Du lịch đường sông TP.HCM vẫn 'mắc cạn' vì thiếu bến bãi

Du lịch đường sông TP.HCM vẫn 'mắc cạn' vì thiếu bến bãi
một ngày trướcBài gốc
Du lịch đường sông TP.HCM đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong quý I-2025 nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu bến bãi nội đô để phục vụ du khách. Nhiều doanh nghiệp du lịch kiến nghị TP.HCM sớm tháo gỡ những tồn tại trên để du lịch đường sông khai thác hiệu quả hơn tại hội nghị Gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp năm 2025 do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức chiều 1-4.
Du khách thích tour sông nhưng thiếu bến bãi
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Les Rives, cho biết công ty sở hữu 17 phương tiện và hiện là doanh nghiệp đứng đầu TP.HCM chuyên phục vụ khách quốc tế bằng tour đường sông. Các tour được tổ chức bằng cano từ bến trung tâm đến Củ Chi, Cần Giờ, Long An.
Trong ba tháng đầu năm 2025, số lượng khách tham gia tour đường sông tại doanh nghiệp đạt 8.200 khách, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2024. Bà Hạnh đánh giá sự kiện Lễ hội Sông nước với hàng loạt chương trình quảng bá từ Sở Du lịch TP.HCM đã góp phần tạo hiệu ứng tích cực cho ngành du lịch thành phố.
“Điểm đến địa đạo Củ Chi gần như quá tải trong thời gian phục vụ cao điểm quý I-2025 với lượng khách trung bình từ 4.000 – 6.000 khách/ngày” – bà Hạnh chia sẻ.
Dù lượng khách tăng trưởng tốt nhưng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiếu bến bãi phục vụ đón trả khách.
“Chưa bao giờ TP.HCM thiếu bến bãi đón tiễn khách thủy nội địa như hiện tại dù là trung tâm kinh tế đứng đầu Việt Nam. Trong khi đó, khu vực trung tâm quận 1 vẫn còn các bến số 3, 4, cầu tàu B – Ba Son để trống rất lâu mà không được khai thác” – bà Hạnh dẫn chứng.
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Les Rives nêu khó khăn của du lịch đường sông TP.HCM. Ảnh: QH
Ngoài ra, bến Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã hết phép từ tháng 5-2024 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép lại. Các bến khác như Tân Cảng, Bình Quới, Villa Song Saigon… cũng chưa được khai thác.
Là người gắn bó nhiều năm với du lịch đường thủy, ông An Sơn Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương bày tỏ lo ngại về những rào cản đang kìm hãm sự phát triển của ngành. Một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay là sự chậm trễ trong việc cấp phép cầu tàu, bến tàu phục vụ du lịch.
Ông Lâm cho biết TP.HCM có tiềm năng lớn về du lịch đường sông nhưng hiện hạ tầng bến bãi chưa đồng bộ, nhiều điểm dừng chân thiếu điều kiện hoạt động chính thức. Các doanh nghiệp lữ hành muốn mở tuyến du lịch mới gặp khó vì không thể xin phép cập bến ở các vị trí thuận lợi. Trong khi đó, nhiều bến thủy tự phát vẫn hoạt động nhưng lại không đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch thành phố.
Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương . Ảnh: QH
Theo ông Lâm, để khai thác hiệu quả lợi thế sông nước, TP.HCM cần đẩy nhanh việc cấp phép cho các cầu tàu du lịch, ưu tiên các vị trí có khả năng kết nối giao thông tốt. Đồng thời, cần rà soát, điều chỉnh chi phí neo đậu, tránh áp mức phí cao như tàu biển quốc tế, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Nếu không có sự cải thiện kịp thời, du lịch đường thủy sẽ mãi chỉ là tiềm năng chưa được đánh thức.
Sở sẽ tiếp tục đề xuất tháo gỡ
Theo các doanh nghiệp lữ hành, sông Sài Gòn rất đẹp, khu vực huyện Cần Giờ càng có tiềm năng hơn khi sở hữu hệ sinh thái sông nước phù hợp để tổ chức các hoạt động thể thao dưới nước, giúp thu hút thêm du khách. Tuy nhiên, việc thiếu quy hoạch và đầu tư hạ tầng đang cản trở sự phát triển của loại hình này.
Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh môi trường ở các tuyến kênh, rạch cũng cần được lãnh đạo thành phố, các quận/huyện quan tâm hơn nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách.
Du lịch đường sông đang ngày càng phát triển, trở thành sản phẩm đặc thù của TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Les Rives, bày tỏ mong muốn TP.HCM, Sở Giao thông Công chánh, Sở Du lịch và lãnh đạo các quận/huyện sớm tham mưu đưa các bến thủy nội địa vào khai thác, phục vụ phát triển sản phẩm du lịch đường thủy.
“Du lịch đường sông đang ngày càng phát triển, trở thành sản phẩm đặc thù của TP.HCM. Khi các tàu – thuyền tấp nập qua lại tại bến cảng Sài Gòn – Bạch Đằng, thành phố sẽ có một sinh khí thịnh vượng hơn. Rất mong lãnh đạo thành phố sớm có giải pháp cho hoạt động bến thủy nội địa và mô hình thể thao dưới nước để phục vụ khách du lịch” – bà Hạnh nhấn mạnh.
Phản hồi tình trạng trên tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết sở đã có báo cáo gửi UBND TP, đề xuất tạm thời khai thác và sử dụng các cầu tàu số 2, 3, 4 và các cầu tàu B- Ba Son để phục vụ du lịch. Hiện tại, việc khai thác các cầu cảng này vẫn đang trong quá trình thẩm định và chưa được triển khai đầy đủ.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM phát biểu tại hội nghị chiều 1-4. Ảnh: QH
Theo bà Hoa, sau hội nghị này, các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tiếp tục trình thành phố những kiến nghị và báo cáo. UBND TP sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn có kết quả cụ thể về việc khai thác, sử dụng các cầu cảng này. Trong thời gian chờ quy hoạch, các cầu cảng có thể sử dụng để đón khách du lịch đường sông hoặc phục vụ các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề xử lý rác thải trên sông, kênh, lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP và sẽ tiếp tục quan tâm giải quyết. Đây là vấn đề liên quan đến cả điều kiện tự nhiên và nguồn lực nhân lực. Thành phố sẽ tiếp tục tìm giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này.
Doanh nghiệp du lịch kiến nghị thành phố sớm có giải pháp cho hoạt động bến thủy nội địa và mô hình thể thao dưới nước để phục vụ khách du lịch đường sông. Ảnh minh họa: ĐÀO TRANG
TP.HCM đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay
Theo Sở Du lịch TP.HCM, kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, lưu trú và điểm đến cho thấy, ngành du lịch tiếp tục phục hồi khi gần 34% doanh nghiệp cho biết lượng khách đã tăng trở lại.
Doanh nghiệp nhận định môi trường kinh doanh tại TP.HCM đang ngày càng năng động và cởi mở. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức như chi phí vận hành cao, thiếu nhân lực chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh về giá, thủ tục hành chính phức tạp và khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ tài chính – đặc biệt với nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Sở Du lịch sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình kích cầu, nâng cao chất lượng điểm đến, hoàn thành các chỉ tiêu năm 2025 là đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 45 triệu lượt khách nội địa và doanh thu 260.000 tỉ đồng.
QUANG HUY
Nguồn PLO : https://plo.vn/du-lich-duong-song-tphcm-van-mac-can-vi-thieu-ben-bai-post842039.html