Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, ước khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 1/2025 đạt 500 nghìn tấn và 308 triệu USD, tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Gạo là một trong số mặt hàng có sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá giảm do một số thị trường nhập khẩu có nhu cầu giảm. Ví dụ, giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 627 USD/tấn, tăng 9,1% so với năm 2023 nhưng hiện giá gạo chỉ còn khoảng 440 USD/tấn. Nguyên nhân do Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại và một số quốc gia đã tự túc được một phần lương thực.
Xuất khẩu gạo sẽ gặp khó trong năm 2025. Ảnh: TL
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện chỉ còn 399 USD/tấn, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Trong khi đó, gạo cùng phẩm cấp của Pakistan là 404 USD/tấn, Ấn Độ là 413 USD/tấn và Thái Lan là 431 USD/tấn.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, giá gạo thế giới liên tục đi xuống nhưng gạo Việt Nam giảm mạnh nhất do Philippines, thị trường tiêu thụ chính của gạo Việt Nam đang đẩy mạnh một loạt chính sách nhằm hạ giá gạo.
VFA cũng cho biết thêm, hiện tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang rất lo lắng, vì số đơn hàng giảm rất mạnh, có những doanh nghiệp cho biết không có đơn hàng nào ký kết cho thời gian xuất khẩu trong tháng 2.
Ngoài ra, Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch đông xuân - vụ có sản lượng lớn nhất năm cùng với thời tiết thuận lợi nên sản lượng dự báo sẽ dồi dào, khiến nhiều nhà nhập khẩu chờ mua với giá thấp hơn. Điều này cũng tạo thêm áp lực giảm giá lên gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Chủ động đa dạng hóa thị trường, chủng loại gạo
Báo cáo Bộ Tài chính về nguồn cung, sản xuất, diễn biến giá cả các mặt hàng nông sản, vật tư nông nghiệp năm 2024 và năm 2025, Bộ NN&PTNT cho biết, dự báo cân đối lượng gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu năm 2025, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCL); các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Ước sản xuất cả năm 2025 vùng ĐBSCL đạt 3,778 triệu ha, năng suất bình quân ước 63,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 23,965 triệu tấn.
Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu ước khoảng 15,085 triệu tấn, tương đương 7,54 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu, trong đó lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước 4,50 triệu tấn. Lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,04 triệu tấn.
Sản xuất lúa gạo của nước ta chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình thời tiết nhiều biến động do biến đổi khí hậu. Ảnh: TL
Dự báo năm 2025, khi Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, Indonesia (thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam) tự chủ lương thực chỉ nhập khẩu lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung sẽ tác động đến lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, ngành lúa gạo Việt Nam cần sớm tính các phương án sản xuất và kinh doanh phù hợp ngay từ đầu năm 2025.
Năm 2025 diện tích sản xuất lúa là 7,0 triệu ha, giảm 132 nghìn ha so với 2024; năng suất dự kiến 61,6 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt khoảng 43,143 triệu tấn, giảm khoảng 357 nghìn tấn so với năm 2024.
Trước những áp lực đó, Bộ NN&PTNT khuyến cáo, mặt hàng gạo tiếp tục chú trọng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Philippines, Indonesia… nhưng cần chủ động đa dạng hóa thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu, cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Tây Á và châu Phi.
Ngoài ra, các địa phương cần tập trung sản xuất các loại gạo chất lượng, giá bán cao được thị trường ưa chuộng như các loại gạo thơm, gạo đặc sản; chủ động nghiên cứu, nắm bắt thông tin thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xuất khẩu…
Trong đó, quan tâm tập trung nguồn lực cho việc triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, để đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải phù hợp xu thế tiêu dùng thế giới, vừa tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn nữa cho hạt gạo Việt Nam.
Nguồn cung dự báo tăng mạnh
Theo nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả thuộc Học Viện Tài chính, sản xuất lúa gạo của nước ta chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình thời tiết nhiều biến động do biến đổi khí hậu.
Để duy trì sản lượng gạo ổn định, khoảng 26,5 triệu tấn trong niên vụ 2024/2025, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo tháng 12/2024, đáp ứng tốt cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nước ta cần nỗ lực chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong báo cáo mới nhất của USDA, cơ quan này dự báo nguồn cung lúa gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng và sản lượng xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ cao hơn năm 2024 khoảng 4,12 triệu tấn lên 58,12 triệu tấn.
Hiện nay, nhu cầu mua vào của nhiều nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới đối với mặt hàng gạo như Trung Quốc, nhiều nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới đối với mặt hàng gạo như Trung Quốc, Indonesia... có thể chững lại hoặc giảm trong bối cảnh nguồn cung lúa gạo toàn cầu đang dồi dào hơn so với trước nhờ bổ sung từ vụ thu hoạch mới ở các nước sản xuất chính và sau khi Ấn Độ tăng cường xuất khẩu gạo trở lại.
Bối cảnh đó sẽ tạo áp lực giảm giá đối với giá gạo trên thị trường thế giới cũng như giá gạo xuất khẩu và gạo nội địa Việt Nam trong thời gian tới vì cạnh tranh thị phần xuất khẩu giữa các nước ngày càng tăng. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp tới nguồn cung gạo toàn cầu là một yếu tố sẽ hỗ trợ giá đối với mặt hàng này.
Khánh Linh