Mùa xuân mới lại về, mang theo không khí ấm áp và rộn ràng những chuyến du xuân. Như một nét văn hóa tín ngưỡng quen thuộc, hàng vạn du khách thập phương lại đổ về đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) - di tích cổ kính gắn liền với hàng ngàn năm lịch sử vùng đất Kinh Bắc - để “vay vốn”, cầu mong một năm buôn may bán đắt, phúc lộc dồi dào.
Nhộn nhịp du khách đầu năm
Theo ghi nhận của Báo Công Thương, ngày 4/2 (mùng 7 Tết), thời tiết thuận lợi, dòng xe cộ nối dài từ khắp các tỉnh thành đổ về khu vực đền Bà Chúa Kho. Trước sân, trong đền, từng đoàn người thành kính dâng lễ lên Bà Chúa, phần lớn là tiểu thương, doanh nhân đến cầu tài, mong việc làm ăn suôn sẻ.
Những ngày đầu năm, mỗi ngày, đền Bà Chúa Kho đón hàng nghìn lượt khách thập phương đến dâng hương, cầu lộc, mong một năm mới hanh thông, phát đạt. Ảnh: Hoàng Văn
Dân gian quan niệm “đầu năm đến vay, cuối năm trả nợ” sẽ giúp công việc hanh thông, phát đạt. Vì thế, vào những ngày đầu năm, hàng ngàn lượt khách sắm sửa lễ vật, tùy theo mong muốn “vay vốn” nhiều hay ít mà lễ lớn hay nhỏ. Không chỉ những người làm kinh doanh, nhiều du khách cũng đến xin Bà Chúa chút “lộc rơi, lộc vãi” để cầu may cho gia đình.
Năm nay, dù lượng khách đông, việc dâng lễ diễn ra khá trật tự. Đáng chú ý, dịch vụ sắp lễ, viết sớ, mang vác thuê đã giảm đáng kể. Nếu như trước đây, vàng mã thường chất đầy các mâm lễ, thì nay nhiều người có ý thức hơn trong việc hạn chế đốt vàng mã, thay vào đó là lễ vật đơn giản như hoa tươi, trái cây.
Chị Vũ Thu Huyền ở Phú Thọ phát tâm công đức nhân dịp đi lễ đầu năm. Ảnh: Đăng Khoa
Tuy nhiên, tình trạng “khấn thuê - lễ mướn” vẫn còn tồn tại. Dọc lối vào đền, ban quản lý đã đặt biển nhắc nhở du khách không nhờ khấn thuê, đồng thời đội bảo vệ liên tục phát loa tuyên truyền, song, bên trong khu vực chính điện, vẫn có người chèo kéo, mời du khách đọc tên tuổi, quê quán để khấn hộ.
Dù còn những tồn tại, nhưng không thể phủ nhận sức hút của đền Bà Chúa Kho mỗi dịp đầu năm. Với nhiều người, đây không chỉ là hành trình tín ngưỡng, mà còn là điểm tựa tinh thần để khởi đầu một năm mới thuận lợi, bình an. Anh Hoàng Hải (đến từ Hà Nội) chia sẻ, đây là năm thứ hai liên tiếp anh đến đền Bà Chúa Kho, không chỉ để xin lộc làm ăn mà còn để vãn cảnh, tận hưởng không khí đầu xuân. Theo anh, đến đền vào dịp này vừa là nét đẹp tín ngưỡng, vừa mang lại cảm giác an yên, khởi đầu một năm mới thuận lợi.
Tăng cường giám sát, đảm bảo an ninh
Từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến nay, mỗi ngày, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) đón hàng nghìn lượt khách thập phương đến dâng hương, cầu lộc, mong một năm mới hanh thông, phát đạt.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Trang - Trưởng Ban Quản lý di tích đền Bà Chúa Kho - cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hành lễ, Ban Quản lý và chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý lễ hội.
Năm nay, Ban Quản lý di tích đã lắp đặt 50 camera an ninh nhằm theo dõi, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi gây mất trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động lễ đền. Bên cạnh đó, hệ thống loa phát thanh được sử dụng liên tục để tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ, cảnh báo móc túi, nhắc nhở du khách giữ gìn trật tự.
Ông Nguyễn Văn Trang - Trưởng Ban Quản lý di tích đền Bà Chúa Kho - theo dõi hoạt động lễ đền qua hệ thống camera an ninh. Ảnh: Đăng Khoa
Để giải quyết tình trạng quá tải phương tiện, ba bãi đỗ xe lớn đã được bố trí với sức chứa hàng nghìn xe máy và từ 3.000 - 4.000 ô tô. Các bãi đỗ xe đều do Hội Người cao tuổi và lực lượng an ninh địa phương quản lý, với mức giá niêm yết công khai, tránh tình trạng “chặt chém” du khách. Đồng thời, nhiều chốt phân luồng giao thông được thiết lập từ vòng ngoài đến vòng trong, đảm bảo dòng người di chuyển thuận lợi.
Dù khách thập phương về lễ đền đông nhưng bãi trông giữ xe luôn đủ chỗ và được sắp xếp ổn định. Ảnh: Đăng Khoa
Đại diện Ban Quản lý di tích nhấn mạnh, nhà đền không cho phép các hoạt động mê tín dị đoan như khấn thuê - lễ mướn. Dọc lối vào, các biển báo yêu cầu du khách không sử dụng dịch vụ này được đặt ở nhiều vị trí, đồng thời, lực lượng chức năng liên tục nhắc nhở, chấn chỉnh tình trạng chèo kéo khách.
“Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhà đền cũng đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa thực sự của lễ hội, khuyến khích hạn chế đốt vàng mã để tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường. Thay vì đốt vàng mã tràn lan, nhiều du khách đã chuyển sang chuẩn bị mâm lễ đơn giản với hoa tươi, trái cây, thể hiện lòng thành kính mà vẫn tiết kiệm và văn minh”, ông Trang cho hay.
Là một trong những di tích cổ kính gắn liền với hàng nghìn năm lịch sử vùng Kinh Bắc, đền Bà Chúa Kho từ lâu đã trở thành điểm đến tâm linh quen thuộc của những người làm ăn, kinh doanh. Theo quan niệm dân gian “đầu năm đi vay - cuối năm đi trả” là phong tục giúp công việc buôn bán suôn sẻ, tài lộc dồi dào. Mỗi năm, hàng vạn du khách từ khắp nơi đổ về đây để “vay mượn” Bà Chúa, cầu xin phúc lộc, bình an. Cùng với đó, họ cũng kết hợp vãn cảnh, hòa mình vào không khí lễ hội, thể hiện lòng thành kính với bậc Thánh Mẫu cai quản kho lộc của thiên hạ. Nhờ sự tăng cường quản lý, đền Bà Chúa Kho năm nay trở nên trật tự, văn minh hơn, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, vừa bảo vệ nét đẹp truyền thống của lễ hội đầu xuân.
Hải Thi