Dự kiến ghép thận được BHYT thanh toán 100%

Dự kiến ghép thận được BHYT thanh toán 100%
một ngày trướcBài gốc
Ngày 7-1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết mạng lưới hiến mô, tạng từ người chết não 2024 và định hướng phát triển 2025.
Hiến, ghép mô tạng đạt nhiều kỷ lục
Trải qua hơn 30 năm thực hiện ghép tạng, với ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6-1992, tính đến hết năm 2024, Việt Nam đã thực hiện được 9.516 ca trên cả nước với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm.
3 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam thực hiện thành công khoảng 1.000 ca ghép tạng, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TT
Năm 2024, tỉ lệ người chết não hiến mô tạng tăng 173,3% so với năm trước với tổng cộng 41 ca, cao hơn tổng số của 3 năm trước đó cộng lại (36 ca). Đây cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
So với trung bình các nước trên thế giới, năm 2024 nước ta ghi nhận tỉ lệ người chết não hiến tạng tăng 175% so với 2023.
Riêng trong năm 2024, Việt Nam thực hiện thành công 3 ca ghép phổi, nâng tổng số ca ghép phổi lên 12 ca kể từ khi ca đầu tiên được thực hiện vào năm 2017.
Số lượng người đăng ký hiến mô tạng tăng gấp 3 lần so với năm trước. Tổng số tạng hiến từ người chết não năm 2024 là 157 tạng/1.214 người.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, 2024 là năm mà chuyên ngành ghép tạng ghi dấu ấn mạnh mẽ khi được vinh danh là một trong những sự kiện tiêu biểu của y học Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam đã thực hiện thành công ca ghép tim - gan đồng thời đầu tiên. Cùng với đó, thực hiện ca ghép khí quản từ người cho chết não, một kỹ thuật hiếm gặp không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.
“Mỗi hành động hiến tạng là một câu chuyện của lòng nhân ái, tình yêu thương vô bờ bến và niềm tin vào cuộc sống. Đây cũng là lời nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm cộng đồng, sự đồng lòng và quyết tâm chung tay vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ông Thuấn nhấn mạnh.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết năm 2024, công tác hiến mô tạng đạt được cột mốc quan trọng, nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng, Bộ Y tế và nguyên lãnh đạo Bộ Y tế.
Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã thành lập 5 hội đồng điều phối: thận, gan, tim, phổi và giác mạc, làm nhiệm vụ xác định tiêu chí đưa người bệnh vào danh sách chờ ghép quốc gia, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trung tâm cũng tổ chức mạng lưới đào tạo, tập huấn cho đội ngũ điều phối viên vận động hiến - ghép mô tạng của 47/63 tỉnh thành, tại 82 bệnh viện trên toàn quốc. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo về hiến mô tạng.
“Trung bình mỗi ngày đều có một hội thảo, hội nghị hoặc lớp tập huấn về tư vấn, vận động hiến mô tạng”, ông Hệ nói.
Ghép thận sẽ được BHYT thanh toán 100%
Mặc dù đạt được nhiều cột mốc quan trọng trong năm 2024, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, từng đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người dân. Tỉ lệ 94% tạng ghép từ nguồn cho sống là quá cao và tỉ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam còn rất thấp.
Theo đó, vẫn tồn tại những khó khăn về vấn đề nhận thức, lan tỏa ý nghĩa của việc hiến tạng.
Chưa kể, cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não còn nhiều vướng mắc. Cả nước chỉ có số ít bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng do chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.
Ngoài ra, các chi phí cho các hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô tạng cũng như chi phí thực hiện dịch vụ kỹ thuật liên quan tới ghép tạng chưa được xây dựng thống nhất.
“Điều này khiến các bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi thanh toán các khoản chi phí này, đặc biệt là các bệnh viện tham gia vào quá trình lấy tạng”, ông Thuấn nói.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, những hoạt động trong công tác hiến - ghép mô tạng tại Việt Nam ngày càng phát triển, hiệu quả. Trong tương lai, Việt Nam sẽ cố gắng đuổi kịp những thành tựu về hiến mô tạng trên thế giới và khu vực.
GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam. Ảnh: TT
Cũng theo bà Tiến, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề thanh toán, chi phí cho toàn bộ quá trình từ vận động hiến đến bảo tồn, phục hồi sau ghép.
“Vấn đề thanh toán, chi phí cho toàn bộ quá trình hiến - ghép vẫn gặp vướng mắc không phải do cơ quan BHXH Việt Nam, mà do chính hệ thống y tế”, bà Tiến nhấn mạnh.
Theo bà Tiến, hiện chưa có bất cứ quy trình rõ ràng nào về toàn bộ các bước, nhiệm vụ cần phải thực hiện để thực hiện một ca ghép tạng. Nhiều bệnh viện chưa từng xây dựng quy trình này nên BHXH Việt Nam không có cơ sở để xác định thanh toán.
“Chúng ta không có quy trình, nhưng cứ đề xuất cơ quan BHXH phải thanh toán”, bà Tiến nhấn mạnh.
Bà Tiến cũng cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo với cơ quan BHXH Việt Nam về vấn đề chi phí cho quá trình hiến - ghép - sau ghép, chứ không phải chỉ hoạt động phẫu thuật thực hiện ca ghép.
Cơ quan BHXH Việt Nam và BHXH Hà Nội đã đồng ý rằng sắp tới, hiến - ghép thận sẽ được BHYT thanh toán 100%, bao gồm toàn bộ các bước từ tư vấn, vận động đến ghép, điều trị sau ghép”.
Cũng theo bà Tiến, hiện chưa có danh sách người chờ ghép rõ ràng, công khai trong cả hệ thống y tế. Nhiều bệnh viện chỉ có danh sách người chờ ghép thận, chưa có người chờ ghép tim, gan, giác mạc…
“Điều này khiến cho cung - cầu nhiều khi không gặp nhau. Nhiều trường hợp có tạng hiến, nhưng danh sách người cần không rõ ràng, kịp thời, dẫn đến lãng phí tạng”, bà Tiến nói thêm.
Chỉ trong 1 tuần đầu năm 2025, cả nước ghi nhận 2 ca chết não hiến tạng (tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).
Trong năm 2025, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Trong đó, đề xuất cho phép trẻ em và người chết tim được phép hiến mô tạng.
Cùng với đó, trung tâm tiếp tục tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về hiến mô tạng của người dân; nhân rộng mô hình đào tạo, tập huấn tại các bệnh viện...
THANH THANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/du-kien-ghep-than-duoc-bhyt-thanh-toan-100-post828971.html