Dự kiến học phí ngành Luật năm 2025

Dự kiến học phí ngành Luật năm 2025
8 giờ trướcBài gốc
Năm học tới, trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến áp dụng học phí với các chương trình đại trà 27,9 triệu đồng/ năm học (tương đương với: 800.000 đồng/tín chỉ), tăng 2,6 triệu đồng so với năm ngoái.
Với chương trình đào tạo chất lượng cao thu học phí 55,9 triệu đồng/năm học (tương đương 800.000 đồng/tín chỉ với các môn học thực tập chuyên môn, khóa luận tốt nghiệp, giáo dục quốc phòng an ninh, 1,764 triệu đồng/tín chỉ với các môn học khác), mức học phí này tăng 5,2 triệu đồng so với năm ngoái.
Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng mức học phí với sinh viên từ 27,03 - 31,8 triệu đồng/năm học. Theo đó, ngành Luật học, Luật thương mại quốc tế có học phí thấp nhất 27,03 triệu đồng. Với ngành Luật kinh doanh có mức học phí 28,62 triệu đồng/năm học.
Đối với ngành Luật chương trình Chất lượng cao có mức học phí cao nhất với 31,8 triệu đồng/năm học.
Mức học phí dự kiến với sinh viên trường Đại học Luật, Đại học Huế cho năm học tới 16 triệu đồng/năm, mức tăng hàng năm (nếu có) không quá 20% so với mức học phí năm liền kề.
Năm học tới, trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), tổ chức hai chương trình đào tạo gồm: Đào tạo bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Theo đó, chương trình đào tạo bằng tiếng Việt có mức học phí 27,5 triệu đồng ở năm 1 (tăng 4 triệu so với năm học trước) và đào tạo bằng tiếng Anh 57,6 triệu đồng/năm (tăng 7,4 triệu so với năm học trước). Sau đó, các năm sau mỗi năm trường tăng từ 10% – 12,8%. Tổng số tín chỉ của các chương trình đào tạo của trường là 130 tín chỉ.
Những điểm mới trong tuyển sinh ngành Luật năm 2025
Năm 2025, tuyển sinh ngành Luật có một số điểm mới đáng chú ý.
Trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến tăng khoảng 150 chỉ tiêu so với năm trước, nâng tổng số lên 2.650 chỉ tiêu. Trường mở thêm hai chương trình chất lượng cao: luật chất lượng cao và luật kinh tế chất lượng cao.
Một số trường có thể điều chỉnh hoặc bổ sung các tổ hợp môn xét tuyển. Theo đó, trường Đại học Luật Hà Nội có thể không sử dụng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) như trước.
Các trường có thể áp dụng nhiều phương thức xét tuyển, bao gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả học bạ, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, và các phương thức khác như xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Một số trường có thể điều chỉnh điểm sàn xét tuyển, hoặc áp dụng các mức điểm sàn khác nhau cho các phương thức xét tuyển khác nhau.
Đỗ Hợp
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/du-kien-hoc-phi-nganh-luat-nam-2025-post1760121.tpo