Đại biểu tham gia thảo luận.
Tại chương trình, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, được khởi công xây dựng vào năm 1901, không chỉ là một tuyến giao thông quan trọng mà còn mang theo nhiều giá trị văn hóa và ý nghĩa sâu sắc đối với thành phố Cảng.
Ga Hải Phòng là một trong những di tích lịch sử đặc biệt, độc đáo của thành phố; một nhà ga xe lửa lớn và đẹp nhất Việt Nam. Đây không chỉ đơn thuần là nơi đến và đi của những đoàn tàu mà còn là một di sản kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp. Sau hơn 120 năm, tại ga Hải Phòng vẫn còn nhiều công trình được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, 5 năm trở lại đây, việc di chuyển bằng tàu hỏa ngày càng được nhiều người dân lựa chọn, nhất là trong mùa cao điểm du lịch. Để tiếp tục khai thác thế mạnh của ngành đường sắt trong lĩnh vực du lịch, dự kiến ngày 10/5, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ khai trương Đoàn tàu hoa phượng đỏ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2025.
Đại diện Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Việt Nam và đại diện Hiệp hội Du lịch Hải Phòng ký kết thỏa thuận hợp tác.
Đoàn tàu thiết kế theo phong cách Indochine (Đông Dương), kết hợp giữa đường nét hiện đại và màu sắc truyền thống Á Đông, hướng tới sự lịch thiệp, sang trọng, hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, không chỉ tạo sức hút với du khách mà còn góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của thành phố, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Ông Nguyễn Chính Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đã ghi nhận tín hiệu rất tích cực về phục hồi, tăng trưởng lượng khách đi tàu. Cụ thể, năm 2023, lượng khách đi tàu đạt 1,46 triệu lượt; năm 2024 tiếp tục tăng lên 1,53 triệu lượt.
Đại biểu khảo sát tại Ga Hải Phòng.
Để phục vụ hành khách tốt nhất, ngành đường sắt đã có một số giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ như: Nâng cao chất lượng phục vụ trong đó có việc thay thế các toa xe cũ bằng các toa xe có chất lượng cao; cải tạo trang thiết bị, phòng chờ VIP ở một số ga chính như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng để phục vụ khách cao cấp và các đoàn khách du lịch. Ngành cũng đã phối hợp với thành phố tổ chức chạy tàu kết nối liên vùng phục vụ khách du lịch Hà Nội - Hải Phòng gắn với sản phẩm Foodtour.
Thời gian tới, khi ga Hải Phòng được công nhận là điểm du lịch và đưa vào vận hành đoàn tàu hoa phượng đỏ sẽ tạo nên sự liên kết giữa hệ thống giao thông và hệ sinh thái du lịch, giúp du khách trải nghiệm du lịch ngay sau khi xuống tàu.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã đóng góp nhiều nội dung để tăng sức hấp dẫn của du lịch đường sắt, trong đó có việc giới thiệu giá trị văn hóa, lịch sử; tạo sự kết nối sản phẩm du lịch nội đô Hải Phòng cũng như hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách trong quá trình di chuyển trên tàu và một số điểm nhấn khi du khách xuống tàu.
Tin, ảnh: Minh Thu (TTXVN)