Dự kiến chi hơn 2.575 tỷ đồng GPMB đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua TP.HCM

Dự kiến chi hơn 2.575 tỷ đồng GPMB đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua TP.HCM
5 giờ trướcBài gốc
UBND TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện các dự án đường sắt trên địa bàn TP phục vụ họp Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia về lĩnh vực đường sắt, phiên họp lần 3 ngày 9/7.
Ga cuối của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đặt tại Thủ Thiêm, nơi có vị trí rất đắc địa.
Theo UBND TP.HCM, phạm vi chiếm dụng của dự án trên địa bàn TP khoảng 110ha. Bao gồm phần tuyến dài 13,49km (32,2ha); Ga Thủ Thiêm khoảng 17,3ha; Depot Long Trường khoảng 60,5ha; đi qua địa phận các phường An Khánh, Bình Trưng, Long Trường, Long Phước.
Trên cơ sở ranh sơ bộ do Bộ Xây dựng cung cấp, UBND Thành phố đã xác định sơ bộ phạm vi thu hồi đất để thực hiện dự án. Trong đó, ga Thủ Thiêm đã xác lập trong Đồ án Quy hoạch chung Thành phố và Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, diện tích chiếm dụng khoảng 17,3ha (chưa giải phóng mặt bằng, hiện trạng là nhà ở và đất trống).
Depot Long Trường đã xác lập trong Đồ án Quy hoạch chung Thành phố và Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, diện tích chiếm dụng khoảng 60,5ha, hiện cũng chưa giải phóng mặt bằng, chủ yếu đất nông nghiệp.
Về phần tuyến, tuyến đi theo hành lang đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2 có lộ giới quy hoạch là 116m. Hiện trạng, đã giải phóng mặt bằng.
Đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 thuộc hành lang 140m đã được quy hoạch thời gian dài. Hiện trạng đất trống và nhà, chưa giải phóng mặt bằng.
Đoạn từ Vành đai 3 đến hết địa phận TP.HCM (sông Đồng Nai), đoạn tuyến đi song song bên cạnh đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và trong hành lang quy hoạch 140m. Trong đó hành lang dành cho đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là 30m, hiện trạng cơ bản là đất trống và chưa giải phóng mặt bằng.
Đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 đã được quy hoạch, đất và nhà trống thuận lợi triển khai dự án.
Trên cơ sở ranh sơ bộ của dự án được cung cấp, UBND TP đã rà soát sơ bộ, theo đó số lượng nhà đất bị ảnh hưởng khoảng 200 căn nhà. Bao gồm 106 trường hợp bố trí căn hộ, dự kiến bố trí căn hộ tại chung cư Linh Trung; 94 trường hợp cần bố trí nền tái định cư, dự kiến bố trí tại khu Long Bình - Long Thạnh Mỹ, tiểu khu 2 (giai đoạn 2) diện tích khoảng 10,5ha, quy mô 205 nền. Hiện khu đất đã giải phóng mặt bằng, đã có quy hoạch chi tiết 1/500 khu tái định cư Long Bửu (giai đoạn 2).
Tổng kinh phí sơ bộ dành cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho đoạn tuyến qua TP.HCM dự kiến khoảng 2.575,8 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 2.114 tỷ đồng.
Cũng theo UBND TP.HCM, căn cứ Nghị quyết 106/NQ-CP ngày 23/4/2025 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo 335/TB-VPCP ngày 28/6/2025, đơn vị này đã giao các cơ quan triển khai nhiều nhóm công việc quan trọng.
Trong đó, giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chủ động ứng vốn ngân sách để triển khai, đồng thời rà soát pháp lý để thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư, đảm bảo đúng tiến độ từ tháng 3/2025 đến 12/2026 theo Nghị quyết 106.
Thành phố cũng nghiên cứu mô hình TOD tại ga Thủ Thiêm và Depot Long Thành; rà soát ranh giới, hướng tuyến, quy hoạch liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, xây dựng kế hoạch bồi thường, tái định cư phục vụ dự án.
Về tổ chức thực hiện, Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm Trưởng ban; UBND TP đang bổ sung nhiệm vụ cho Tổ giúp việc để tham mưu chỉ đạo các nội dung liên quan đường sắt tốc độ cao.
Mỹ Quỳnh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/du-kien-chi-hon-2575-ty-dong-gpmb-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-doan-qua-tphcm-192250709192932578.htm