Du lịch là điểm sáng nhưng còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Du lịch là điểm sáng nhưng còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
3 giờ trướcBài gốc
Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức ngày 19/12 tại Hà Nội, trực tuyến đến nhiều địa phương trên cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nhấn mạnh: Nghị quyết 08 của Bộ Chính về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch 2017 là chủ trương, định hướng phát triển quan trọng của Đảng và Nhà nước để phát triển du lịch xứng với tiềm năng, thế mạnh và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Du lịch hiện đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước. Năm 2024, ngành Du lịch đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỉ đồng. Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Trong 10 sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2024, có 5 sự kiện về du lịch và các sự kiện liên quan tới du lịch lọt vào danh sách này.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Phạm Văn Thủy cũng cho biết, thời gian qua, lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Sự tăng trưởng của ngành đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Hội nghị được trực tuyến tới các địa phương trên cả nước.
Ngành du lịch đã đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch Việt Nam phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu, đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp từ 6 - 8% trong GDP, tạo 5,5 triệu việc làm. Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới đáp ứng về cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Đến năm 2030, du lịch Việt Nam đón 35 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, đóng góp từ 10 - 13% trong GDP, tạo 10,1 triệu việc làm.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng chỉ ra hạn chế, tồn tại của ngành. Phó Cục trưởng cục Du lịch quốc gia Phạm Văn Thủy cũng thừa nhận, mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí là một ngành kinh tế, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự tham gia, vào cuộc của nhiều ngành, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, sự huy động nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức của các cấp các ngành địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều.
Khách tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Sự phối kết hợp liên ngành liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động. Nhiều địa phương có tiềm năng dư địa để phát triển du lịch vẫn còn thiếu định hướng rõ ràng để phát triển; nhiều địa phương không có đầy đủ tiềm năng nhưng vẫn định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí. Công tác quản lý nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là đối với các loại hình du lịch mới, một số sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm liên quan đến tính mạng, sự an toàn của du khách; du lịch nông nghiệp, nông thôn…
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nhưng công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp về xây dựng, ban hành chính sách còn thiếu bài bản, thiếu thực tiễn. Vai trò của cơ quan làm đầu mối chưa thể hiện rõ nét. Ông Hùng kiến nghị Chính phủ cần phải có những biện pháp để kiểm tra, kiểm soát công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên trách về du lịch với các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Việc quản lý người Việt Nam đi du lịch nước ngoài cần được quan tâm hơn. Hầu hết doanh nghiệp du lịch Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chỉ dừng lại ở mức độ phù hợp với phân khúc trực tiếp phục vụ khách du lịch, chưa thể liên kết thành các chuỗi dịch vụ du lịch trong nước và quốc tế…
Nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, tiếp tục phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã được chỉ ra tại hội nghị như: Đẩy mạnh tuyên truyền, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện thể chế, tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch; xác định giải pháp phát triển du lịch bền vững song song với bảo tồn các di sản, giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường…
Hoa Nguyễn
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/van-hoa/du-lich-la-diem-sang-nhung-con-nhieu-vuong-mac-can-thao-go-i753839/