Bắc Ninh với nhiều sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, gây ấn tượng với du khách.
Sở hữu khối tài sản văn hóa đồ sộ, Bắc Ninh có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong đó nổi bật với văn hóa sáng tạo, đặc biệt là các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, gây ấn tượng với du khách.
Tinh hoa vùng đất văn hiến
Kinh Bắc xưa và tỉnh Bắc Ninh ngày nay là vùng địa linh, nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nơi đây đã hội tụ và lưu truyền một kho tàng đặc biệt phong phú các di sản văn hóa quý báu, đặc sắc, vừa chứa đựng các giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Hồng, vừa độc đáo, mang đậm dấu ấn riêng.
Mạch nguồn văn hóa từ ngàn đời đã kết tinh thành giá trị nổi bật của người Bắc Ninh giàu lòng yêu nước, nhân ái, đoàn kết, thượng võ; cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất và giao thương buôn bán; thông minh, hiếu học, sáng tạo và đặc biệt hiếu khách, trọng tình, trọng nghĩa.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; là địa phương đã thu hút hàng loạt các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới về đầu tư, sản xuất.
Bắc Ninh còn được đánh giá là địa phương dành nhiều sự quan tâm, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản, đầu tư kinh phí để nghiên cứu, trùng tu, tu bổ; đội ngũ nghệ nhân của địa phương được chăm lo, khuyến khích. Từ đó, di sản văn hóa tỉnh Bắc Ninh được bảo tồn, phát huy, lan tỏa rực rỡ trong nước và quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng các đại biểu trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ.
Quê hương Bắc Ninh hôm nay tự hào có 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Nghi lễ và trò chơi kéo co làng Hữu Chấp, cùng với 19 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia và hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa có giá trị.
Đặc biệt, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Bắc Ninh được mệnh danh là vương quốc của lễ hội truyền thống với gần 600 lễ hội diễn ra trong năm. Mỗi lễ hội truyền thống cất giữ bản sắc văn hóa riêng của từng vùng, từng làng xã, địa phương. Đó là không gian thơ nhạc, đậm đặc lời ca, tiếng hát Quan họ ở Hội Lim; là âm vang tiếng vọng cội nguồn Lý triều cường thịnh ở lễ hội đền Đô; là lễ hội chùa Dâu với những tập tục của cư dân trồng lúa vùng Dâu - Luy Lâu qua tín ngưỡng thờ Tứ Pháp; là lễ hội của hàng trăm làng thờ Thánh Tam Giang ở vùng sông Cầu; các lễ hội tri ân, tưởng nhớ tổ nghề...
Những di sản văn hóa đặc sắc này không chỉ là niềm tự hào của đất và người Bắc Ninh mà còn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.
Sáng tạo trên nền truyền thống
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa đã được triển khai tốt ở Bắc Ninh thời gian qua là nhờ vào sự thay đổi trong nhận thức của chính quyền tỉnh và đặc biệt là ngành Văn hóa.
Tiêu biểu như việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca Quan họ Bắc Ninh. Trong suốt thời gian từ khi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đến nay, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này. Bắc Ninh đã gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị của dân ca Quan họ trên khắp mọi miền đất nước cũng như các quốc gia trên thế giới.
Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Cụ thể là Bắc Ninh có nhiều chính sách đặc thù để tôn vinh, hỗ trợ cho các nghệ nhân trong lĩnh vực dân ca Quan họ cũng như phát triển các làng Quan họ gốc, các làng Quan họ thực hành, các Câu lạc bộ Quan họ trên khắp mọi miền đất nước, cũng như cộng đồng người Việt tại nước ngoài.
Đặc biệt, tỉnh có chính sách riêng để động viên và các bạn trẻ nhất là các em thiếu niên nhi đồng học, tham gia thực hành diễn xướng dân ca Quan họ. Bắc Ninh coi đây là một phương pháp rất hiệu quả để chúng ta gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống rất đặc biệt này của tỉnh cũng như của dân tộc Việt Nam.
Để góp phần định hướng, phát huy hiệu quả tiềm năng, giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, bước đầu Bắc Ninh hình thành 14 điểm du lịch, các tour du lịch thường xuyên được các công ty du lịch khai thác với các điểm đến tiêu biểu như: 4 di tích Quốc gia đặc biệt (chùa Dâu, chùa Bút Tháp; chùa Phật Tích; khu Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý); di tích đền Bà Chúa Kho; Văn Miếu Bắc Ninh; đền Tam Phủ, đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt…
Hình ảnh quê hương Bắc Ninh văn hiến, giàu tiềm năng, phát triển năng động được quảng bá và trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong, ngoài nước và khách du lịch, tạo hiệu ứng tích cực, môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhờ vậy, kinh tế và văn hóa của Bắc Ninh luôn đồng hành phát triển, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, Bắc Ninh đón gần 600 nghìn lượt khách, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2024; tổng doanh thu ước đạt gần 500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2024. Từ đầu tháng 3, sau hiệu ứng tích cực của MV ca nhạc “Bắc Bling”.
“Bắc Bling” tôn vinh những hình ảnh đẹp nhất về con người và di sản của quê hương Bắc Ninh, từ Quan họ, nón quai thao, con đê dọc triền sông với đám rước linh đình trong lễ hội, tục têm trầu, mời trầu... cho đến những danh lam thắng cảnh đặc trưng của Bắc Ninh như chùa Dâu, đền Bà Chúa Kho, làng gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ…
Ngay sau khi ra mắt, "Bắc Bling" đã tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ. Nhiều khán giả bày tỏ sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Bắc Ninh, đồng thời bày tỏ mong muốn được đến khám phá vùng đất này.
Tour du lịch “Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh - Sắc màu di sản”.
Phản ứng nhanh nhạy và kịp thời bám 'trend' của MV “Bắc Bling”, ngành Văn hóa Bắc Ninh đã công bố chiến dịch tiếp thị, xây dựng hình ảnh với 2 tour miễn phí. Sau đó, trước nhu cầu du lịch của người dân trong và ngoài tỉnh, các ngành chức năng đã thực hiện tăng tour, tăng chuyến, mở kênh đăng ký online tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Thay vì 2 tour với 4 chuyến/ngày trước đó, đã tăng lên 4 tour với 8 chuyến/ngày và phục vụ hơn 700 khách/tuần.
Trong dòng chảy của toàn cầu hóa, Bắc Ninh tiếp tục có những cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quê hương.
Tỉnh Bắc Ninh là một trong những địa phương được sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, điều này sẽ giúp cho Bắc Ninh mở rộng quy mô kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và tận dụng tối đa tiềm năng phát triển. Đồng thời, tạo thêm không gian mới cho việc phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh.
Để làm được điều đó, Bắc Ninh chú trọng đầu tư, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến về các di sản quý giá, đậm bản sắc văn hóa truyền thống, đưa di sản văn hóa đến gần hơn nữa với người dân.
Tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, thực hiện chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần đưa hình ảnh của Bắc Ninh đến với đông đảo đồng bào trong nước và nước ngoài.
Du khách trải nghiệm văn hóa, tranh dân gian Đông Hồ.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và Ngày Quốc tế Lao động (1/5), ngành Văn hóa Bắc Ninh triển khai nhiều hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến và kích cầu du lịch hấp dẫn. Tiêu biểu như Chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm nền Văn học, nghệ thuật Việt Nam với chủ đề "Giai điệu tự hào"; Chương trình Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên thuyền với chủ đề "Bài ca đi cùng năm tháng”; Hoạt động tái hiện không gian chợ tranh dân gian Đông Hồ…
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lượng khách đến Bắc Ninh ước đạt 75.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024, doanh thu du lịch ước đạt 52 tỷ đồng.
Đăng Chung