Quang cảnh Khu du lịch Tam Cốc dịp Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2025. Ảnh: Trường Huy
Không gian mới, cơ hội mới
Ba tỉnh hợp nhất vốn đều thuộc không gian văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nền văn minh lúa nước. Tuy có nét tương đồng về tín ngưỡng, phong tục, ngôn ngữ và sinh hoạt cộng đồng, mỗi địa phương lại sở hữu một hệ sinh thái du lịch riêng biệt, tạo nên sự bổ sung hoàn hảo sau hợp nhất.
Hà Nam có địa hình bán sơn địa với hệ sinh thái chiêm trũng đặc trưng, nổi bật là hệ thống danh thắng như hồ Tam Chúc, Ngũ Động Sơn, Kẽm Trống, Bát Cảnh Tiên... Bên cạnh đó là kho tàng di sản văn hóa đồ sộ với mật độ di tích xếp hạng cao: 97 di tích quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 14 di sản văn hóa phi vật thể cùng hàng loạt lễ hội dân gian tiêu biểu như lễ hội Tịch ĐiềnĐọi Sơn, lễ phát lương đền Trần Thương. Các làng nghề truyền thống như trống Đọi Tam, dệt Nha Xá, gốm Quyết Thành, mây giang đan Ngọc Động... cùng ẩm thực dân dã như bánh cuốn chả Phủ Lý, cá kho Nhân Hậu, bánh đúc lạc… cũng góp phần làm nên bản sắc du lịch Hà Nam.
Nam Định lại sở hữu một dải bờ biển dài 72km với hệ sinh thái đất ngập mặn ven biển điển hình, đặc biệt là Vườn quốc gia Xuân Thủy, vùng đất ngập mặn đầu tiên tại Đông Nam Á được công nhận theo Công ước RAMSAR và là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng do UNESCO công nhận. Di sản văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, cùng hệ thống di tích cấp quốc gia đặc biệt như Đền Trần, Phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, làng nghề truyền thống rối nước Hồng Quang, sơn mài Cát Đằng, khảm trai Hải Minh… khiến Nam Định trở thành một “bảo tàng văn hóa sống” giữa đồng bằng Bắc Bộ.
Ninh Bình tiếp tục giữ vị thế là “thủ phủ du lịch di sản” với địa hình karst hiếm có ở đồng bằng, nổi bật là Quần thể danh thắng Tràng An, di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Các điểm đến nổi tiếng khác như Tam CốcBích Động, chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư, nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn quốc gia Cúc Phương và khu bảo tồn Vân Long tạo nên hệ sinh thái phong phú từ núi đá, rừng mưa nhiệt đới đến đất ngập nước. Ninh Bình hiện có 379 di tích được xếp hạng, trong đó 78 di tích cấp quốc gia và 3 di tích quốc gia đặc biệt, con số cao nhất trong khu vực. Sự hợp nhất đã mở rộng không gian du lịch của Ninh Bình mới lên gần 4.500km2 , gấp ba lần diện tích trước đây và kéo dài đường bờ biển từ 15km lên 87km.
Theo PGS. TS. Phạm Trung Lương, nguyên phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu du lịch Việt Nam: Đây là lợi thế vượt trội để phát triển mạnh mẽ du lịch biển, sinh thái, nghỉ dưỡng, nông nghiệp ven biển vốn còn rất hạn chế trước hợp nhất. “Không gian lớn, tài nguyên phong phú, bản sắc đa tầng sẽ giúp Ninh Bình không chỉ là một điểm đến, mà trở thành cực tăng trưởng du lịch mới của vùng Đồng bằng Sông Hồng”.
Giám đốc Sở Du lịch Bùi Văn Mạnh cho biết: Việc hợp nhất 3 địa phương sẽ là cơ hội để Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình bổ sung các lợi thế của từng địa phương và phong phú, sâu sắc hơn lợi thế du lịch của tỉnh Ninh Bình mới sau hợp nhất. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh điểm đến để phát triển du lịch thực sự trở thành là ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ngành Du lịch hiện đang tham mưu để đánh giá lại những tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản… để bổ sung cho những định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới. Trước mắt, ngành Du lịch sẽ xác lập các trục di sản liên tỉnh như: Tràng An-Bái Đính-Tam Chúc-Đền TrầnPhủ Dầy-Xuân Thủy; đồng thời quy hoạch lại các khu du lịch quốc gia như Tràng An, Tam Chúc, Vân Trình-Kênh Gà; thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch Net Zero gắn với thích ứng biến đổi khí hậu tại vùng lõi rừng ngập mặn Kim Sơn-Giao Thủy và Vườn quốc gia Cúc PhươngVân Long”.
Khu du lịch quốc gia Tam Chúc. Ảnh: Minh Thu
Phát triển đi đôi với bảo tồn
Tuy vậy, không ít thách thức đang đặt ra cho ngành Du lịch trong giai đoạn chuyển tiếp nhất là “lối mòn” tư duy phát triển du lịch đơn tuyến, theo ranh giới hành chính cũ cần phải được xóa bỏ. Để có một ngành công nghiệp không khói xứng tầm “mũi nhọn” cần một chiến lược phát triển tổng thể, xác lập vai trò mới cho du lịch Ninh Bình trong hệ thống quy hoạch vùng và quốc gia. Đồng thời với đó là cơ sở hạ tầng kết nối giữa các điểm đến của ba địa phương cần được nâng cấp đồng bộ để tạo mạng lưới du lịch liên hoàn và thuận tiện.
Theo bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình: Một vấn đề đáng lưu tâm trong quá trình phát triển du lịch hiện nay là nguy cơ mai một các thương Du lịch Ninh Bình Vươn tầm trong kỷ nguyên mới hiệu du lịch gắn với địa danh cấp huyện cũ. Những cái tên như “Phủ Lý”, “Kim Bảng”, “Hoa Lư”, “Nho Quan”, “Giao Thủy”, “Xuân Thủy”… không chỉ là tên gọi hành chính mà còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử, du lịch, là niềm tự hào của người dân địa phương. Chính vì vậy, quá trình phát triển du lịch phải đặc biệt coi trọng yếu tố lịch sử, văn hóa… tạo nên một câu chuyện nhân văn, sâu sắc về các vùng đất từ đó tạo điểm đến hấp dẫn với hàm lượng văn hóa cao.
Chị Trần Mai Hương, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ cảm nhận sau chuyến hành hương năm nay: “Trước đây, mỗi lần đi tour du lịch tâm linh, chúng tôi thường phải di chuyển qua nhiều tỉnh khác nhau: Từ Đền Trần (Nam Định), rồi sang chùa Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), chùa Hương (Hà Nội). Giờ đây, thật bất ngờ khi phần lớn các điểm đến ấy đều đã thuộc về một địa phương, tỉnh Ninh Bình mới. Điều này mở ra rất nhiều thuận lợi cho cả du khách và doanh nghiệp du lịch”.
Chị Hương cũng bày tỏ kỳ vọng: “Tôi mong rằng chính quyền địa phương sẽ không chỉ đầu tư về hạ tầng giao thông, bến bãi, nhà vệ sinh, mà còn chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu tín ngưỡng, lịch sử để xây dựng cung đường tâm linh này thành tuyến du lịch trọng điểm của miền Bắc, vừa trang nghiêm, văn minh, vừa mang lại trải nghiệm sâu sắc cho du khách thập phương”.
Những chia sẻ từ thực tế cho thấy, dù tiềm năng du lịch Ninh Bình sau hợp nhất là rất lớn, nhưng để biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh thực sự, cần có bước đi bài bản và chiến lược dài hơi. Cùng với việc đầu tư hạ tầng và tăng cường liên kết vùng, chính quyền và ngành Du lịch địa phương cần tập trung vào công tác tổ chức lại không gian du lịch trên toàn tỉnh, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tầm vóc mới, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và chất lượng phục vụ.
Điều này đòi hỏi một chiến lược phát triển đồng bộ, từ ứng dụng chuyển đổi số để kết nối các vùng di sản, xây dựng bản đồ số du lịch và hệ thống vé điện tử thông minh; đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có khả năng thuyết minh đa vùng, am hiểu văn hóa địa phương; đồng thời khuyến khích bảo tồn và sáng tạo trong việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với làng nghề, lễ hội và sinh thái đặc thù. Có như vậy, du lịch Ninh Bình sau hợp nhất mới thực sự vươn tầm trong kỷ nguyên mới, vững bước trong hành trình trở thành trung tâm du lịch di sản của cả nước, và xa hơn là Đông Nam Á.
Nguyễn Thơm