Chèo thuyền trên những dòng sông xanh mát quanh các vườn vải thiều, sau đó thưởng thức ẩm thực đồng quê là trải nghiệm thú vị khi du khách về với vùng đất Thanh Hà (Hải Dương)
Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm nay, du lịch nổi lên thành một điểm sáng của Việt Nam. Chỉ riêng trong tháng 3, Việt Nam đã đón hơn 2 triệu lượt khách quốc tế, nâng tổng số khách trong quý I lên hơn 6 triệu lượt, con số cao nhất từ trước đến nay.
Trong bối cảnh này, Hải Dương cần làm gì để đóng góp thêm cho bức tranh du lịch Việt Nam đang khởi sắc, nhất là vào dịp hè này?
Dù không sở hữu bãi biển hay khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, nhưng khu vực Hải Dương lại có những lợi thế riêng biệt. Nơi đây có hệ thống di tích lịch sử phong phú, cảnh quan nông thôn tươi đẹp, cùng mạng lưới làng nghề, sản vật đặc sắc. Đặc biệt, vào mùa hè, Hải Dương có những khác lạ để du khách tìm đến. Đó là mùa vải Thanh Hà với khu Đồng Mẩn có không gian sông nước thoáng đãng. Tới đây, du khách không chỉ được chèo thuyền hái những chùm vải mọng ngọt mà còn được thưởng thức những món ngon từ chính đồng đất quê hương như: trà sen, trà búp ổi, ngô nếp dẻo thơm, gà thả vườn nướng, ốc nhồi hấp, chạch om chuối... Dư vị của đặc sản đồng quê chắc hẳn sẽ níu chân không ít du khách.
Suối Côn Sơn cũng là điểm đến lý tưởng cho du khách dịp hè này. Bạn hẳn còn nhớ những câu thơ nổi tiếng của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi: "Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai/ Côn Sơn có đá rêu phơi/ Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm". Đọc những câu thơ ấy của thi nhân đủ để du khách có thể mường tượng ra một khung cảnh Côn Sơn vừa nên thơ vừa xanh mát giữa mùa hè nóng bức. Điểm đến yên bình này sẽ chiều lòng được rất nhiều du khách muốn tìm về chốn yên bình, tránh sự ồn ào của phố thị. Những trải nghiệm khác như: đùa nơm bắt cá, câu cáy cũng là những gợi ý thú vị cho du khách khi đến với Hải Dương mùa hè này.
Bạn tôi, một ''tín đồ'' của du lịch trải nghiệm cho rằng xu hướng du lịch hiện đại không còn đặt nặng yếu tố “nghỉ dưỡng biển” mà mở rộng ra các mô hình gắn với trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên, giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Vậy Hải Dương phải bắt đầu từ đâu?
Trước tiên cần từ tư duy làm du lịch. Du lịch không chỉ là ngành dịch vụ mà còn là câu chuyện của sự phối hợp nhiều ngành nghề, từ giao thông, xây dựng, văn hóa, nông nghiệp đến truyền thông, công nghệ, cả giáo dục cộng đồng... Một vườn vải muốn đón khách không chỉ cần quả ngon, mà còn cần bãi đỗ xe thuận tiện, lối đi sạch sẽ, nhà vệ sinh hợp chuẩn, người dân biết chào đón và kể chuyện. Một đầm sen nếu chỉ để chụp ảnh sẽ chóng bị quên lãng, nhưng nếu được gắn với trải nghiệm gói bánh, pha trà, nghe hát dân ca thì sẽ thành điểm đến có hồn.
Thứ nữa là hạ tầng du lịch như chỗ nghỉ, chỗ chơi đáp ứng được nhiều loại nhu cầu. Cái này Hải Dương ta đã thiếu nhiều năm qua vì nhiều dự án, nhiều ý tưởng chậm được triển khai, không thu hút được những nhà đầu tư lớn.
Song hành với đó là liên kết vùng. Với vị trí đắc địa giữa Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, dự kiến khi hợp nhất với Hải Phòng, Hải Dương sẽ trở thành điểm nối trong hành trình khám phá miền Bắc. Một tour cuối tuần Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Hạ Long với điểm dừng chân tại vùng vải Thanh Hà hay suối Côn Sơn sau đó có thể đến Cát Bà, Vịnh Lan Hạ... sẽ tạo ra trải nghiệm phong phú, nhẹ nhàng, đáng nhớ. Đặc biệt, kết nối với các trường học, đơn vị giáo dục để tổ chức “trại hè trải nghiệm tại vùng quê” là một hướng đi đầy tiềm năng, vừa gắn với mục tiêu giáo dục thực tiễn, vừa tạo nguồn khách ổn định, dài hạn. Nếu hợp nhất thì việc khai thác du lịch ở những vùng đất của Hải Dương càng giúp Hải Phòng tạo kết nối du lịch dài rộng và khai thác được những tour du lịch khác biệt hấp dẫn du khách, nhất là khách nước ngoài.
Một khía cạnh không thể thiếu là chuyển đổi số trong du lịch. Những clip ngắn giới thiệu ẩm thực, trải nghiệm mùa hè Hải Dương được sản xuất chuyên nghiệp và lan tỏa qua mạng xã hội có thể giúp hình ảnh tỉnh nhà đến gần hơn với giới trẻ, một nhóm khách tiềm năng.
Và trên hết, chính người dân phải trở thành "đại sứ" du lịch cho quê hương. Mỗi người nông dân biết cười tươi và mời khách hái vải. Mỗi chủ quán ăn biết kể câu chuyện món ăn làng mình. Mỗi đoàn nghệ thuật dân gian biết dựng lại không gian xưa giữa sân đình làng… tất cả sẽ góp phần tạo nên sức hút mềm, bền bỉ cho du lịch Hải Dương quanh năm, không chỉ trong mùa hè.
BẢO ANH