. của Hàn Quốc và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. tại Đài Loan (Trung Quốc) đã bị chú ý, khi Mỹ chuẩn bị các quy tắc cứng rắn hơn để ngăn các con chip tiên tiến lọt vào tay Trung Quốc.
Các lệnh kiểm soát của Mỹ cùng có thể hạn chế quyền truy cập chip AI của Malaysia (Ma-lai-xi-a), ảnh hưởng đến các nhà phát triển trung tâm dữ liệu.
Theo chiến lược gia Andrew Jackson của công ty tư vấn Ortus Advisors Pte, chính sách của ông Trump có thể không khắc nghiệt hơn so với các biện pháp đã được chính quyền Tổng thống Joe Biden thiết lập. Thậm chí, có khả năng ông sẽ nới lỏng một số chính sách.
Xe điện và pin xe điện gặp rủi ro
Ông Trump đã ưu tiên sản xuất nhiên liệu hóa thạch và giảm bớt các lo ngại về môi trường, đe dọa loại bỏ khoản tín dụng thuế tiêu dùng nhằm thúc đẩy việc áp dụng xe điện.
Các nhà cung cấp pin xe điện Hàn Quốc như Samsung SDI Co. và LG Chem Ltd. đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm hơn 20% kể từ khi ông Trump đắc cử vào ngày 5/11/2024, vì những lo ngại về chính sách càng khiến triển vọng doanh số vốn đã yếu của họ thêm u ám.
Triển vọng cũng không mấy sáng sủa đối với các công ty năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc, vốn đã bị Mỹ giám sát trong nhiều năm vì họ đang thống trị thị trường toàn cầu bằng các sản phẩm giá rẻ hơn.
Ngành đóng tàu và ngân hàng hưởng lợi
Ngoài ra, cũng có những lĩnh vực hưởng lợi khi chúng có thể giúp chính quyền mới thực hiện các chính sách.
Cổ phiếu của các công ty đóng tàu Hàn Quốc đã tăng vọt nhờ triển vọng về kế hoạch tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của ông Trump, cũng như kỳ vọng rằng Mỹ sẽ dựa vào các đồng minh để đóng tàu cho Hải quân.
Các công ty quản lý quy trình kinh doanh của Ấn Độ như FirstSource Solutions Ltd. cũng có thể ghi nhận nhu cầu tăng từ nỗ lực của tỷ phú Elon Musk nhằm thúc đẩy tính hiệu quả của chính phủ nhắm vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nếu kế hoạch này thành hiện thực, nó sẽ dẫn đến nhiều hoạt động được chuyển cho các công ty bên ngoài (outsource) hơn.
Ở Nhật Bản, cổ phiếu ngân hàng đã hoạt động tốt hơn khi các chính sách lạm phát của ông Trump dự kiến sẽ giữ lãi suất ở mức cao, trong khi động thái nới lỏng quy định của ông cũng có thể cải thiện lợi nhuận của các tổ chức cho vay lớn có hoạt động tại Mỹ.
Lực đẩy cho thị trường trái phiếu
Tác động tiềm tàng từ căng thẳng thương mại có khả năng hỗ trợ cho trái phiếu châu Á khi các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ngân hàng trung ương Indonesia hôm 15/1 đã gây bất ngờ cho thị trường bằng việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, trong khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết có thể nới lỏng chính sách hơn nếu rủi ro chính trị giảm bớt. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất chủ chốt trong năm nay.
Tuy nhiên, đồng tiền châu Á vẫn dễ bị tổn thương, khi chênh lệch lãi suất đang có lợi cho Mỹ. Một thước đo tiền tệ châu Á do Bloomberg tổng hợp đã giảm hơn 3% kể từ khi ông Trump đắc cử.
Chiến lược gia Wee Khoon Chong của ngân hàng BNY cho rằng nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ trái phiếu bằng đồng nội tệ châu Á trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chi phí phòng ngừa rủi ro cao có thể cản trở dòng vốn nước ngoài khi nhà đầu tư phải chờ đợi thị trường tiền tệ châu Á ổn định hơn.
Hương Thủy (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/du-bao-tac-dong-nhiem-ky-hai-tong-thong-my-doi-voi-cac-thi-truong-chau-a-20250119202123789.htm