Dự kiến nâng mức giảm trừ gia cảnh vào tháng 10/2025

Dự kiến nâng mức giảm trừ gia cảnh vào tháng 10/2025
7 giờ trướcBài gốc
Mức giảm trừ gia cảnh, phân chia 7 bậc thuế thực hiện theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, được áp dụng từ tháng 1/2009 và đến nay đã trải qua ba lần sửa đổi. Thời điểm sửa đổi gần nhất cách đây 5 năm (năm 2020) cho thấy có nhiều quy định lạc hậu, gây thiệt thòi cho người nộp thuế.
Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Mức lương cơ sở cũng đã tăng 30% nhưng Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn chậm được sửa đổi, bổ sung, gây thêm áp lực tài chính và cảm giác thiếu công bằng cho người dân. Điển hình, gia đình anh Nguyễn Hữu Quang (phường Khương Đình, Hà Nội) có tổng thu nhập khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng – con số không thấp nhưng cũng không hề dư dả trong điều kiện hiện nay.
Anh Nguyễn Hữu Quang chia sẻ: “Thực tế tôi phải chi rất nhiều, 7 triệu tiền nhà là tối thiểu. Nhìn lại cũng không thấy để ra được nhiều mà vẫn phải đóng thuế”.
Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được áp dụng từ năm 2020, với 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc. Tuy nhiên, sau 5 năm, mức này không còn phù hợp khi CPI (chỉ số giá tiêu dùng) và mức sống tăng mạnh.
TS Nguyễn Quốc Việt - Chuyên gia Chính sách công, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: “Các mặt hàng trong rổ hàng hóa tiêu dùng đã tăng đáng kể, từ thực phẩm thiết yếu đến, dịch vụ y tế, đặc biệt là giá nhà đất. Trong khi đó, mức giảm trừ hiện tại là quá thấp”.
Cùng với đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành chia thu nhập chịu thuế thành 7 bậc, với thuế suất từ 5% đến 35%. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các bậc thuế quá ngắn khiến nhiều người chỉ cần được tăng lương một chút là đã bị “nhảy bậc” và đóng thuế cao hơn hẳn. Nhiều ý kiến cho rằng cần giãn rộng các bậc thuế, đồng thời hạ mức thuế suất để phản ánh đúng khả năng đóng góp và không làm thui chột động lực tăng thu nhập.
Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho biết: “Trung bình đối với cá nhân có thu nhập cả năm từ khoảng 900-960 triệu đồng trở lên là đã phải nộp ở mức thuế 35% rồi. Trong khi xét đến những quốc gia láng giềng, tương đồng nhất về quy mô, về diện tích, về GDP đầu người như Philippines thì hiện tại, mức đóng thuế suất cao nhất 35% là khoảng độ 3,7 tỷ, cao hơn Việt Nam rất nhiều lần. Chúng tôi nghĩ rằng, cùng với việc xem xét sửa đổi thuế suất, các nấc ở giữa các khung, các bậc thuế suất khác nhau, cũng cần phải có những sự tương đồng để có thể bao trùm được các cấp độ và thu nhập của đối tượng cá nhân khác nhau".
Rõ ràng, mức giảm trừ gia cảnh và cách phân chia các bậc thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã không còn theo kịp biến động thực tế. Đã đến lúc các cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi để chính sách thuế trở nên công bằng, hợp lý, khuyến khích lao động và đảm bảo an sinh xã hội.
Thùy Dương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/du-kien-nang-muc-giam-tru-gia-canh-vao-thang-102025-345015.htm