Du học sinh 'viral' mạng xã hội khi mặc áo dài đi học trong dịp Tết

Du học sinh 'viral' mạng xã hội khi mặc áo dài đi học trong dịp Tết
5 giờ trướcBài gốc
Vũ Nguyệt mặc áo dài đi học ở Anh trong ngày mùng một Tết. Ảnh: NVCC.
“Mùng 2, tôi mặc áo dài thêu tên mình đi thuyết trình cuối kỳ về khoảng trống trong sự thấu cảm, sau đó xin giáo sư 5 phút để trình bày về Tết cổ truyền Việt Nam và lì xì cho cả lớp. Kết màn, tôi khuyến khích mọi người thể hiện bản sắc văn hóa của mình thật nhiều vào”.
Đây là chia sẻ của Phan Văn Lê Sơn (sinh năm 1992), du học sinh chương trình thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng tại International Psychoanalytic University Berlin (Đức). Nam sinh vừa “viral” trên mạng xã hội Threads với bài đăng mặc áo dài đi học trong dịp Tết với hơn 4.200 lượt thích và hàng loạt bình luận khen ngợi vì sự duyên dáng và khéo léo chia sẻ văn hóa Tết Việt đến bạn bè quốc tế.
Giống như Lê Sơn, Vũ Nguyệt (sinh năm 2001), du học sinh chương trình thạc sĩ ngành Strategic Marketing Management tại Đại học Aston (Anh) cũng thu hút sự chú ý khi mặc áo dài đi học vào mùng một Tết và tặng kẹo Tết cho bạn bè, giáo sư. Sau 3 ngày đăng tải, video TikTok của Nguyệt thu hút hơn 23.000 lượt thích và hàng trăm bình luận tích cực từ cộng đồng mạng.
Mặc áo dài đi học, lì xì cho bạn bè
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Lê Sơn cho biết mùng 2 Tết, anh vẫn có lịch học bình thường ở Đức. Trùng hợp ngày đó, Sơn có bài thuyết trình cuối kỳ với nội dung “Khoảng trống trong sự thấu cảm giữa các chủng tộc. Ở cuối bài thuyết trình, nam sinh khéo léo dẫn dắt “Một cách để lấp đầy những khoảng trống trong thấu cảm giữa các chủng tộc khác nhau đó là cùng tìm hiểu những sự khác biệt văn hóa của nhau trong sự tôn trọng”, sau đó đi vào 5 phút thuyết trình về ngày Tết Nguyên đán.
Lê Sơn mặc áo dài thêu tên đến lớp, thuyết trình về Tết và lì xì cho bạn bè. Ảnh: NVCC.
Trong 5 phút đó, Lê Sơn giới thiệu đến bạn bè quốc tế về ý nghĩa của Tết trong văn hóa Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh người Việt gọi là Tết. Nam sinh cũng giới thiệu một số phong tục truyền thống như cúng tổ tiên, lì xì, hái lộc; các món ăn đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, bánh tét; tầm quan trọng của Tết với người xa quê, đặc biệt là du học sinh.
Để có 5 phút thuyết trình về Tết trước lớp, Sơn đã chuẩn bị trong khoảng một ngày, bao gồm việc lên nội dung và đến chợ châu Á mua bao lì xì để lì xì cho giáo sư và bạn cùng lớp. Nam sinh quyết định thuyết trình vào ngày mùng 2 Tết vì ngày đó nhiều sinh viên đi học, bài thuyết trình không dùng slide mà chỉ dựa vào cách kể chuyện để thu hút sự chú ý của mọi người.
Nói thêm về bộ áo dài mặc trước lớp, Sơn cho biết bộ áo dài có thêu tên của bản thân, từng được anh mặc trong lễ kỷ niệm 15 năm thành lập trường. Một điều mà nam sinh tự hào là bạn bè đều thích thú với từng chi tiết thêu trên bộ áo dài, giáo sư của anh cũng nhận xét rằng áo dài có nét trang trọng nhưng vẫn rất mềm mại, khác hẳn với sự cầu kỳ của trang phục truyền thống châu Âu.
Tự hào khi được bạn bè quốc tế khen áo dài đẹp cũng là điều mà Vũ Nguyệt đề cập khi chia sẻ về trải nghiệm mặc áo dài đi học trong dịp Tết. Nữ sinh cũng rất bất ngờ khi các bạn cùng lớp đều nhận ra đó là trang phục truyền thống của người Việt.
Đây là năm đầu tiên Nguyệt đón Tết xa nhà. Trước khi đến Anh, nữ sinh đã chuẩn bị trước một bộ áo dài để mặc trong những dịp đặc biệt. Lần đầu đón năm mới ở đất nước không tổ chức Tết âm lịch, Nguyệt cảm thấy khá trống vắng nên quyết định mặc áo dài đi học vào mùng một Tết để tự tạo không khí cho bản thân và “khoe” với bạn bè quốc tế, đồng thời tự tay làm kẹo và tặng cho bạn bè, thầy cô.
“Trường mình đang học có nhiều sinh viên quốc tế, mọi người đi học mặc rất nhiều loại trang phục mang màu sắc của các nền văn hóa khác nhau nên mình nghĩ không ai để ý. Nhưng hóa ra mọi người đều biết và khen áo dài đẹp, mình rất vui vì điều đó”, Vũ Nguyệt chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Một điều khiến Nguyệt tự hào là giáo sư, bạn bè rất chú tâm lắng nghe nữ sinh chia sẻ về ngày Tết Việt Nam. Thậm chí, giáo sư của Nguyệt còn khoe trước lớp bức tranh áo dài do sinh viên khóa trước tặng. Thầy giáo cũng chia sẻ rất thích Việt Nam vì con người thân thiện, dễ gần.
“Cuối buổi học, thầy còn nói với mình là Happy Vietnamese New Year”, nữ sinh hạnh phúc kể lại.
Bất ngờ khi bài đăng viral
Ban đầu, khi làm clip mặc áo dài đi học vào ngày Tết, Vũ Nguyệt chỉ định lưu giữ làm kỷ niệm nhưng không ngờ clip lại lên xu hướng TikTok. Nhận được lời khen và những phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng, nữ sinh vừa bất ngờ vừa tự hào.
Cũng giống như Vũ Nguyệt, Lê Sơn chỉ đơn giản muốn lưu lại một khoảnh khắc đáng nhớ khi chia sẻ về Tết với bạn bè quốc tế, nên không nghĩ rằng bài đăng lại nhận được sự quan tâm lớn như vậy.
“Khi thấy lượt thích và bình luận tăng nhanh, mình thực sự bất ngờ và cũng rất vui, vì điều đó cho thấy niềm tự hào về đất nước luôn là điều hiện diện trong lòng mỗi người Việt Nam”, Sơn nói.
Ngoài ra, một trong những điều khiến Sơn xúc động là nhiều bạn trẻ sống ở nước ngoài nói rằng bài đăng của anh khiến họ cảm thấy tự hào và nhớ nhà hơn.
Đối với nam sinh, điều tuyệt vời nhất khi bài viết được lan tỏa rộng không nằm ở số lượt thích hay lời khen, mà là việc nó mở ra những cuộc trò chuyện ý nghĩa về văn hóa Việt Nam với bạn bè từ nhiều quốc gia khác nhau. Điều này cũng cho Sơn động lực để tiếp tục chia sẻ thêm về văn hóa Việt trong tương lai, không chỉ riêng về Tết mà còn về những khía cạnh đặc trưng khác như ẩm thực, phong tục, hay những triết lý sống của người Việt.
“Có bạn kể rằng họ cũng từng mặc áo dài, từng chia sẻ về Tết Việt. Điều đó khiến mình cảm thấy những gì mình làm, dù nhỏ bé, vẫn có ý nghĩa trong việc kết nối cộng đồng”, Sơn chia sẻ.
Dù xa nhà, Vũ Nguyệt và các du học sinh khác ở Anh vẫn tự tay làm mâm cỗ Tết và cùng nhau đón năm mới. Ảnh: NVCC.
Xa nhà nhưng vẫn duy trì nét đẹp Tết Việt
Lần đầu đón Tết Nguyên đán ở Anh, Vũ Nguyệt khá lo lắng, nhưng rất may cô được các bạn bè người Việt giúp đỡ, cùng nhau tổ chức bữa cơm tất niên tươm tất. Nữ sinh kể rằng cô được cuốn nem, nấu một số món Tết quen thuộc nên nỗi nhớ nhà phần nào được với bớt.
“Vì là lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, mình cùng bạn bè tự tổ chức Tết ở đất nước xa lạ và gọi video để chúc Tết gia đình. Tết năm nay cũng đặc biệt hơn với mình khi mình đã mang nét đẹp ngày Tết đến với bạn bè quốc tế. Đây quả thực là một năm đáng nhớ trong cuộc đời mình”, Nguyệt bày tỏ.
Trong khi đó, ngày Tết của Lê Sơn lại đặc biệt theo một cách khác - trùng với thời gian thi cuối kỳ - nên phần lớn thời gian anh phải dành cho việc học. Không có không khí sum họp gia đình hay những bữa cơm tất niên rộn ràng như ở Việt Nam, nhưng Sơn vẫn cố gắng giữ một chút tinh thần Tết bằng cách tự nấu một bữa ăn đơn giản, gọi về chúc Tết gia đình, và gửi lời chúc đến bạn bè.
Nói thêm về việc lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, Sơn tin rằng văn hóa không chỉ là những thứ trừu tượng cần được "giới thiệu" bằng lý thuyết, mà quan trọng hơn là cách chúng ta trải nghiệm và chia sẻ nó trong đời sống hàng ngày.
Vì vậy, thay vì chỉ nói về Tết, nam sinh dự kiến sẽ tổ chức một sự kiện thực sự bằng cách tự nấu một mâm cỗ 10 món, trải chiếu ra sàn và mời bạn cùng lớp tham dự. Mọi người sẽ cùng ngồi trên chiếu, ăn món Việt bằng đũa và cùng hô “1, 2, 3 dô!” khi nâng ly. Thay vì chỉ biết đến Việt Nam qua sách báo hay du lịch, Sơn hy vọng người nước ngoài có thể cảm nhận văn hóa của Việt Nam ngay tại đất nước của họ, thông qua những bữa ăn, cách giao tiếp, và tinh thần sẻ chia.
“Mình không đặt mục tiêu phải trở thành một ‘đại sứ văn hóa’ mà đơn giản chỉ muốn biến văn hóa Việt Nam thành một phần sống động trong cộng đồng nơi mình đang học tập và sinh sống. Nếu mỗi lần tổ chức một sự kiện, một bữa tiệc và có thêm một số người nước ngoài cảm thấy yêu mến và trân trọng Việt Nam, thì với mình, đó đã là một thành công rất lớn”, nam sinh nêu quan điểm.
Thái An
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/du-hoc-sinh-viral-mang-xa-hoi-khi-mac-ao-dai-di-hoc-trong-dip-tet-post1528746.html