Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới
3 giờ trướcBài gốc
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) là hướng đi quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Du khách hòa mình vào các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc vùng hồ Ba Bể. (Ảnh: Thu Trang)
Tuy nhiên tại nhiều địa phương của tỉnh Bắc Kạn, mô hình du lịch này chủ yếu vẫn ở dạng tự phát, chưa có định hướng phát triển cụ thể… cho nên hiệu quả đem lại chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, du lịch tại địa phương.
Nằm cách trung tâm thành phố Bắc Kạn gần 7 km, thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Dao, chiếm tỷ lệ gần 90%; còn lại là các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh. Phiêng An được thiên nhiên ưu ái với sông nước hữu tình, những đồi chè xanh bạt ngàn và những thức trái thơm ngon…
Về Phiêng An, du khách sẽ được đi qua cây cầu treo nhuốm màu thời gian, bước trên những con đường sạch đẹp với những nương chè xanh ngát, không khí trong lành. Khung cảnh yên bình, những vườn trái cây trĩu quả và những nếp nhà bình dị, mộc mạc làm mê đắm lòng người.
Anh Nguyễn Văn, một khách du lịch cho biết: “Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đến Phiêng An vào mùa đông, thời tiết trong lành, mọi thứ ở đây rất thoải mái. Đặc biệt người dân bắt đầu chuyên nghiệp hơn, đón tiếp khách chu đáo. Nếu được đầu tư và có những hướng đi dài hơi, tôi tin Phiêng An sẽ trở thành điểm du lịch rất độc đáo”.
Bí thư Chi bộ thôn Phiêng An Bàn Hữu Thanh cho biết, nhiều năm qua, Phiêng An luôn được công nhận là thôn văn hóa, 100% số hộ dân đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, an ninh trật tự luôn bảo đảm, đặc biệt tinh thần gắn bó, cố kết cộng đồng luôn được đề cao. Riêng đối với đồng bào Dao, sau hơn 20 năm hạ sơn về Phiêng An, đời sống của người dân có nhiều thay đổi.
Tuy nhiên, những giá trị văn hóa độc đáo về trang phục, ngôn ngữ, lễ tục tốt đẹp vẫn được đồng bào giữ gìn, phát huy trong sinh hoạt và sản xuất. Đây cũng chính là nét văn hóa độc đáo, cuốn hút du khách mỗi khi đặt chân khám phá Phiêng An, một miền quê thanh bình, thơ mộng, giàu bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, Phiêng An vẫn thiếu những sản phẩm du lịch độc đáo, thiếu những nhà nghỉ cộng đồng để giữ chân du khách trải nghiệm lâu hơn.
Tương tự, tại thôn Chúa Lải, nằm cách trung tâm huyện Chợ Mới 25 km, với 90% số dân là người dân tộc Tày, hiện nay, cùng với phát triển NTM, hệ thống giao thông đến thôn khá thuận lợi vì đã được kiên cố hóa. Điểm đặc biệt hấp dẫn du khách của Chúa Lải là 12 ngôi nhà sàn cổ kính, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Tày.
Những dịp lễ, Tết, người dân luôn mặc trang phục truyền thống, hát các làn điệu dân ca Sli và làm những món ăn truyền thống. Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Bắc Kạn Dương Văn Hoàn cho biết, sự kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, mà qua đó cũng góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kết hợp dịch vụ, mang lại hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Du khách tham quan điểm du lịch cộng đồng tại thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể. (Ảnh: Thu Trang)
Sự kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch cũng là cơ hội quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp và tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường. Đến nay, Bắc Kạn có 28 xã đạt chuẩn NTM, bốn xã NTM nâng cao. Tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung xây dựng NTM ở các vùng khó; đối với các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo tập trung hoàn thiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Với những tiềm năng, lợi thế của Phiêng An, UBND tỉnh dự kiến đầu tư theo Đề án xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (giai đoạn 2021-2025) để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng cho thôn. Cụ thể, xây dựng nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe; nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch; cổng chào và các biển chỉ dẫn, thuyết minh về mô hình du lịch của thôn; tạo các con đường đi bộ tham quan trải nghiệm tại các khu vườn cây ăn quả, đồi chè của các hộ gia đình trong thôn…
Tuy nhiên, nhìn nhận trên thực tế, hiện phát triển du lịch cộng đồng ở Bắc Kạn đang trong những bước đi ở giai đoạn đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm. Nguồn lực đầu tư của tỉnh cho du lịch cộng đồng còn hạn hẹp, năng lực thu hút các nguồn lực xã hội hóa chưa cao, chưa chào mời được các nhà đầu tư lớn, có nguồn lực tài chính dồi dào, tầm nhìn đầu tư chiến lược, dài hạn.
Phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống sinh hoạt vẫn theo nếp tự cung tự cấp, ít tiếp xúc với thị trường du lịch; còn tâm lý e ngại chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang làm dịch vụ du lịch. Quá trình đô thị hóa ở tỉnh Bắc Kạn đang diễn ra nhanh chóng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch cộng đồng.
Để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững gắn với xây dựng NTM tại Bắc Kạn trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở nơi có các điểm du lịch cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút được nhiều khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách.
Phát triển du lịch cộng đồng phải gắn kết mật thiết với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương, làm cơ sở để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, tiêu thụ. Mỗi huyện, thị xã, thành phố khi triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cần tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời phát huy lợi thế để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng…
Theo nhandan.vn
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/du-lich-cong-dong-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-5031831.html