Dự kiến giảm khoảng 110.000 biên chế cán bộ, công chức cấp xã khi sắp xếp bộ máy

Dự kiến giảm khoảng 110.000 biên chế cán bộ, công chức cấp xã khi sắp xếp bộ máy
10 giờ trướcBài gốc
Sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Dự kiến cả nước có 3.321 đơn vị hành chính cấp xã
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ, với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", các địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân với tỉ lệ đồng thuận đạt trung bình gần 96%; HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong cả nước đã ban hành các nghị quyết thông qua các đề án với tỉ lệ đồng thuận đa số đạt 100%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP.
Đến ngày 8/5, đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ, đề án để tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính của 63 tỉnh, thành phố (thuộc 34 tỉnh, thành phố mới) và hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo đó, sau sắp xếp, dự kiến cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, giảm tương ứng 29 đơn vị hành chính cấp tỉnh và 6.714 đơn vị hành chính cấp xã.
Dự kiến giảm khoảng 110.000 biên chế cán bộ, công chức cấp xã
Dự kiến sau sắp xếp, số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh khoảng 91.784 người, giảm 18.449 người; biên chế cán bộ, công chức cấp xã bố trí khoảng hơn 199.000 người, giảm khoảng 110.000 người; kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước là hơn 120.000 người.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng dự kiến kinh phí tiết kiệm chi tiền lương và định mức chi hành chính trong giai đoạn từ 2026-2030 của cả nước nhờ sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; dự kiến chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng nghỉ; kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỉ lệ lương hưu.
Các đại biểu cho rằng, cần chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trụ sở, tài chính, tài sản công, phương án sắp xếp, bố trí nhân sự... để triển khai ngay khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã; đồng thời chủ động xây dựng phương án kiện toàn các cơ quan, tổ chức của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương sau sắp xếp.
Cùng với đó, thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng phương án sắp xếp nhân sự và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị tác động sau sắp xếp; duy trì tốt hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong thời gian chuyển tiếp, bảo đảm mọi nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn được thực hiện liên tục, hiệu quả, không gián đoạn việc cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Bố trí đủ kinh phí chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Sau khi Quốc hội thông qua thì tổ chức thực hiện ngay, Thủ tướng giao 26 tổ công tác của các thành viên Chính phủ tiến hành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện và giải quyết các vướng mắc phát sinh nếu có.
Bộ Tài chính khẩn trương bố trí đủ kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đơn vị hành chính địa phương, có hướng dẫn ứng trước kinh phí của các bộ, ngành, địa phương để chi trả càng sớm càng tốt, không để ách tắc; cũng như hướng dẫn sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát công tác tổ chức cán bộ, không để khoảng trống việc cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Các tỉnh, các xã thành lập các trung tâm dịch vụ hành chính công, cung cấp thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; các cơ quan ở Trung ương tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách, cơ chế huy động nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát và khen thưởng, kỷ luật.
Trường Phong
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/du-kien-giam-khoang-110000-bien-che-can-bo-cong-chuc-cap-xa-khi-sap-xep-bo-may-post1740751.tpo