Dự kiến giảm trừ chi phí giáo dục, y tế khi tính thuế thu nhập cá nhân

Dự kiến giảm trừ chi phí giáo dục, y tế khi tính thuế thu nhập cá nhân
7 giờ trướcBài gốc
Tại nghị quyết số 191, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh dựa trên việc đánh giá các tiêu chí và yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người nộp thuế trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, có xét đến sự khác biệt giữa các khu vực và vùng miền.
Do đó, Bộ Tài chính dự kiến sẽ nghiên cứu nhằm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để có thể phản ánh đúng, phản ánh kịp thời sự thay đổi về mức sống dân cư, sự thay đổi về các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng như các vấn đề có liên quan.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội bổ sung các quy định liên quan việc cho phép được giảm trừ một số khoản “giảm trừ đặc biệt”, nhằm thúc đẩy sự phát triển, hỗ trợ người dân trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế.
Ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết: “Thay vì quy định mức thu nhập chịu thuế cứng trong luật thì có thể Quốc hội giao Chính phủ quy định về việc này, nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như xu thế phát triển trong từng giai đoạn”.
Bên cạnh đó, biểu thuế lũy tiến được xem xét thiết kế lại từng phần, đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, theo hướng thu gọn bậc thuế (hiện tại, trong biểu thuế đang có 7 bậc). “Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) hiện đã bám sát được tiến độ Chính phủ giao nhằm đảm bảo kịp trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025 tới đây”, ông Tuấn thông tin.
Dự kiến 7 bậc thuế thu nhập cá nhân.
Bày tỏ quan điểm về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, cho rằng thời gian qua số thu từ người làm công ăn lương chiếm tỉ trọng rất lớn trong số thu chung của thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên những nhóm khác như thương mại điện tử, kinh doanh online... thì chưa.
Do vậy cơ quan thuế cũng nên có chính sách khuyến khích người làm công ăn lương thông qua việc cho trừ các chi phí hợp lý như tiền lãi vay ngân hàng mua căn nhà đầu tiên, mua phương tiện đi lại, khám chữa bệnh, học tập...
"Đây là khoản giảm trừ chính đáng giúp người làm công ăn lương nhẹ gánh lo trong cuộc sống và có ý nghĩa trong an sinh xã hội. Đồng thời cần khai thác thêm nguồn thu từ những mảng mà thời gian qua còn thất thu để bù đắp", ông Nghĩa kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn Thuế Trọng Tín, đề xuất xây dựng mức giảm trừ gia cảnh tiệm cận thực tế hiện nay để khi CPI chỉ cần nhích lên 5 - 10% là điều chỉnh kịp thời thay vì phải đợi tăng đủ 20% như hiện nay.
Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2024, được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) tiến hành trên phạm vi cả nước, ghi nhận từ 46.995 hộ đại diện tại 6 vùng kinh tế - xã hội, cho thấy năm 2024 thu nhập bình quân của người dân tiếp tục được cải thiện và tăng cả ở khu vực thành thị và nông thôn. Chi tiêu của người dân cũng tăng trở lại, đặc biệt ở khu vực thành thị, sau khi giảm do dịch COVID-19.
Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân cao nhất với gần 7,1 triệu đồng/tháng - gấp gần 1,9 lần so với vùng thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (gần 3,8 triệu đồng/tháng).
Các vùng còn lại có thu nhập bình quân đầu người/tháng như sau: Đồng bằng sông Hồng đạt 6,558 triệu đồng/tháng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đạt 4,648 triệu đồng/tháng, Tây Nguyên đạt 3,882 triệu đồng/tháng, Đồng bằng sông Cửu Long 4,753 triệu đồng/tháng.
Cũng theo số liệu của Cục Thống kê, với thu nhập bình quân đầu người hàng tháng năm 2024 thì chỉ 20% nhóm dân cư có thu nhập cao nhất cả nước, đạt thu nhập khoảng 11,812 triệu đồng/tháng, mới thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân.
Tại Hà Nội, 20% dân số thuộc nhóm dân cư thu nhập cao nhất có thu nhập bình quân đầu người đạt 13,543 triệu đồng/tháng, Tp.HCM đạt 14,510 triệu đồng/tháng, Đà Nẵng 14,830 triệu đồng/tháng...
Tuy nhiên khảo sát cũng cho thấy tổng chi tiêu bình quân đầu người/tháng đạt gần 3 triệu đồng, tăng 6,5% so với năm 2022, trong đó khu vực thành thị gần 3,8 triệu đồng - tăng 15,4%, thể hiện chêch lệch áp lực chi phí cuộc sống theo vùng miền và đô thị - nông thôn là rất rõ rệt.
Hoàng Tư
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/du-kien-giam-tru-chi-phi-giao-duc-y-te-khi-tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan-d59648.html