Dự báo về diễn biến bão số 2 trên Biển Đông

Dự báo về diễn biến bão số 2 trên Biển Đông
7 giờ trướcBài gốc
Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão số 2 lúc 8h ngày 5/7 Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Hồi 7h ngày 5/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 117,4 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88 km/h), giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 5-10 km/h.
Đến 7h ngày 6/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 117,9 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13; di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ khoảng 5 - 10 km/giờ và có khả năng mạnh thêm.
Đến 7h ngày 7/7, vị trí tâm bão ở trên vùng biển tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc); sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12; di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc với tốc độ khoảng 10 km/giờ.
Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định, khoảng sáng 8/7, bão số 2 đi vào đất liền tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Sau đó, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10 km/giờ và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Dự báo tác động của bão số 2, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 - 11, giật cấp 13, biển động dữ dội. Sóng biển cao 4 - 6 m. Chuyên gia khí tượng cảnh báo, tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Trên đất liền, trong sáng 5/7, khu vực các tỉnh Tuyên Quang, Lai Châu có mưa vừa, mưa to, có nơi trên 50 mm; khả năng mưa sẽ kéo dài trong 3 - 6 giờ tới. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các xã, phường: Pa Tần, Phong Thổ, Sìn Hồ; Hồng Thu, Mường Mô, Nậm Hàng, Pu Sam Cáp, Tà Tổng (Lai Châu); Quang Bình, Tiên Nguyên (Tuyên Quang).
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế, xã hội. Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.
T.Linh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/du-bao-ve-dien-bien-bao-so-2-tren-bien-dong-10309630.html