Dự kiến xây dựng chuẩn cơ sở GDNN, trường nghề nhận định là hết sức cần thiết

Dự kiến xây dựng chuẩn cơ sở GDNN, trường nghề nhận định là hết sức cần thiết
8 giờ trướcBài gốc
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố là bổ sung quy định về chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm những yêu cầu chung về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động chính đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp là căn cứ đánh giá, giám sát, cấp phép, đình chỉ và chấm dứt hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bộ chuẩn sẽ góp phần thay đổi tư duy xã hội về giáo dục nghề nghiệp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hoàng Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên khẳng định, việc xây dựng và áp dụng một bộ chuẩn chung cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là hết sức cần thiết, thậm chí mang tính cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, thực trạng chất lượng đào tạo giữa các trường nghề đang có sự chênh lệch lớn, gây ra tâm lý thiếu tin tưởng từ phía người học, phụ huynh và doanh nghiệp. Một bộ chuẩn chung sẽ thiết lập mức chất lượng tối thiểu bắt buộc, từ đó tạo sự công bằng và minh bạch trong toàn hệ thống.
Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, lực lượng lao động Việt Nam cần được đào tạo theo chuẩn có thể đối sánh và công nhận với các nước khác. Điều này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội việc làm cho người học trên thị trường ở các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.
Tiến sĩ Lê Hoàng Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên. Ảnh: website nhà trường
Về phía doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng cuối cùng của quá trình đào tạo, họ rất cần một nguồn nhân lực ổn định, đáng tin cậy. Bộ chuẩn sẽ là công cụ giúp họ đánh giá, lựa chọn đơn vị đào tạo và tin tưởng vào chất lượng đầu ra.
Đồng thời, hệ thống quản lý có thêm công cụ để giám sát, quy hoạch hiệu quả; các cơ sở đào tạo có động lực để tự đổi mới, nâng cao chất lượng; người học có thêm cơ sở để lựa chọn trường nghề phù hợp, đồng thời được nâng cao vị thế và giá trị bằng cấp khi bước vào thị trường lao động.
Quan trọng hơn, bộ chuẩn sẽ góp phần thay đổi tư duy xã hội về giáo dục nghề nghiệp, tạo ra một sân chơi lành mạnh, tiến tới xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao cho đất nước.
“Theo tôi, để phản ánh đúng năng lực đào tạo và chất lượng thực chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay, bộ chuẩn cần tập trung vào các tiêu chí cốt lõi trải dài từ “đầu vào”, “quá trình” đến “đầu ra”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến kết quả đầu ra.
Trước hết, các tiêu chí về đầu ra cần được đặt lên hàng đầu, như: tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6-12 tháng tốt nghiệp, mức độ hài lòng của doanh nghiệp sử dụng lao động, thu nhập bình quân của sinh viên sau khi tốt nghiệp so với mặt bằng ngành, hay tỷ lệ khởi nghiệp thành công. Đây là thước đo thực tế nhất về hiệu quả đào tạo.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo phải được cập nhật thường xuyên, có sự tham gia thẩm định của doanh nghiệp và đảm bảo tỷ lệ thời lượng thực hành, thực tập cao. Phương pháp kiểm tra đánh giá cũng cần chuyển mạnh sang đánh giá năng lực thực tế.
Tiêu chí về đội ngũ giảng viên cũng rất quan trọng: cần chú trọng đến tỷ lệ giảng viên cơ hữu, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn trong doanh nghiệp và tỉ lệ giảng viên/sinh viên.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị cần được đánh giá dựa trên mức độ hiện đại, sự tương đồng với công nghệ ngoài doanh nghiệp, cùng với diện tích sàn thực hành/sinh viên và điều kiện an toàn lao động.
Và mức độ gắn kết với doanh nghiệp - thể hiện qua số lượng, chất lượng các hợp tác chiến lược và số sinh viên được thực tập có hỗ trợ - là một chỉ số phản ánh tính ứng dụng và khả năng hội nhập của đào tạo nghề”, Tiến sĩ Lê Hoàng Hà bày tỏ.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Đặng An Bình - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ cho rằng một bộ chuẩn chung cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ là một công cụ thiết yếu để đánh giá chất lượng đào tạo mà còn kiến tạo một hệ khung thống nhất, cung cấp định hướng phát triển rõ ràng cho các trường.
Quan trọng hơn, nó sẽ đảm bảo rằng đầu ra của người học đáp ứng được một cách đầy đủ yêu cầu khắt khe của thị trường lao động hiện nay. Trong bộ chuẩn này, cần xác định rõ các tiêu chí cốt lõi mà mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt buộc phải đạt được.
Những tiêu chí này bao gồm: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng một cách minh bạch, liên tục.
Cụ thể, cơ sở vật chất được xem là điều kiện tiên quyết. Yếu tố này bao gồm diện tích đất, số lượng và chất lượng phòng học lý thuyết, các xưởng thực hành hiện đại, cùng với hệ thống trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, tất cả đều phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu đào tạo chuyên biệt của từng ngành nghề.
Tiếp theo là đội ngũ giảng viên - những người đóng vai trò trung tâm trong việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho người học. Họ không chỉ cần có trình độ chuyên môn vững vàng, mà còn phải được bố trí một cách hợp lý, phù hợp với quy mô tuyển sinh và đặc thù của từng chương trình đào tạo.
Chương trình đào tạo là yếu tố thứ ba cần được đặc biệt chú trọng. Chương trình phải được thiết kế với tính linh hoạt cao, luôn được cập nhật để bám sát với thực tiễn sản xuất - kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng, và cần tích hợp một cách rõ ràng thời lượng thực tập tại doanh nghiệp ngay trong cấu trúc khóa học.
Hơn nữa, mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng. Sự hợp tác này giúp sinh viên tiếp cận môi trường làm việc thực tế ngay từ sớm, từ đó rèn luyện không chỉ kỹ năng nghề chuyên sâu mà còn cả tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật và văn hóa doanh nghiệp - những yếu tố then chốt mà khó có thể có được nếu chỉ học lý thuyết trong nhà trường.
Hệ thống kiểm định và đánh giá chất lượng là công cụ không thể thiếu để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, hệ thống này còn định hướng cho các cơ sở thực hiện quá trình cải tiến liên tục, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội và thị trường lao động.
Thạc sĩ Đặng An Bình - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ. Ảnh: website nhà trường
“Trong số các tiêu chí nói trên, ba yếu tố quan trọng hàng đầu là cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo. Đây là ba trụ cột có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Nếu đội ngũ giảng viên có trình độ cao nhưng điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị không đảm bảo thì việc đào tạo kỹ năng nghề vẫn không thể hiệu quả. Ngược lại, nếu có đầy đủ trang thiết bị nhưng chương trình đào tạo không linh hoạt, không gắn với nhu cầu thực tiễn từ doanh nghiệp thì sản phẩm đào tạo cũng không đáp ứng được thị trường lao động.
Do đó, khi quy định các tiêu chuẩn, cần lượng hóa rõ ràng, ví dụ mỗi ngành nghề cần bao nhiêu diện tích đất, số phòng học lý thuyết, nhà xưởng bao nhiêu mét vuông, số lượng thiết bị và đội ngũ giảng viên tối thiểu.
Điều này giúp tránh tình trạng một số cơ sở không đủ điều kiện vẫn tuyển sinh vượt quy mô, dẫn đến đào tạo hình thức, kém chất lượng.
Về đội ngũ giảng viên, ngoài việc đảm bảo số lượng giảng viên cơ hữu, các trường có thể linh hoạt mời giảng viên thỉnh giảng, nhưng vẫn cần có sự cân đối hợp lý để bảo đảm tính ổn định lâu dài”, Thạc sĩ Đặng An Bình nhận định.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Tống Thị Sự - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y khoa Hà Nội nhấn mạnh vai trò thiết yếu của một bộ chuẩn chung dành cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Cô Sự khẳng định rằng bộ chuẩn này không chỉ là công cụ để đánh giá chất lượng mà còn là định hướng quan trọng, giúp các trường phát triển bền vững và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho giáo dục nghề nghiệp, nhà trường đã nhanh chóng và chủ động thực hiện việc tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
Công tác này được tiến hành khẩn trương ngay sau khi Trường Cao đẳng Y khoa Hà Nội tiếp nhận công văn từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm của nhà trường trong việc góp phần xây dựng chính sách, nâng cao chất lượng toàn diện của hệ thống giáo dục nghề nghiệp quốc gia.
Lộ trình triển khai cần linh hoạt, đảm bảo kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp
Việc triển khai chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp đòi hỏi một lộ trình linh hoạt, rõ ràng và phân kỳ hợp lý nhằm đảm bảo tính khả thi, đồng thời tạo động lực đổi mới cho các trường, đặc biệt là những đơn vị còn hạn chế về nguồn lực, tránh áp dụng cứng nhắc sẽ tạo "cú sốc" cho hệ thống.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên, quá trình này nên được chia thành ba giai đoạn cụ thể.
Giai đoạn đầu tiên, kéo dài từ 1 đến 2 năm, tập trung vào việc tự đánh giá và xây dựng kế hoạch. Sau khi bộ chuẩn được ban hành, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tiến hành tự kiểm định toàn diện dựa trên các tiêu chí đã quy định.
Trên cơ sở đó, mỗi trường sẽ xây dựng một "lộ trình đạt chuẩn" riêng, trong đó nêu rõ những điểm yếu cần khắc phục, kế hoạch cụ thể để cải thiện và nguồn lực dự kiến huy động. Lộ trình này sau đó sẽ được cơ quan quản lý phê duyệt.
Tiếp theo là giai đoạn hai, thực hiện và giám sát, kéo dài từ 3 đến 5 năm. Trong thời gian này, các trường sẽ triển khai những nội dung đã cam kết trong kế hoạch. Đặc biệt, cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò đồng hành, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật, thay vì chỉ thực hiện thanh tra hành chính đơn thuần.
Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ có mục tiêu rõ ràng như ưu tiên đầu tư, cho vay ưu đãi, hoặc hỗ trợ bồi dưỡng giảng viên cho những trường có kế hoạch khả thi nhưng còn thiếu nguồn lực. Song song với đó, việc khuyến khích trường top đầu "đỡ đầu" hoặc hỗ trợ trường top dưới cũng là một giải pháp cần thiết.
Giai đoạn ba là kiểm định và công nhận chính thức. Sau thời gian thực hiện, các tổ chức kiểm định độc lập sẽ tiến hành đánh giá khách quan. Những cơ sở đạt chuẩn sẽ được công nhận chính thức, đi kèm với các quyền lợi quan trọng về chỉ tiêu tuyển sinh, quyền tự chủ và ưu tiên đầu tư phát triển.
Ngược lại, những trường không đạt chuẩn sẽ phải đối mặt với những biện pháp nghiêm khắc như cắt giảm chỉ tiêu, không được phép tuyển sinh, thậm chí là sáp nhập hoặc giải thể.
Lộ trình ba bước này không chỉ tạo tính linh hoạt và công bằng mà còn khuyến khích sự chủ động cải tiến từ phía cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc gắn kết quả đạt chuẩn với các quyền lợi cụ thể sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ, tạo động lực đổi mới thực chất và bền vững cho toàn hệ thống.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ cho rằng việc triển khai bộ chuẩn nếu áp dụng đồng loạt và cứng nhắc sẽ gây khó khăn, đặc biệt là với những đơn vị còn hạn chế về nguồn lực. Tuy nhiên, các tiêu chí cốt lõi vẫn cần được giữ vững để đảm bảo chất lượng chung cho toàn hệ thống.
Một nội dung quan trọng khác là việc cụ thể hóa vai trò phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong bộ chuẩn. Thực tế cho thấy, việc sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp giúp họ hình thành nhiều kỹ năng và tác phong nghề nghiệp không thể có được nếu chỉ học trong trường.
Một buổi học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ. Ảnh: website nhà trường
“Khi được thực tập ở doanh nghiệp sinh viên sẽ học được từ ý thức chấp hành giờ giấc lao động, kỹ năng làm việc nhóm, văn hóa doanh nghiệp đến các quy định về an toàn, vệ sinh lao động - tất cả đều cần được rèn luyện trực tiếp trong môi trường thực tiễn.
Nếu sinh viên không được đi thực tập, khi tốt nghiệp, họ sẽ mất nhiều thời gian để làm quen với thực tế, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và cơ hội việc làm.
Tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ, điều kiện hợp tác với doanh nghiệp rất thuận lợi nhờ vị trí gần các khu công nghiệp lớn như Bắc Thăng Long, Quang Minh, Nội Bài, Quế Võ… trong phạm vi từ 10 đến 30 km. Nhờ đó, sinh viên có điều kiện tiếp cận môi trường sản xuất thực tế một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong quá trình đào tạo hiện nay vẫn nằm ở khâu tuyển sinh. Việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ đầu đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các bên liên quan.
Dù vậy, nhờ làm tốt công tác truyền thông, tăng cường liên kết với doanh nghiệp và từng bước xây dựng uy tín, một số trường đã thu hút được người học và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động.
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy việc xây dựng và triển khai bộ chuẩn, nếu được thực hiện bài bản và có lộ trình phù hợp, hoàn toàn có thể trở thành động lực đổi mới mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp”, Thạc sĩ Đặng An Bình cho hay.
Đình Nam
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/du-kien-xay-dung-chuan-co-so-gdnn-truong-nghe-nhan-dinh-la-het-suc-can-thiet-post252785.gd