Các đơn vị lữ hành triển khai nhiều giải pháp thu hút khách đến trải nghiệm các hoạt động Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025.
Thông tin từ Sở Du lịch thành phố Huế cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2025, lượng khách du lịch đến Huế ước đạt hơn 4 triệu lượt, tăng hơn 71% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt trên 1,2 triệu lượt, tăng hơn 41%; khách lưu trú đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng hơn 23%. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 7.455 tỷ đồng, tăng gần 56% so với cùng kỳ.
Riêng tháng 7/2025, Huế đón gần 709.000 lượt khách, tăng hơn 80% so với tháng 7/2024, trong đó khách quốc tế đạt hơn 99.600 lượt, tăng gần 52%. Những con số tăng trưởng mạnh mẽ phản ánh đà phục hồi và phát triển nhanh chóng của ngành du lịch địa phương trong bối cảnh Năm Du lịch quốc gia 2025 đang diễn ra với hàng loạt sự kiện quy mô và đặc sắc.
KẾT HỢP DI SẢN VỚI SẢN PHẨM DU LỊCH HIỆN ĐẠI
Huế đang tận dụng tối đa lợi thế từ việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025 để tạo sức bật mới cho ngành du lịch. Từ các lễ hội truyền thống, chương trình nghệ thuật, hội thảo chuyên đề cho đến các hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, sinh thái đặc trưng xứ Huế… đều được tổ chức quy mô, bài bản, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và mở rộng đối tượng du khách, đặc biệt là nhóm khách trẻ và quốc tế.
Huế hướng đến xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, hấp dẫn, lấy giá trị trải nghiệm làm trung tâm và hướng đến phát triển bền vững.
Ngoài các sự kiện, nhiều sản phẩm du lịch mới cũng được chú trọng phát triển nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách. Du lịch ban đêm tại Đại Nội, tour khám phá lăng tẩm qua trải nghiệm thực tế ảo, hành trình du thuyền trên sông Hương kết hợp ẩm thực cung đình hay tour tham quan làng nghề truyền thống tại Phước Tích, Thủy Xuân… đang trở thành những lựa chọn được đông đảo du khách hưởng ứng.
Theo bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch, Huế hướng đến xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, hấp dẫn, lấy giá trị trải nghiệm làm trung tâm và hướng đến phát triển bền vững. “Không chạy theo số lượng, Huế lựa chọn con đường riêng, phát triển chiều sâu văn hóa, giữ gìn bản sắc, thanh lịch và vẻ đẹp trầm mặc, biểu tượng,” bà Trâm nói.
XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG DU LỊCH VĂN MINH, AN TOÀN
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, chính quyền thành phố và ngành du lịch Huế cũng đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng môi trường du lịch. Theo đó, đề án “Nâng cao chất lượng môi trường du lịch trên địa bàn TP. Huế đến năm 2030” đã được triển khai, với nhiều giải pháp quyết liệt nhằm xử lý triệt để các vấn đề tồn tại như cò mồi, chèo kéo khách, tăng giá bất hợp lý, hàng rong gây phiền toái…
Thời gian tới, Huế sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, xây dựng sản phẩm đặc sắc gắn với di sản văn hóa bản địa
Một trong những điểm mới đáng chú ý là mô hình tổ xử lý các vấn đề môi trường du lịch tại địa bàn xã/phường. Đây là lực lượng kiêm nhiệm, gồm đại diện lãnh đạo địa phương, công an, phòng chuyên môn, đội quản lý trật tự đô thị, tổ dân phố, tổ dân phòng, ban quản lý điểm du lịch, hợp tác xã và cộng đồng dân cư… Mô hình này hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nâng cao chất lượng môi trường du lịch thành phố Huế, thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, tuyên truyền và xử lý vi phạm liên quan đến trật tự đô thị, xây dựng và an ninh trật tự tại các khu du lịch.
Tại cấp cơ sở, tổ xử lý có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh liên quan đến môi trường du lịch; phối hợp với các cơ quan chức năng để giữ gìn vệ sinh, mỹ quan đô thị, đảm bảo trật tự và sự an toàn cho du khách. Cơ quan thường trực đặt tại UBND phường/xã và hoạt động theo quy chế riêng do trưởng ban ban hành.
Theo bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành, du lịch Huế đang phát triển nhanh và mạnh, kéo theo nhiều vấn đề mới nảy sinh. “Muốn giữ chân và khiến du khách quay lại, thì trải nghiệm không chỉ đẹp ở thắng cảnh, mà phải thuận tiện, văn minh, an toàn và không bị quấy rối. Những tổ kiểm tra xử lý như hiện nay là rất cần thiết,” bà Lý nhận định.
Thời gian tới, Huế sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, xây dựng sản phẩm đặc sắc gắn với di sản văn hóa bản địa. Cùng với đó, ngành du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan để rà soát, xử lý nghiêm các hành vi làm xấu môi trường du lịch, nhằm bảo đảm mục tiêu dài hạn là phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững và có trách nhiệm.
Nguyễn Thuấn