Câu chuyện của Từ Quang Lợi đã thu hút sự chú ý tại Trung Quốc tháng trước sau khi những video chia sẻ trên mạng xã hội của anh lan truyền mạnh mẽ.
Chàng trai 28 tuổi đã di chuyển từ nhà mình ở Đức Châu (Sơn Đông, Trung Quốc) tới Đại học RMIT ở Melbourne (Australia) mỗi tuần một lần để học, từ tháng 8 tới tháng 11.
Một sinh viên trường RMIT quyết định đi lại gần 9.000 km mỗi tuần giữa quê nhà ở Trung Quốc và trường đại học ở Australia thay vì sống tại Melbourne. Ảnh: The Australian
"Tôi thường rời Melbourne vào sáng thứ 2 và có thể trở về nhà (ở Trung Quốc) vào tối thứ 4", anh kể.
Theo tính toán, mỗi chuyến đi tốn 1.500 USD (khoảng hơn 38 triệu đồng), bao gồm chi phí vé khứ hồi, tiền taxi và ăn uống.
Anh nói số tiền này tương đương với chi phí sinh hoạt hàng tháng khi mình sống tại Melbourne nhưng "việc chi tiêu ở Trung Quốc thoải mái hơn bởi giá cả tại đó thấp hơn".
Từ Quang Lợi nói lý do chính muốn đi lại giữa quê nhà và nơi du học là để được ở bên gia đình và bạn gái nhiều hơn.
Theo trang News của Australia, khi anh đang hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành quản lý nghệ thuật sau 8 năm học tập tại Australia thì bạn gái đã học xong và về Trung Quốc. “Cuộc sống ở Melbourne một mình rất cô đơn”, Từ nói.
Theo South China Morning Post, mỗi chuyến đi về tốn 3 ngày và anh sẽ nghỉ tạm một đêm trên ghế sofa tại nhà một người bạn khi ở Melbourne.
Thạc sĩ tương lai nói anh đã bay với nhiều hãng hàng không và ghé qua một số thành phố của Trung Quốc, thậm chí cả Việt Nam, trong các chuyến bay nối chuyến.
"Tôi nhận thấy các chuyến bay giữa Trung Quốc và Australia rất thường xuyên, với nhiều hãng hàng không khai thác, vì vậy tôi đã thử... Hóa ra nó khá khả thi và tôi chưa gặp phải vấn đề lớn nào", anh chia sẻ với SBS Mandarin trong tháng 12.
“Tôi thích môi trường và sự tiện lợi ở Trung Quốc. Sau khi sống ở nước ngoài nhiều năm, tôi cũng muốn ở bên gia đình nhiều hơn”, Từ Quang Lợi nói.
Các hình ảnh Từ Quang Lợi chia sẻ về cuộc sống "di chuyển xuyên quốc gia" của mình khi đi học được chú ý trên mạng xã hội. Ảnh: Sbs/Supplied
Nhiều người Australia thấy sốc về chuyện sinh viên Trung Quốc muốn học tập tại nước này nhưng bay đi bay về quê nhà mỗi tuần, nhưng không ít người khác nói việc này phản ánh chi phí sống ở Australia đang đắt đỏ thế nào.
Một du học sinh chia sẻ: “Tôi trở lại thăm gia đình tại Melbourne gần đây và kinh ngạc vì cái gì cũng đắt. Mẹ đang khuyên tôi cân nhắc việc quay lại Scotland. Ngay cả với khoản trợ cấp của gia đình, tôi vẫn không thể tồn tại ở đó lâu được".
Một người khác ở Aussie (Australia) viết: "Hợp lý thôi. Chi phí sinh hoạt ở đây quá cao. Nếu bay về nhà và sống với gia đình rẻ hơn thì tại sao không? Còn hơn là sống cảnh nghèo khổ ở đây khi là sinh viên".
Một số người bản xứ biện luận rằng sinh viên quốc tế không sống ở Australia không nên được phép học tập ở các trường đại học tại đây, nhưng những người khác lại nói việc này có thể giúp giảm áp lực lên thị trường nhà ở.
“Ai phàn nàn vì du học sinh kia di chuyển qua lại giữa hai nước sẽ lại kêu ca nếu anh ta mua nhà ở đây với lý luận 'anh ta mua được những ngôi nhà mà chính người Australia không có cơ hội sở hữu”, một người dùng mạng bày tỏ.
Việc di chuyển quốc tế có trở thành xu hướng?
Từ Quang Lợi không phải là người duy nhất lựa chọn lối sống di chuyển quốc tế. Trên mạng xã hội Trung Quốc, không ít sinh viên quốc tế từ các quốc gia khác cũng đăng video với các hashtag như "di chuyển Trung Quốc-Nhật Bản", "di chuyển Trung Quốc-Hàn Quốc" hay "di chuyển Trung Quốc-Nga".
Tiến sĩ Qian Gong, một học giả về truyền thông và văn hóa đại chúng Trung Quốc tại Đại học Curtin (ở Perth, Australia), cho rằng việc di chuyển quốc tế ngắn hạn có thể trở nên phổ biến với nhiều sinh viên quốc tế trong tương lai gần, đặc biệt đối với những quốc gia gần về mặt địa lý như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia hay Singapore...
Tuy nhiên, đây không phải lựa chọn cho mọi người. Chẳng hạn, Từ Quang Lợi đã đối mặt với nhiều chỉ trích. Một số bình luận trên Douyin cho rằng anh là "cậu ấm" và đặt câu hỏi về giá trị tấm bằng của anh.
Tiến sĩ Trương Hồng Chí, giảng viên cao cấp tại Đại học Monash, cho rằng quyết định di chuyển xuyên quốc gia liên quan đến nhiều yếu tố xã hội, kinh tế và lối sống mà sinh viên quốc tế phải cân nhắc.
"Nếu có nhiều cơ hội việc làm và điều kiện sống tốt hơn ở Australia, tôi tin rằng Từ sẽ mời gia đình đến sống cùng thay vì bay về Trung Quốc mỗi tuần", Tiến sĩ Trương nói.
Mặc dù thời gian di chuyển và chi phí liên quan khá lớn, giảng viên này cho rằng di chuyển quốc tế không nhất thiết làm giảm chất lượng học tập, quan trọng là sinh viên đã chuẩn bị kỹ trước khi đến lớp hay chưa.
Tiến sĩ Trương cũng chỉ ra rằng, từ sau đại dịch, các trường đại học đã áp dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của sinh viên.
"Ví dụ, nhiều tài liệu học tập hiện nay đã được gửi trực tuyến trước. Dù sinh viên ở Australia hay nơi nào khác, họ vẫn có thể chuẩn bị bài vở", ông chia sẻ.
Vào đầu tháng 12, Từ Quang Lợi đã trở lại Melbourne để chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp cuối tháng này. Nhớ lại ba tháng di chuyển, anh coi đó là một "thử nghiệm táo bạo" không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm cuộc sống mà còn giúp anh tự tin hơn trong việc lên kế hoạch cho tương lai.
Tuy nhiên, anh cho rằng việc này "không phải là sự lựa chọn phù hợp với mọi người".
"Nếu bạn sắp tốt nghiệp hoặc có ít bài vở và bạn có đủ thời gian cùng khả năng để lên kế hoạch cho lịch trình này, tôi nghĩ sẽ đáng thử. Nhưng nếu thời gian và năng lượng của bạn trên xứ người có hạn, tôi khuyên nên tập trung hòa nhập vào cuộc sống địa phương càng sớm càng tốt. Như thế sẽ có ý nghĩa hơn cho tương lai của bạn", Từ Quang Lợi chia sẻ.
Hoàng Linh