Dư địa tài khóa tạo đà cho tăng trưởng trước sức ép thuế quan

Dư địa tài khóa tạo đà cho tăng trưởng trước sức ép thuế quan
5 giờ trướcBài gốc
Động lực nội tại sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế 2025
4 tháng đầu năm là thời điểm bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tích cực trong bối cảnh các động lực nội tại dẫn dắt tăng trưởng và chính sách thuế đối ứng của Mỹ tạm thời chưa tác động đáng kể.
Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công ước tính tăng trưởng ở mức hai chữ số (+16,3% so với cùng kỳ). Bán lẻ ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh hơn vào tháng 4 (+11,1% svck và là mức tăng trưởng cao nhất trong 2 năm qua), qua đó duy trì đà phục hồi vững chắc trong 4 tháng đầu năm (+9,9% svck) nhờ sự tiếp tục phục hồi của du lịch.
Trong khi đó, dòng vốn FDI duy trì đà tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm, với vốn giải ngân ổn định (+7,3% svck) và vốn đăng ký tăng ấn tượng (+39,9% svck). Một điểm tích cực khác là Việt Nam giữ được đà tăng của xuất khẩu (+13% svck) trong 4 tháng đầu năm, và sản xuất công nghiệp cũng tiếp tục khởi sắc (+8,4% svck).
Trong báo cáo vĩ mô mới cập nhật, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) đã lưu ý một số tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ cũng như chiến tranh thương mại đến các động lực tăng trưởng của Việt Nam.
Về xuất khẩu, MAS lưu ý nhiều thách thức trong bối cảnh thương chiến 2.0. Các nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm thuế và cân bằng cán cân thương mại với Mỹ được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đàm phán mức thuế đối ứng thấp hơn mức ban đầu 46%. Thực tế cho đến thời điểm hiện tại, tác động đối với Việt Nam vẫn chưa đáng kể, do mức thuế bổ sung 10% được áp dụng rộng rãi (hiệu lực từ 5/4). Ngày 7/5 vừa qua, vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước về chính sách thuế quan đã được khởi động, Việt Nam nằm trong nhóm nước được Mỹ ưu tiên đàm phán thuế quan. Dù vậy, MAS giữ nguyên kỳ vọng xuất khẩu tăng trưởng tốc độ vừa phải trong 2025.
Về FDI, MAS đã nhắc đến rủi ro dòng vốn FDI trong thời gian tới có thể thận trọng hơn, trong bối cảnh các đối tác cân nhắc kỹ lưỡng hơn các cơ hội đầu tư ở nước ngoài khi chính sách thuế của Mỹ còn nhiều biến động; cùng đó mức thuế đối ứng có thể làm thay đổi thứ hạng mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia, đặc biệt là dựa trên chi phí lao động.
Tuy vậy vẫn có một số yếu tố giúp Việt Nam có thể tiếp tục thu hút dòng vốn FDI bao gồm tập trung cải thiện hạ tầng và nguồn cung điện, thành lập Quỹ Hỗ trợ Đầu tư vào cuối năm 2024, với các cơ chế hỗ trợ dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo — đặc biệt là chip và bán dẫn. Hai kế hoạch FDI đáng chú ý trong thời gian tới là việc Tổng giám đốc Samsung Việt Nam tái khẳng định cam kết mở rộng đầu tư vào AI, chất bán dẫn và chuyển đổi số; cùng đó Qualcomm cũng cho biết đang lên kế hoạch thành lập trung tâm R&D về AI lớn thứ ba thế giới tại Việt Nam, chỉ sau hai trung tâm đặt tại Ấn Độ và Ireland.
Về sản xuất, các chuyên gia cảnh báo hai rủi ro có thể tác động đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam là bất ổn bên ngoài ngày càng tăng từ chính sách của ông Trump có nguy cơ ảnh hưởng đến ngành sản xuất cho hoạt động xuất khẩu; cùng đó là tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến tại các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Nhìn chung, MAS dự báo lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế đối ứng của Mỹ, đặc biệt là các ngành sản xuất hướng đến xuất khẩu. Dù vậy, theo các chuyên gia, các yếu tố hỗ trợ chính cho sản xuất công nghiệp năm 2025 vẫn duy trì, như kỳ vọng mở rộng các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong năm 2025, khi Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các chính sách miễn, giảm và gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2025. Cùng đó, về lâu dài, triển vọng thu hút FDI tích cực sẽ là nền tảng cho kỳ vọng hoạt động sản xuất của Việt Nam cải thiện hơn nữa.
Trong bối cảnh đó, kỳ vọng động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong năm nay sẽ đến từ các động lực nội tại, bao gồm đầu tư công và tiêu dùng nội địa, nhờ việc chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ như giảm thuế và phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng nội địa.
Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng được đẩy mạnh trong thời gian tới, và là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng trong 2025, trong bối cảnh thách thức bên ngoài gia tăng. Năm nay, mục tiêu giải ngân đầu tư công là khoảng 825,9 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với mục tiêu 2024 và tăng 29,9% so với mức giải ngân 2024.
Về tiêu dùng, MAS kỳ vọng về sự hồi phục của bán lẻ tiêu dùng trong thời gian tới, trên cơ sở sự chủ động trong các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, như Nghị định 82/2025 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2025, có hiệu lực từ ngày 2/4 đến hết ngày 31/12/2025; việc nghiên cứu và đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ; các chính sách kích cầu nhằm thúc đẩy du lịch và sự phục hồi của ngành du lịch; gia hạn việc giảm 2 điểm % thuế VAT đến hết tháng 6/2025…
Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên. Tuy nhiên, váo cáo của MAS ước tính mức tăng trưởng GDP 2025 trung bình dự báo cho Việt Nam đã được điều chỉnh giảm đáng kể xuống còn 6% (so với dự báo trước đó là 6,7%), trong bối cảnh bất ổn chính sách thương mại gia tăng.
Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm nay. Ảnh: MAS
Tận dụng dư địa từ chính sách tài khóa
Tại Diễn đàn Tài chính – Bất động sản 2025 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, đưa ra 3 kịch bản thuế đối ứng với Việt Nam sau đàm phán, trong đó kịch bản đàm phán tốt nhất là mức thuế giảm về 10-15% và tệ nhất là mức thuế 30-35%.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam.
Ở kịch bản tốt, khi đó hàng Việt Nam vẫn có khả năng duy trì tính cạnh tranh, dòng vốn FDI vẫn tốt. Còn ở kịch bản xấu nhất. chuyên gia cho rằng khi đó không còn khái niệm “Trung Quốc +1” cho Việt Nam.
Kịch bản mục tiêu mà ông Thành đặt ra là sau đàm phán, mức thuế giảm về 18-22%, khi đó hàng xuất khẩu Việt Nam chỉ mất một phần tính cạnh tranh nhưng dòng vốn FDI chỉ chậm lại chứ không có sự tháo chạy.
Dù cho rằng mức thuế sau đàm phán khoảng 20% là “trong tầm tay”, nhưng ngay cả trong kịch bản này, ông Thành nhận định mức thuế vẫn là cao và có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến dài hạn, khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài phải tính toán lại. Vì mức thuế đối ứng là cộng thêm trên nền mức thuế đang áp, ví dụ mặt hàng dệt may đang chịu thuế 15% thì nay phải cộng thêm 20%.
3 kịch bản thuế suất đối ứng sau đàm phán do chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành xây dựng.
Tác động từ mức thuế quan như vậy sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời gián tiếp làm giảm xuất khẩu sang các thị trường khác khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm. Rủi ro tiếp theo là các trụ cột tăng trưởng trong nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng; bao gồm nguy cơ giảm cầu nội địa khi thu nhập và việc làm gắn với sản xuất công nghiệp xuất khẩu giảm; hay du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực…
Thực tế đến thời điểm hiện tại, đã có một số định chế tài chính quốc tế đưa ra dự báo về sự tác động nặng nề của chiến tranh thuế quan tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong dự báo mới nhất ngày 22/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 xuống còn 2,8%, thấp hơn 0,5 điểm % so với Dự báo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) hồi tháng 1 năm nay.
Với kinh tế Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhận định thách thức hàng đầu vẫn là câu chuyện cải thiện niềm tin của doanh nghiệp và cá nhân, nhưng điều này cũng chịu tác động phần nào từ thuế đối ứng của Mỹ. Bởi nếu xuất khẩu yếu thì việc làm yếu, chuyển sang sức mua trong nước yếu. Nếu xuất khẩu thuận lợi thì việc làm và sức mua cũng thuận lợi.
Vậy nên, tập trung đàm phán sẽ rất quan trọng với triển vọng kinh tế bởi rủi ro mức thuế quan cao sẽ dẫn tới tâm lý bi quan trong tiêu dùng, tiếp theo là đầu tư tư nhân, và có thể là đầu tư FDI. “Nhà đầu tư đang có xu hướng chờ đợi giải ngân”, ông Thành nhận định.
Nhìn chung, theo vị chuyên gia, cơ hội tăng trưởng của Việt Nam sẽ phụ thuộc đáng kể vào phản ứng chính sách. Trường hợp bị Mỹ áp thuế quan, nếu muốn hướng đến mục tiêu tăng 8% thì cần kích cầu mạnh hơn, cả về tiền tệ và tài khóa. Dù vậy, dư địa nới lỏng tiền tệ không còn nhiều, bởi muốn nới lỏng tiền tệ thì phải hạ lãi suất, tiền VND yếu thì càng gây khó cho đàm phán. Ngược lại, dư địa chính sách tài khóa nhiều hơn và mục tiêu giải ngân 825,9 nghìn tỷ đầu tư công năm nay là có khả năng đạt được.
Diên Vỹ
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/du-dia-tai-khoa-tao-da-cho-tang-truong-truoc-suc-ep-thue-quan.html