Dự kiến sửa đổi, bổ sung khoảng 8 điều của Hiến pháp

Dự kiến sửa đổi, bổ sung khoảng 8 điều của Hiến pháp
5 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh họp báo.
Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng
Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV chiều 4/5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 03 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời có 08 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Trong công tác lập hiến, lập pháp, Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, xem xét, thông qua 34 luật và 11 nghị quyết; cho ý kiến 06 dự án luật.
Kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước như: Xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; Xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.
Quốc hội còn xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; Xem xét, quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia. Bên cạnh đó, xem xét, quyết định việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031...
Dành nhiều thời gian tháo gỡ điểm nghẽn thể chế
Chia sẻ tại họp báo về vấn đề hoàn thiện thể chế, bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho hay, yêu cầu của Bộ Chính trị về tháo gỡ điểm nghẽn do quy định pháp luật đặt ra yêu cầu cho Chính phủ, Quốc hội phải nỗ lực, cố gắng hoàn thiện pháp luật, thể chế.
Nhấn mạnh đây là nội dung đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, bà Thủy thông tin, Chính phủ, Quốc hội thường xuyên rà soát, đề xuất nhiều nội dung nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách. Các kỳ họp của Quốc hội đều ưu tiên sửa đổi, bổ sung thể chế. Tại kỳ họp này, ngoài sửa hiến pháp, Quốc hội còn xém xét sửa đổi, bổ sung, thông qua 34 luật. "Trong các dự án luật này, có nhiều dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật, do đó, tổng số luật được sửa đổi, bổ sung lớn hơn nhiều con số 34", bà Thủy cho hay.
Theo bà Thủy, kỳ họp lần này có ý nghĩa lịch sử với khối lượng công tác lập pháp lớn chưa từng có. Thời gian kỳ họp kéo dài gần 2 tháng, Quốc hội đã dành thời lượng rất lớn cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định phục vụ yêu cầu sắp xếp tinh gọn bộ máy; tạo cơ sở đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư…
Trước sự quan tâm của báo chí về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, bà Thủy cho biết, việc sửa đổi sẽ tập trung vào các nội dung liên quan đến mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính quyền địa phương... Dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung khoảng 8/120 điều của Hiến pháp. Ngay phiên khai mạc, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết thêm, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội dự kiến sẽ được lấy ý kiến toàn dân trong 1 tháng, sau đó sẽ được tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Quốc hội xem xét thông qua chậm nhất trước 26/6 làm cơ sở pháp lý cho Quốc hội thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 05/5/2025, dự kiến bế mạc vào ngày 30/6/2025, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp được tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1 từ ngày 05/5 đến ngày 29/5/2025; Đợt 2 bắt đầu từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc chậm nhất vào ngày 30/6/2025.
Trần Huyền
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/du-kien-sua-doi-bo-sung-khoang-8-dieu-cua-hien-phap.html