Dự kiến tên gọi các bộ, ngành mới nhất sau sáp nhập

Dự kiến tên gọi các bộ, ngành mới nhất sau sáp nhập
5 giờ trướcBài gốc
Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ gửi Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết 18, trên cơ sở tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 Bộ, cơ quan ngang Bộ), gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nội vụ; Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ diễn ra chiều 11/1.
Có 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan) gồm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam.
Về tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị về tên gọi sau hợp nhất của một số bộ, giữ nguyên tên Bộ Tài chính sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính.
Giữ nguyên tên Bộ Nội vụ sau khi hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh Xã hội và Bộ Nội vụ.
Giữ nguyên tên Bộ Xây dựng sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.
Giữ nguyên tên Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi hợp nhất Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đồng thời, giữ nguyên tên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.
Các bộ, ngành khác tiếp tục giữ tên gọi như đề xuất tại Báo cáo số 3792 của Ban cán sự đảng Chính phủ.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Chuyển chức năng quản lý báo chí sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị về việc điều chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng, chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Điều chỉnh sửa đổi, chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính không bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (do Bộ Chính trị đã quyết định chuyển Viện này về Ban Chính sách, chiến lược Trung ương).
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển 18 tập đoàn, tổng công ty hiện đang giao cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước quản lý về Bộ Tài chính quản lý; chuyển Tổng công ty Viễn thông Mobifone về Bộ Công an quản lý (tổ chức đảng của Tổng công ty chuyển về trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương).
Liên quan đến một số chức năng, nhiệm vụ theo đề xuất của Bộ Công an, Bộ Nội vụ báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ chuyển 3 nhóm chức năng, nhiệm vụ về Bộ Công an quản lý (không làm tăng đầu mối của Bộ Công an), gồm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy và phòng, chống tệ nạn xã hội (đang giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý); nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp Phiếu lý lịch tư pháp (đang giao cho Bộ Tư pháp quản lý); nhiệm vụ về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (đang giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý).
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tổ chức lại Tổng cục Thuế thành Cục Thuế (có 12 ban/phòng) và sắp xếp, cơ cấu lại Cục Thuế của 63 tỉnh, thành phố thành 20 Chi cục Thuế khu vực; sắp xếp, cơ cấu lại 420 Chi cục Thuế cấp huyện và khu vực liên huyện thành 350 Đội thuế khu vực liên huyện. Sau sắp xếp dự kiến giảm 1.005/4.141 đầu mối (24,27%).
Tổ chức lại Tổng cục Hải quan thành Cục Hải quan (có 12 ban/phòng) và sắp xếp, cơ cấu lại 35 Cục Hải quan khu vực thành 20 Chi cục Hải quan khu vực; sắp xếp, cơ cấu lại 181 Chi cục Hải quan thành 165 Hải quan cửa khẩu/ngoài cửa khẩu, là tổ chức cấp đội. Sau sắp xếp dự kiến giảm 485/902 đầu mối (53,77%).
Tổ chức lại Kho bạc Nhà nước (cấp tổng cục) thành Kho bạc Nhà nước, là tổ chức tương đương cấp cục (10 ban/phòng) và sắp xếp, cơ cấu lại 63 Kho bạc nhà nước cấp tỉnh thành 20 Kho bạc Nhà nước khu vực, là tổ chức cấp chi cục. Sau sắp xếp dự kiến giảm 431/1.049 đầu mối (41,09%).
Tổ chức lại Tổng cục Dự trữ Nhà nước thành Cục Dự trữ nhà nước (có 7 ban); sắp xếp, cơ cấu lại 22 Dự trữ nhà nước khu vực thành 15 Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực.
Tổ chức lại Tổng cục Thống kê thành Cục Thống kê (có 14 đơn vị) và sắp xếp, cơ cấu lại 63 Cục Thống kê cấp tỉnh thành 63 Chi cục Thống kê cấp tỉnh; sắp xếp, cơ cấu lại 565 Chi cục Thống kê cấp huyện thành 480 Đội hoạt động theo mô hình liên huyện (giảm 15% đầu mối).
Tổ chức lại Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành đơn vị sự nghiệp công lập, có 14 ban (giảm 7 đơn vị); sắp xếp, cơ cấu lại đầu mối bên trong của 63 Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành 35 Bảo hiểm xã hội khu vực; sắp xếp, cơ cấu lại 640 Bảo hiểm xã hội cấp huyện xuống còn 350 Bảo hiểm xã hội liên huyện, bỏ 147 Tổ nghiệp vụ (giảm 651/1.465 đầu mối, tương đương với 44,4%).
Đối với Bộ Xây dựng, hợp nhất Cục Kinh tế xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng và Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải thành Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sáp nhập Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sáp nhập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường vào Đại học Tài nguyên và Môi trường.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, hợp nhất Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học thành Vụ Giáo dục phổ thông; đồng thời tiếp nhận thêm một số nhiệm vụ của Vụ Giáo dục dân tộc.
Đối với Bộ Y tế, kết thúc hoạt động của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và chuyển chức năng, nhiệm vụ về các đơn vị chuyên ngành thuộc Bộ Y tế.
Đối với Bộ Ngoại giao, hợp nhất Vụ Chính sách đối ngoại với Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO.
Đối với Bộ Dân tộc và Tôn giáo, giữ nguyên tên Ban Tôn giáo Chính phủ để tránh gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, đơn vị sau sắp xếp.
Đối với Bộ Công thương, hợp nhất Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thành Vụ Thị trường nước ngoài.
Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đổi tên Trung tâm Công nghệ thông tin thành Trung tâm Chuyển đổi số Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đối với Văn phòng Chính phủ, hợp nhất Vụ Tổng hợp và Vụ Thư ký - Biên tập thành Vụ Tổng hợp - Thư ký. Tổ chức lại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thành đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển chức năng, nhiệm vụ về công báo về các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ.
Bộ Nội vụ đề nghị Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động và hoàn thiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị ngày 17/1/2025.
Theo TTXVN
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/du-kien-ten-cac-bo-nganh-moi-nhat-sau-sap-nhap-192250111223114838.htm