Dư chấn động đất tại Hà Nội, TPHCM chiều 28-3

Dư chấn động đất tại Hà Nội, TPHCM chiều 28-3
3 ngày trướcBài gốc
Theo phản ánh từ nhiều cư dân tại các khu vực như Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) và nhiều khu vực tại quận Hà Đông, đặc biệt là những người sống trên các tòa nhà cao tầng, họ đã cảm nhận rõ sự rung lắc.
Người dân từ các tòa chung cư, tòa nhà cao tầng chạy xuống mặt đất khi có tín hiệu động đất. Ảnh do người dân chia sẻ
Thời điểm xảy ra, cửa nhôm kính rung lắc và phát ra tiếng kêu.
Giàn hoa đung đưa khi xảy ra động đất. Clip: N.Q
Tại huyện Thanh Trì, cư dân ở các chung cư từ tầng 18-19 trở lên cũng ghi nhận hiện tượng tương tự, với cánh cửa trong nhà đung đưa rõ rệt.
Rèm cửa sổ rung lắc khi động đất. Clip: N.Q
Thực tế, vào thời điểm này, dư chấn của trận động đất đã được cảm nhận rõ rệt trên nhiều khu vực tại Hà Nội, bao gồm các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, cũng như các quận, huyện ngoại thành như Hoài Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.
Tại khu vực trung tâm, nhiều nhân viên văn phòng làm việc trong các tòa nhà cao tầng đã nhanh chóng tìm cách di chuyển xuống mặt đất khi cảm nhận được rung lắc.
Một số người cho biết họ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn do tác động của dư chấn kéo dài. Trong khi đó, tại các khu chung cư cao tầng, không ít cư dân hoảng sợ, vội vã rời khỏi căn hộ để tìm nơi an toàn.
Những người sống và làm việc trong các tầng thấp hoặc nhà mặt đất không cảm nhận được từ cơn dư chấn này.
Tại TPHCM, người dân ở các quận 1,3,7, Bình Thạnh, Phú Nhuận, TP Thủ Đức cũng cảm nhận rõ rung lắc.
Người dân xuống sảnh tòa nhà cao tầng tại TPHCM
Bóng đèn rung lắc tại tòa nhà cao tầng ở quận Bình Thạnh. Clip: HH
Đến gần 14 giờ, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý - Địa cầu đã có thông tin về trận động đất này. Cụ thể, động đất xảy ra vào hồi 13 giờ 20 phút 57 giây (giờ Hà Nội) với độ lớn tới 7,3 độ richter tại Myanmar. Tâm chấn có tọa độ 21,71 độ vĩ Bắc - 96,02 độ kinh Đông và độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.
Do cường độ lớn và vị trí xảy ra tương đối gần, dư chấn từ trận động đất đã lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều khu vực, trong đó có Hà Nội và các vùng lân cận. Tuy nhiên, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đánh giá, cấp độ rủi ro thiên tai của trận động đất này tại Việt Nam là 0, tức không gây nguy hiểm trực tiếp.
Mặc dù vậy, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến của trận động đất này. Trong thời gian tới, người dân cần theo dõi thêm các thông báo từ cơ quan chức năng để có biện pháp ứng phó phù hợp trong trường hợp xảy ra các dư chấn tiếp theo.
Vị trí tâm chấn động đất 7,3 độ richter chiều 28-3
Theo khuyến cáo của các chuyên gia địa chấn, trước khi động đất xảy ra, người dân nên lập kế hoạch phòng tránh an toàn cho gia đình, bao gồm việc xác định nơi gặp nhau sau động đất và danh sách số điện thoại quan trọng. Khẩn trương tắt gas, điện và nước cũng là điều cần thiết.
Trong trường hợp động đất xảy ra khi đang ở trong nhà, nên chui xuống gầm bàn hoặc giường để tránh các vật rơi xuống đầu, và nếu nhà sập vẫn có không khí để thở.
Nếu đang ở ngoài trời, cần tránh xa các cấu trúc có thể sập, như tòa nhà, cây cối, cầu, và tìm nơi trống trải để tránh bị vật rơi. Sau khi động đất kết thúc, cần kiểm tra xem có ai bị thương và gọi cấp cứu nếu cần thiết. Đồng thời, theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn để cập nhật thông tin và hướng dẫn kịp thời.
Chiều 28-3, tại TP Cần Thơ, ghi nhận độ rung lắc từ dư chấn của động đất mạnh tại Myanmar. Nhiều người phải rời khỏi các tòa nhà cao tầng do rung lắc.
Theo đó, khoảng 13 giờ 30 phút, tại một số tòa nhà cao tầng ở TP Cần Thơ đã ghi nhận sự rung lắc khiến nhiều người đang làm việc ở các tầng cao bỏ chạy xuống đất để thoát khỏi tòa nhà. Anh Nguyễn Vũ P. đang làm việc tại một tòa nhà cao hơn 20 tầng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc quận Ninh Kiều cho biết: Nhiều người đã chạy khỏi tòa nhà khi rung lắc xảy ra sau đầu giờ chiều. “Một số người đang làm việc máy tính ở tầng 7-10 đã thấy màn hình máy tính rung lắc nên phải rời khỏi tòa nhà. Thời gian xảy ra rung lắc khoảng 30 giây”, anh P. cho biết.
Cùng thời gian trên, một số tòa nhà cao tầng ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Khoảng 14 giờ cùng ngày, mọi người đã trở lại làm việc bình thường.
PHÚC HẬU - VĨNH TƯỜNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/du-chan-dong-dat-tai-ha-noi-tphcm-chieu-28-3-post788085.html