Dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm: Cơ hội vào đại học của học sinh có bị ảnh hưởng?

Dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm: Cơ hội vào đại học của học sinh có bị ảnh hưởng?
3 giờ trướcBài gốc
Bối rối trước những thay đổi
Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đối mặt với những thay đổi trong tuyển sinh đại học. Một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định các trường không được dành quá 20% tổng chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm. (Xét tuyển sớm bao gồm các hình thức như xét học bạ, xét điểm các kỳ thi riêng, kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế,... đã trở thành phương thức quen thuộc trong những năm qua).
Trong khi hầu hết các trường hiện dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức xét tuyển sớm thì quy định này đang gây nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, nếu áp dụng thì quy định này sẽ là rào cản trong tuyển sinh với các trường đại học; còn với thí sinh, sẽ giảm cơ hội trúng tuyển sớm.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. (Ảnh minh họa)
Nguyễn Minh Phương, học sinh lớp 12 tại TP.HCM, chia sẻ: “Suốt ba năm cấp ba, mình tập trung ôn luyện để đạt điểm cao trong các kỳ thi chứng chỉ quốc tế nhằm chuẩn bị xét tuyển sớm. Nếu chỉ tiêu bị giảm, mình sợ rằng nỗ lực của mình sẽ không còn ý nghĩa.”
Phương cho biết, nữ sinh đã đặt mục tiêu xét tuyển sớm vào một trường đại học Kinh tế top đầu bằng cách kết hợp điểm IELTS 7.5 với kết quả học bạ. Nhưng quy định mới này khiến cô nàng phải cân nhắc lại kế hoạch, đồng thời tập trung hơn vào việc ôn thi tốt nghiệp THPT.
Dù được 7.5 IELTS, Phương vẫn chưa hoàn toàn yên tâm. (Ảnh: NVCC)
Cùng chung nỗi lo với Phương, Lê Nhật Hạ, học sinh lớp 12 tại Hà Nội, đang loay hoay tìm thêm hướng đi mới cho bản thân khi nghe tin Bộ GD&ĐT dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm. Hạ đạt 1450 điểm trong kỳ thi SAT năm nay và dự định sử dụng kết quả này để đăng ký xét tuyển sớm vào một trường kỹ thuật tại Hà Nội. Tuy nhiên, với quy định mới, nữ sinh bày tỏ sự bất an:
"Mình đã dồn rất nhiều tâm sức để đạt một số điểm khá ổn trong kỳ thi SAT, mình nghĩ đó là lợi thế lớn nhất khi xét tuyển đại học. Nhưng khi chỉ tiêu bị giới hạn, cơ hội dành cho những thí sinh như mình sẽ bị thu hẹp đáng kể. Để đảm bảo chắc chắn, bản thân mình buộc phải ôn thi thêm để tăng điểm kỳ thi THPT quốc gia, điều này gây áp lực rất lớn."
Tạo cơ hội công bằng hơn trong tuyển sinh
Thạc sĩ Vũ Đình Lê, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng một số điều chỉnh trong dự thảo của Bộ GD&ĐT về xét tuyển sớm là phù hợp, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng và tạo sự đồng bộ trong công tác tuyển sinh đại học.
Tuy vậy, ông bày tỏ lo ngại về quy định giới hạn tỷ lệ xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu từng ngành hoặc nhóm ngành. Theo Thạc sĩ, điều này có thể gây bất lợi cho các trường đại học, bởi hiện nay, nhiều trường dựa vào phương thức xét tuyển sớm để đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như chủ động trong kế hoạch tuyển sinh. Việc xét tuyển sớm không chỉ dựa vào học bạ mà còn kết hợp nhiều tiêu chí khác đã giúp nhiều cơ sở đào tạo lựa chọn được sinh viên phù hợp.
Quy định khống chế một tỷ lệ cụ thể có thể dẫn đến việc can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của các trường, đặc biệt là những đơn vị đã triển khai tốt việc tuyển sinh qua các phương thức đa dạng. Hơn nữa, tỷ lệ thí sinh ảo trong xét tuyển hiện khá cao, khiến các trường gặp khó khăn khi xác định chỉ tiêu chính xác, ông nhận định.
Ngoài ra, quy định này còn có thể hạn chế cơ hội của thí sinh, bởi các em cần nhiều phương thức khác nhau để gia tăng khả năng trúng tuyển, không chỉ phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ông nhấn mạnh rằng, thay vì đặt ra những con số cụ thể để hạn chế, Bộ GD&ĐT nên tập trung vào việc kiểm soát chất lượng đầu ra, đồng thời đưa ra các tiêu chí chung về đánh giá và phương thức xét tuyển, để các trường tự điều chỉnh theo năng lực và đặc thù của mình.
"Mở rộng đầu vào nhưng thắt chặt đầu ra mới là việc cần làm, còn tuyển sinh làm sao để đảm bảo chất lượng là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo. Bộ GD&ĐT chỉ nên quản lý thông qua quy định về việc đặt ra các tiêu chuẩn, phương thức đánh giá… để các trường thực hiện. Bộ nên siết chặt quản lý để hạn chế việc các trường thả nổi về tuyển sinh chứ không phải đưa số cụ thể để áp xuống chung,” ông chia sẻ.
Trước những băn khoăn của học sinh, phụ huynh và các trường đại học về quy định giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung của quy chế tuyển sinh đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, dự thảo quy định phải quy đổi tương đương điểm xét và điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển, cùng với yêu cầu điểm trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển chung đã tự động hạn chế quy mô xét tuyển sớm.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết việc giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm đảm bảo sự công bằng trong công tác tuyển sinh.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, việc giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm không mục đích gây khó khăn cho thí sinh, mà để đảm bảo sự công bằng trong công tác tuyển sinh. “Không phải học sinh nào cũng có điều kiện để tham gia xét tuyển sớm, đặc biệt khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12. Quy định này nhằm tạo cơ hội bình đẳng hơn cho tất cả thí sinh,” bà Thủy cho biết.
Với những thay đổi này, học sinh lớp 12 cần nhanh chóng điều chỉnh lại kế hoạch học tập của mình. Thay vì chỉ tập trung vào các phương thức xét tuyển sớm, việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Trần Quốc Huy, học sinh trường THPT Chuyên Amsterdam, Hà Nội, cho rằng: “Dù hơi tiếc vì chỉ tiêu xét tuyển sớm giảm, mình nghĩ rằng đây là động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn. Nếu thi tốt nghiệp đạt kết quả cao, cơ hội trúng tuyển vẫn rộng mở". Huy cho biết, nam sinh này đang "nhắm" đến một trường đại học kỹ thuật hàng đầu tại Hà Nội và đã có kế hoạch cân đối giữa học trên lớp và ôn thi các môn xét tuyển. “Việc này cũng giúp mình tránh phụ thuộc quá nhiều vào một phương thức xét tuyển,” Huy nói thêm.
Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 12 tại Đà Nẵng cũng thừa nhận: “Mình từng nghĩ chỉ cần đạt IELTS cao và điểm học bạ tốt là đủ. Nhưng giờ mình phải xem lại kế hoạch vì không thể chỉ dựa vào xét tuyển sớm. Điều này cũng tốt, vì mình sẽ tập trung hơn vào các môn thi tốt nghiệp.”
Hiếu Nguyễn
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/du-kien-giam-chi-tieu-xet-tuyen-som-co-hoi-vao-dai-hoc-cua-hoc-sinh-co-bi-anh-huong-post1695404.tpo