Thảm họa động đất ngày 1/1/2024 tại bán đảo Noto (Nhật Bản) khiến ít nhất 616 người thiệt mạng, hơn 1.300 người bị thương, 190.000 công trình bị hư hại, nhiều khu vực bị cô lập do sạt lở. Ảnh: Kim Kyung-Hoon/Reuters.
Ngành du lịch Nhật Bản đang đối mặt với khủng hoảng khi tin đồn về một thảm họa động đất và sóng thần được dự đoán xảy ra vào đầu tháng 7, gây nên làn sóng lo ngại trên mạng xã hội. Nỗi sợ hãi này đang làm tê liệt hoạt động du lịch, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam như Kagoshima và Kumamoto - những điểm đến vốn phụ thuộc nhiều vào du khách mùa hè.
Tin đồn bắt nguồn từ một lời tiên tri được cho là của họa sĩ manga Ryo Tatsuki, người từng gây chú ý sau khi dự đoán đúng thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Cảnh báo mới nhất trong phiên bản sách phát hành năm 2021 nhắc đến “thảm họa thực sự” sẽ xảy ra cụ thể vào ngày 5-7/7/2025, liên quan tới một trận động đất và sóng thần lớn tại Nhật Bản.
Mạng xã hội nhanh chóng trở thành “điểm nóng” với những cuộc bàn tán, chia sẻ thông tin về lời tiên đoán này. Không ít người kêu gọi tránh du lịch đến Nhật Bản trong khoảng thời gian nói trên. Sự lo lắng càng tăng cao khi nhiều “chuyên gia tâm linh” tự xưng cùng tham gia lan truyền dự đoán thảm họa.
Khách hàng hoảng hốt cúi người tìm chỗ an toàn trong siêu thị ở Toyama, Nhật Bản, sau trận động đất ngày 1/1/2024. Ảnh: Reuters.
Hậu quả đến rất nhanh. Nhiều du khách, đặc biệt từ Hong Kong (Trung Quốc) và các nước châu Á, đồng loạt hủy chuyến. Hong Kong Airlines thông báo hủy toàn bộ các chuyến bay đến Kagoshima và Kumamoto (Nhật Bản) trong tháng 7 và 8 do nhu cầu giảm mạnh. Các công ty lữ hành cũng ghi nhận lượng đặt tour lao dốc, buộc phải tung ra các chương trình giảm giá và khuyến mãi để kéo khách du lịch, theo Travel And Tour World.
Tình hình càng đáng lo ngại khi các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng ở khu vực phía nam Nhật Bản vốn đã chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19, nay tiếp tục đối mặt thêm cú giáng mới. Mùa hè vốn là thời điểm “vàng” cho du lịch địa phương, nay lại phủ bóng lo âu và sụt giảm doanh thu.
Trước làn sóng hoảng loạn, chính phủ Nhật Bản lên tiếng trấn an, khẳng định "không có bất kỳ cơ sở khoa học nào cho những lời tiên tri này".
Ban Phòng chống Thảm họa thuộc Văn phòng Nội các tuyên bố: “Với kiến thức khoa học hiện nay, không thể dự đoán chính xác ngày, giờ và địa điểm xảy ra động đất”. Các nhà địa chấn học cũng đồng tình, nhấn mạnh chưa có bất kỳ phương pháp nào cho phép dự báo cụ thể về thời gian và nơi chốn của một trận động đất.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.
Dẫu vậy, tác động lên ngành du lịch Nhật Bản là rất rõ ràng. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO), du lịch nội địa vẫn giữ được sức hút đầu năm nay, song tâm lý e ngại thảm họa đã khiến lượng khách giảm đột ngột, đặc biệt tại các điểm du lịch phía Nam. Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Nhật Bản vẫn đang trên đà phục hồi, nên cú sốc này khiến nhiều doanh nghiệp địa phương thêm lao đao.
Chính phủ đang tăng cường truyền thông để xoa dịu tâm lý du khách, kêu gọi mọi người tiếp cận thông tin qua các nguồn chính thức. Bên cạnh đó, JNTO cũng đẩy mạnh quảng bá các điểm đến văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và thành phố sôi động để khôi phục niềm tin vào du lịch Nhật Bản.
Nhật Bản vẫn được đánh giá là quốc gia có hệ thống phòng chống thiên tai hàng đầu thế giới, với các công nghệ cảnh báo sớm và quy trình ứng phó khẩn cấp rất bài bản. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất lúc này không phải thiên tai, mà chính là tin đồn thất thiệt, gây hoang mang và kéo lùi đà phục hồi du lịch.
Quỳnh Trang