Hướng đến thực hành du lịch Net Zero là một kế hoạch lớn, nhưng để tiến tới được mục tiêu này lại phải bắt đầu từ những hành động cụ thể, rất nhỏ: lấy thức ăn đủ dùng, dùng điện nước vừa đủ,...
TS Phan Xuân Anh – Chủ tịch Công ty Du lịch Du ngoạn Việt trong chuyến trải nghiệm về với thiên nhiên tại Khánh Hòa.
Nhận thức về Net Zero không phải quá mới mẻ nhưng lại mang tính thời sự trong hoạt động du lịch. Bản chất thực hành du lịch Net Zero xoay quanh câu chuyện giảm thải, giảm phát khí thải và trung hòa carbon. Nhưng khi triển khai các hoạt động phục vụ du lịch, không phải ai cũng quan tâm và thực hiện các phương pháp cụ thể để giảm thải, giảm phát khí thải và bù trừ carbon, vì nhiều lý do.
Có một thực tế, đến nay nhiều cá nhân và doanh nghiệp phát triển du lịch vẫn cho rằng tiến tới Net Zero là một trào lưu du lịch. Cạnh đó, Net Zero khó lấy được sự ủng hộ của một lớp người có thói quen sống trong một môi trường vật chất quá lâu, luôn tư duy ở góc độ tài chính và sự tiện lợi.
Vì thế, du lịch Net Zero, nói dễ nhưng làm không dễ!
Ai giữ vai trò cốt tử trong thực hành du lịch Net Zero?
Khi bàn về Net Zero trong du lịch, lấy trọng tâm là thái độ ứng xử với tài nguyên, phải quan tâm đến việc: tiết kiệm, không hoang phí tài nguyên, điện năng, không gian đất đai, nhân lực trong suốt quá trình vận hành và trải nghiệm. Cạnh đó, hạn chế rác thải vật liệu, thực phẩm ra môi trường.
Thực hành du lịch Net Zero cần sự chung tay của các nhà cung ứng dịch vụ.
Để làm được những việc trên, cần sự tham gia của nhiều bên liên quan, cụ thể
Cấp quản lý
Nhà nước phải có chính sách khuyến khích và chế tài cụ thể bằng các quy định rõ ràng, triệt để như:
- Thu gom và xử lý rác tiêu dùng du lịch bao gồm vật dụng, bao bì đựng đồ uống,..
- Thu gom xử lý chất thải có dầu mỡ, chất thải rắn,..
- Khuyến khích và ưu đãi các phương tiện vận chuyển du lịch không phát khí thải như xe điện, thuyền điện. Khuyến khích sử dụng điện gió, điện mặt trời trong vận hành các khu du lịch.
- Không nên đặt quá nhiều quy định làm hạn chế phương tiện dùng điện
Doanh nghiệp du lịch
- Cung cấp cho du khách các phương tiện không gây thải và phát thải khí carbon.
- Từ chối không mua hàng có sử dụng vật liệu gây thải.
- Vận động du khách cùng tham gia thực hành Net Zero trong chuyến trải nghiệm.
Du khách trải nghiệm một chuyến hành trình vào rừng tại Làng Nhỏ - Diên Khánh, Khánh Hòa để học lại những bài học về thiên nhiên.
Các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ
Thiết kế và sản xuất các phương tiện tiêu dùng cho du khách không gây thải. Sử dụng tái sản xuất khăn lau, đũa, tăm, bàn chải, lượt dùng xà bông, dép, bông lấy tai, khăn trùm đầu kín khi tắm,...
Lấy ví dụ một việc rất nhỏ, tính sơ số lượng nắp của vỏ chai đựng thức uống một đoàn khách thải ra môi trường mỗi ngày của một địa phương có thể lên tới hàng triệu. Và, châu Âu đã đặt ra quy định, tất cả vật đựng chất lỏng phải có nắp gắn dính vào chai. Việc rất nhỏ, nhưng nếu nhà sản xuất không tuân thủ đều bị phạt với chế tài nặng.
Du khách
Thái độ tiêu dùng của du khách trong chuyến đi thể hiện rõ nhận thức của họ về Net Zero. Nếu có thái độ ủng hộ, họ sẽ từ chối mua đồ gây rác thải nhựa và có ý thức tái sử dụng các vật dụng trong chuyến đi. Ngay cả việc sử dụng thực phẩm trong mỗi bữa ăn cũng được du khách xem trọng, và lấy với lượng đủ dùng, không lãng phí. Việc sử dụng nước khi tắm, điện trong sinh hoạt cũng sẽ từ đó được hạn chế.
Không gian xanh giữa thiên nhiên giúp du khách thư giãn dưới các tán cây trong ngày nắng, mà không cần đến phòng điều hòa – một vật dụng tiêu tốn nhiều điện năng và phát thải lớn ra môi trường.
Có thể nói, bản chất bước đầu thực hiện giảm thải và giảm khí thải vẫn là thái độ sử dụng theo nguyên tắc “đúng” và “đủ”. Chỉ cần giữ đúng chuẩn mực này, du khách không phải tiết kiệm đến mức gây khó chịu và vẫn có được cảm xúc tích cực trong chuyến đi.
Chung tay làm du lịch theo định hướng Net Zero là góp phần gìn giữ tài nguyên du lịch cho thế hệ sau, tạo động lực thu hút khách quốc tế đến với chúng ta. Câu chuyện tưởng lớn, nhưng lại cần sự chung tay của tất cả các tổ chức, cá nhân, từ những việc rất nhỏ.
TS. Phan Xuân Anh