Tuy nhiên, đến nay, nhu cầu này vẫn chủ yếu là hoạt động tự phát của người dân chứ chưa thấy dấu hiệu khai thác một cách có tổ chức.
Trong những ngày này, dòng người từ các tỉnh thành trên cả nước đang đổ về chùa Quán Sứ để chiêm bái xá lợi Đức Phật. Sau khi được chiêm bái thì hiện ở hai bên vỉa hè các tuyến đường xung quanh chùa Quán Sứ đang có rất đông người dân ngồi nghỉ ngơi và ngắm nhìn phố phường Hà Nội.
Nhiều người dân và phật tử tại đây chia sẻ mong muốn là nhân dịp này họ được kết hợp chiêm bái với tham quan du lịch các điểm quanh Thủ đô:
"Chẳng mấy khi được về Thủ đô, nhân dịp một chuyến đi, được chiêm bái Phật rùi thì nhân dịp mình muốn đi thăm phố phường, các điểm di tích".
"Vì mình ở xa nên ra đến đây một lần là mình mong muốn đi được rất nhiều nơi, thêm một lần mình được tham quan, du lịch, chỗ nào đẹp, chỗ nào ý nghĩa thì đến".
"Những người ở xa mất một công đi là mong đến được nhiều điểm vì ở nơi xa đến được đây không phải dễ dàng, nếu tranh thủ được thì tốt quá".
Tuy nhiên, nhiều người dân sau khi chiêm bái xá lợi Phật, dù còn nhiều thời gian nhưng lại bối rối vì không biết tới nơi nào của Hà Nội để tham quan thì phù hợp, như đại diện một đoàn khách từ Nhữ Hán, Tuyên Quang chia sẻ: "Tôi cũng muốn tham quan thêm các điểm du lịch ở Thủ đô nhưng không biết đường nào đi nên thôi về".
Sau khi được chiêm bái xá lợi Đức Phật, điểm đến tiếp theo của nhiều người là tham quan Nhà tù Hỏa Lò bởi ngay gần chùa Quán Sứ. Dù chỉ được tới thăm thêm một di tích này nhưng đối với chị Hoàng Trang ở Ba Vì, Hà Nội, chuyến đi này đã thêm nhiều ý nghĩa: "Với mình ở ngoại thành mà vào Thủ đô để chiêm bái xá lợi phật và ngay đây có Hỏa Lò để tham quan thì chuyến đi ý nghĩa hơn rất nhiều".
Ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đánh giá, sự kiện chiêm bái xá lợi Đức Phật là cơ hội để kết hợp hoạt động du lịch nhưng đến nay, chúng ta lại thiếu thông tin để phục vụ cho mục tiêu này: "Gần như rất ít thông tin để khách du lịch đến chiêm bái có thể xem được là đi đâu, tham quan cái gì, ăn uống cái gì. Nên chăng sự kiện như thế này, chúng ta có thể kết hợp với các công ty du lịch, hãng lữ hành để có quầy thông tin hỗ trợ cho khách du lịch miễn phí, thậm chí không cần phát tờ rơi mà có mã QR với thông tin đầy đủ".
Theo ông Tuyên, thông tin hỗ trợ hoạt động tham quan, du lịch cho người dân dịp này còn đặc biệt có ý nghĩa với những người ở các địa phương xa Hà Nội, lần đầu tới với Thủ đô và góp phần kích cầu du lịch nội địa. Trong đó, đặc biệt phù hợp là các hành trình thưởng thức ẩm thực chay thanh tịnh, tham quan các địa điểm, tìm hiểu văn hóa gắn liền với đời sống Phật giáo.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cũng chia sẻ, đơn vị này đã thực hiện một số hoạt động du lịch để mọi người đến dự Đại lễ Vesak ở TP.HCM có thêm những trải nghiệm, tìm hiểu về những di tích, địa điểm du lịch, sản phẩm làng nghề hoạt động văn hóa tại địa phương. Thông qua các sản phẩm này vừa góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch vừa giúp người dân, du khách có những trải nghiệm trọn vẹn
"Khi tổ chức khai thác bài bản thì hoạt động du lịch xuyên suốt Đại lễ Vesak mang đến nhiều giá trị tích cực, góp phần kích cầu du lịch, tăng lượng khách đến với nơi có tiềm năng du lịch tâm linh. Đây cũng là dịp để du khách tìm về nơi cân bằng nội tâm, lan tỏa lối sống nhân văn, ngoài chiêm bái còn được tham quan nhiều cảnh đẹp, âm nhạc, ẩm thực", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nói.
Với số lượng rất lớn người dân, Phật tử đến với Hà Nội, về chùa Quán Sứ chiêm bái xá lợi Phật trong những ngày qua, nếu họ có thêm những hoạt động tham quan, du lịch phù hợp chắc chắn sẽ tăng thêm nhiều giá trị cho hành trình của mình.
Thông qua sự kiện này cũng cho thấy, cần có chương trình cụ thể và sự phối hợp tốt hơn để ngành du lịch và các công ty lữ hành chủ động cung cấp thông tin, dịch vụ, sản phẩm nhằm không chỉ thúc đẩy du khách đến với Thủ đô mà khi đã đến rồi, họ sẽ có được những trải nghiệm đầy đủ, trọn vẹn nhất.
Nguyễn Yên/VOV-Giao thông