Nhiều đối tượng lừa đảo còn đầu tư hẳn fanpage có tick xanh của Facebook nên khách hàng rất khó nhận biết
Trước thực trạng nhiều khách hàng phản ánh bị lừa đảo khi đặt phòng nghỉ khách sạn online ngay đầu năm mới, thậm chí có trường hợp mất cả tỷ đồng, nhiều cơ sở lưu trú đã lên tiếng cảnh báo khách hàng về những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, đồng thời đưa ra những lời khuyên để du khách có thể tự bảo vệ mình trước những rủi ro tiềm ẩn.
Liên quan đến vụ việc được chia sẻ từ tài khoản cá nhân Nguyen Tien Phuc về chuyện khách mất hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng khách sạn trên fanpage có tích xanh, mang tên Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình. Mới đây, ngày 7/2, Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Hải Phòng cũng đăng tải bài viết thông tin về vụ việc.
Công an thành phố Hải Phòng đã tiếp nhận đơn trình báo vụ lừa đảo hơn 1 tỷ đồng
Theo đó, công an thành phố tiếp nhận, giải quyết đơn trình báo của chị V.T.T, trú tại thành phố Hải Phòng trình báo về việc bị đối tượng sử dụng trang Facebook lừa đảo chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng.
Bước đầu xác định, chị V.T.T bị đối tượng sử dụng Fanpage giảo mạo, yêu cầu chuyển tiền đặt cọc thuê phòng khách sạn. Sau khi chị V.T.T chuyển tiền đặt cọc thì được thông báo chuyển sai cú pháp, yêu cầu chuyển lại tiền đặt cọc và chuyển thêm tiền để nhận lại tiền đặt cọc đã chuyển nhầm.
Do tin tưởng, chị V.T.T tiếp tục sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân chuyển tiền nhiều lần theo yêu cầu của đối tượng. Tuy nhiên, sau mỗi lần chị V.T.T chuyển thêm tiền thì đối tượng lại đưa ra các lý do, lỗi sai và yêu cầu chuyển thêm tiền để khắc phục các lỗi sai đó... tổng số tiền bị lừa đảo, chiếm đoạt trên trên 1 tỷ đồng.
Thực tế, đây không phải vụ lừa đảo hiếm gặp khi người dân đặt phòng nghỉ online tại các cơ sở lưu trú. Có thể kể đến trường hợp, vào tháng 11/2024, một vị khách có tên là N.M.Hùng đặt phòng tại Serena Resort Kim Bôi (Hòa Bình) nhưng đã bị kẻ gian lừa đảo. Sau đó, vị khách này đã thanh toán số tiền 1.352.000đ để đặt cọc.
Cũng theo Serena Resort Kim Bôi, tính đến thời điểm hiện tại, khu du lịch này đã ghi nhận gần chục trường hợp khách hàng bị lừa đảo bằng hình thức này, có khách hàng bị mất số tiền lên tới gần 20 triệu đồng.
Cùng với những thủ đoạn tương tự, tháng 12/2024, một nữ du khách có tên là N.T.T.X cũng phản ánh về việc bị lừa đảo số tiền hơn 6 triệu đồng khi đặt phòng du lịch tại Phú Quốc.
Một số vị khách cũng từng bị lừa nhưng do phát hiện điểm bất thường nên đã may mắn không bị mất tiền. Tuy nhiên, có thể thấy rằng tình trạng giả mạo các fanpage diễn ra ngày một nhiều và ở khắp mọi nơi. Vào tháng 8/2024, hàng loạt cơ sở lưu trú tại Nha Trang cũng liên tục phải lên tiếng khi bị giả mạo và lừa đảo khách hàng.
Các đối tượng lừa đảo thường thực hiện nhiều chiêu trò tinh vi nhằm “thao túng tâm lý khách hàng rất bài bản để khách hàng "sập bẫy" : Đầu tiên là sử dụng những Fanpage giả mạo tên của khách sạn, có số lượng người theo dõi rất lớn nhằm tạo sự tin tưởng, thậm chí còn làm cả xác thực của Facebook (có tick xanh) và chạy cả quảng cáo để tiếp cận khách hàng.
Khi có nhu cầu, khách hàng liên hệ qua các Fanpage giả này để đặt phòng, sẽ được tư vấn rất chuyên nghiệp, như một tư vấn viên thực thụ, báo giá thấp hơn một chút so với giá thị trường, nhưng điểm chính là sẽ kèm theo khá nhiều các ưu đãi, khuyến mại để đánh vào tâm lý khách hàng thấy được hưởng nhiều quyền lợi. Sau đó, nhân viên fanpage giả gửi Phiếu đặt phòng một cách chuyên nghiệp gồm dấu công ty, số tài khoản nhận tiền là tên công ty…
Sau khi khách hàng chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ thêu dệt lên vô vàn lý do để khẳng định nội dung chuyển tiền của khách chưa chính xác hoặc báo đã hết phòng và nói với khách là sẽ có kế toán liên hệ để làm thủ tục hoàn lại tiền cho khách. Đây sẽ là bước mấu chốt và là mục đích chính của vụ lừa đảo.
Tiếp đó khâu được cho là "kế toán" của fanpage giả sẽ liên hệ và gửi link hướng dẫn hoàn lại tiền, khách hàng làm theo các hướng dẫn (nhập số tài khoản, mã OTP...) và sẽ tiếp tục bị lừa thực hiện các lệnh chuyển tiền đi. Đánh vào tâm lý khách hàng "đâm lao phải theo lao để lấy tiền lại", các đối tượng sẽ liên tiếp yêu cầu khách hàng chuyển tiền với số tiền ngày càng tăng thêm, đến khi tài khoản của khách hàng không còn tiền thì thôi.
Thậm chí nếu tài khoản của khách có ít tiền thì fanpage giả còn hướng dẫn chuyển thêm tiền vào để có thể làm được thủ tục hoàn tiền. Cuối cùng khi nhận ra vấn đề thì khách hàng đều đã mất số tiền khá lớn.
Tình trạng lừa đảo chuyển khoản khi đặt phòng khách sạn, homestay, nhà nghỉ diễn ra khá phổ biến. Nhiều nạn nhân đã mất tiền oan, từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trước thực trạng này, nhiều cơ sở lưu trú đã đăng tải thông tin cảnh báo, đính chính nhiều nội dung liên quan đến hoạt động như: thông tin liên lạc, số tài khoản… Thậm chí có cơ sở còn khẳng định không nhận chuyển khoản đặt cọc giữ phòng trong thời gian này.
Đặc biệt, đại diện các cơ sở khuyến khích các khách hàng nên gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin đặt phòng. Không vội vàng chuyển tiền cho người không quen biết khi chưa kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến việc đặt tour, đặt phòng, đặc biệt khi bạn đặt tour, đặt phòng qua một cá nhân hoặc khách sạn mới mà bạn chưa từng làm việc với họ.
Các cơ sở lưu trú liên tục đăng tải thông tin cảnh báo lừa đảo đến khách hàng
Bảo Ngân