Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị và hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về khí thải phương tiện giao thông, Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) được giao soạn thảo dự thảo Thông tư quy định QCVN về khí thải ô tô, xe mô tô, xe gắn máy và lộ trình áp dụng để trình Bộ trưởng ban hành.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng dự thảo Quyết định Quy định lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trình lên Chính phủ để Thủ tướng ký ban hành.
Về định mức khí thải, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất với xe mô tô (còn gọi là xe máy) sản xuất trước năm 2008 áp dụng mức một - mức thấp nhất trong quy chuẩn. Xe sản xuất 2008-2016 áp dụng mức hai. Mức ba áp dụng với xe sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2026; mức bốn cho các xe sản xuất sau 1/7/2026.
Với xe gắn máy, mức một áp dụng với xe sản xuất trước năm 2016; mức hai với xe sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2027. Xe sản xuất từ 1/7/2027 áp dụng mức bốn.
Lý giải việc xây dựng quy chuẩn và lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải xe mô tô, xe gắn máy, trong báo cáo đánh giá tác động chính sách, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra các cơ sở pháp lý, thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế.
Về góc độ pháp lý, Việt Nam đang thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là COP26 với tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững. Tháng 11/2020, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường, quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) trình Thủ tướng ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.
Tại dự thảo, lộ trình thời gian kiểm định khí thải sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1/7/2027 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các đô thị lớn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế sẽ triển khai từ ngày 1/7/2028. Từ ngày 1/1/2030 kiểm định khí thải chính thức bắt đầu đối với xe máy trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn lại. Tùy theo tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố này có thể quy định áp dụng thời hạn sớm hơn.
Để có thời gian cho người dân làm quen, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định sau 18 tháng kể từ khi bắt đầu kiểm định khí thải, cơ quan chức năng mới xử phạt, trước đó tập trung nhắc nhở, tuyên truyền. Xe mô tô, xe gắn máy không đạt yêu cầu khi kiểm định sẽ không được lưu hành giống như ô tô hiện nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ năm 2009 đến 2023, trung bình mỗi năm số phương tiện giao thông cả nước tăng 10-15%. Đến tháng 12/2023, số phương tiện được đăng ký trên toàn quốc là 6,3 triệu ôtô, hơn 74 triệu xe mô tô. Phương tiện đường bộ tăng khiến ô nhiễm không khí tại Việt Nam nói chung và một số đô thị lớn nói riêng có xu hướng tăng, chủ yếu là ô nhiễm bụi. Kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia môi trường cho thấy tỷ lệ đóng góp ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông dao động 20-60%.
Ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại tới 5-7% GDP hàng năm, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới. Còn theo nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, ô nhiễm không khí ở Việt Nam đã tạo ra thiệt hại kinh tế khoảng 9,86-12,45 tỷ USD vào năm 2013 và tăng lên đáng kể những năm gần đây. Tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày và quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, qua kết quả theo dõi, giám sát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm trong nhiều năm cho thấy, mức độ ô nhiễm có chiều hướng gia tăng (đặc biệt cao điểm dịp cuối năm 2024, tương ứng với thời điểm trước COVID-19, năm 2019). Vấn đề ô nhiễm đáng quan tâm nhất bụi và bụi mịn PM2.5.
Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vào các tháng cuối năm (sau tháng 10 trở đi), số ngày mà nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 05:2023/BTNMT) vẫn còn rất phổ biến, chiếm khoảng 35% tổng số ngày trong "kỳ ô nhiễm" (tại Hà Nội có tới 47 ngày chất lượng không khí ở mức "xấu - AQI ≥151").
Số ngày có chất lượng không khí tốt chỉ chiếm khoảng 22% tổng số ngày trong năm.
Thắng Trung (TTXVN)