Du lịch Pleiku ngày càng đa dạng và hấp dẫn

Du lịch Pleiku ngày càng đa dạng và hấp dẫn
3 giờ trướcBài gốc
Một góc khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: Q.T
Giàu tiềm năng, lợi thế
Thành phố Pleiku là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của tỉnh Gia Lai, giàu tiềm năng du lịch sinh thái với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Cùng với đó, truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng các dân tộc thiểu số (Bahnar, Jrai) thể hiện qua văn hóa nhà rông, nhà mồ, tượng nhà mồ và các lễ hội truyền thống... còn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Đặc biệt, TP. Pleiku còn được biết đến với các dấu tích miệng núi lửa âm (Biển Hồ) và miệng núi lửa dương (núi Hàm Rồng) đã tắt từ hàng triệu năm.
TP. Pleiku nằm bên trục giao thông giữa quốc lộ 14 và quốc lộ 19, gần ngã ba Đông Dương, trên cung đường Hồ Chí Minh và trong vùng tam giác tăng trưởng các tỉnh lân cận cũng như các quốc gia láng giềng Campuchia, Lào. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương và đi lại của người dân, kết nối các khu, điểm du lịch với nhau.
Quang cảnh Công viên Diên Hồng sau khi được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Q.T
Trong những năm gần đây, TP. Pleiku đã có bước phát triển và dần trở thành một điểm đến hấp dẫn của tỉnh Gia Lai. Tổng sản phẩm hàng hóa tăng khá; cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Thành phố cũng đã thu hút nhiều dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ...
Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 200 cơ sở lưu trú, trong đó có trên 60 khách sạn, 4 nhà khách, 130 nhà nghỉ với trên 2.800 phòng và 5.000 giường. Nhìn chung, các khách sạn, nhà khách trên địa bàn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nhưng chất lượng phục vụ được đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định.
Nhiều homestay ở TP. Pleiku được đầu tư khang trang, có sức hấp dẫn đối với du khách. Ảnh: M.T
Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã chọn TP. Pleiku để đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ như: khu công viên Diên Hồng, Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya, khu du lịch suối Hội Phú …
Cùng với đó, các điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí của thành phố đã được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang đáp ứng được nhu cầu tham quan, giải trí của người dân địa phương và thu hút được du khách trong và ngoài nước như: Làng văn hóa du lịch Plei Ốp, Công viên Diên Hồng, Khu di tích thắng cảnh Biển Hồ, Di tích lịch sử Nhà lao Pleiku, Đền tưởng niệm mộ liệt sĩ Hội Phú… Đặc biệt, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên và Quảng trường Đại Đoàn Kết và đã thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan…
Hiện nay, ngoài những sản phẩm du lịch truyền thống, TP. Pleiku đã và đang phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch, đưa một số sản phẩm du lịch mới vào khai thác, bước đầu đã nhận được sự phản hồi tích cực của du khách.
Trong đó, phải kể đến các sản phẩm du lịch kết hợp với trình diễn cồng chiêng, múa xoang tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, Khu di tích thắng cảnh Biển Hồ. Đặc biệt, thành phố tạo điều kiện, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch… mở rộng không gian du lịch, phát triển thêm các tour, tuyến, tăng thời gian lưu trú của du khách.
Với sự đa dạng các sản phẩm du lịch, TP. Pleiku ngày càng trở thành điểm đến thu hút đối với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Q.T
Một số tour, tuyến mới được đưa vào khai thác như nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương, du lịch trải nghiệm, thăm quan vườn tượng, dệt thổ cẩm và đan lát…; tìm hiểu các nét văn hóa của cư dân địa phương tại làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) và làng Ốp (phường Hoa Lư). Từ những giá trị văn hóa, sinh hoạt, công việc hàng ngày của người dân được du khách tìm hiểu... đã chuyển tải đến du khách thông điệp văn hóa một cách chân thật và sống động nhất.
Đa dạng sản phẩm để thu hút du khách
Đô thị Pleiku có khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, nguồn nước tươi mát từ Biển Hồ; khu vực sản xuất nông nghiệp xanh và sạch; tài nguyên rừng phong phú cùng cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp. Chính vì vậy, thành phố đã và đang ưu tiên khai thác lợi thế thiên nhiên và tập trung vào ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng.
Chùa Minh Thành (TP. Pleiku) cũng là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Ảnh: Q.T
Với mục tiêu phát triển Pleiku theo hướng thành phố Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, vừa phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc của vùng Tây Nguyên, thành phố đã từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hiện đại; hệ thống cây xanh đường phố, công viên, hoa viên được đầu tư bài bản.
Ngoài ra, thành phố còn chú trọng đầu tư xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội như: trường học, bến xe, bệnh viện, nâng cấp sân bay, hệ thống điểm đậu đỗ xe ô tô tạm thời trên lòng đường, hè phố; quy hoạch chi tiết phát triển các khu thương mại, siêu thị, chợ tại các khu vực, phố đi bộ mua sắm, phố ẩm thực, chợ phiên nông sản an toàn; thu hút đầu tư các bệnh viện, phát triển hệ thống xử lý rác thải, nước thải, hệ thống cây xanh đô thị.
Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh ngành nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao và sử dụng công nghiệp năng lượng tái tạo nhằm giữ gìn môi trường cũng như tạo nên một thành phố xanh, sạch đẹp nhằm thu hút khách du lịch.
Để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trong thời gian tới, Pleiku cần có sự quy hoạch, sàng lọc, nghiên cứu và đầu tư, xây dựng và quảng bá thương hiệu bài bản nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, có quy mô và tính chất đặc trưng, độc đáo, làm sao để có sản phẩm du lịch cấp quốc gia và cấp địa phương.
Sản phẩm cũng phải có tính liên kết cao hướng đến mọi loại nhu cầu và đối tượng thụ hưởng, trong đó tập trung vào những sản phẩm phát huy được các thế mạnh mang đặc trưng vùng miền, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.
Đô thị suối Hội Phú ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đ.T
Các loại hình du lịch lịch sử, lễ hội, tâm linh, du lịch văn hóa-thể thao; du lịch lễ hội, văn hóa-sinh thái và nghỉ dưỡng sẽ ngày càng có triển vọng, nhất là hướng đến thị trường những người có thu nhập cao, về hưu, có điều kiện du lịch kết hợp điều dưỡng thời gian dài.
Đồng thời, quan tâm phát triển loại hình du lịch cộng đồng, bình dân, trong đó du khách có thể cùng ăn, ngủ, giao lưu chan hòa trong gia đình và cộng đồng người dân bản địa để cảm nhận và hiểu biết sâu hơn đời sống văn hóa, xã hội địa phương.
Bên cạnh các sản phẩm-tour du lịch, thành phố đã và đang phát triển các sản phẩm, hiện vật lưu niệm cụ thể, ngày càng đa dạng, đặc sắc, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của khách du lịch, nhất là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, những đặc sản làng quê và những kỷ vật có tính độc đáo, mang giá trị nhân văn, lịch sử như: nhạc cụ dân tộc, túi, áo thổ cẩm, gùi, tượng gỗ thu nhỏ…
Những món quà lưu niệm như: ví, túi xách, móc khóa... được các nghệ nhân làng Phung (TP. Pleiku) làm từ vải thổ cẩm dệt thủ công. Ảnh: Mộc Trà
Đặc biệt, thành phố cũng cần tạo sự đa dạng hóa trong liên thông, liên kết, thống nhất và bổ sung, hỗ trợ lẫn nhaugiữa các sản phẩm du lịch và các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, các khâu và các hoạt động khách sạn-lữ hành-hàng không-thương mại trong việc hợp tác tổ chức tour du lịch để tăng tính cạnh tranh quốc tế.
Đồng thời, giảm thiểu sự cạnh tranh tự phát, thiếu lành mạnh giữa các tỉnh, địa phương, phát huy thế mạnh riêng của từng địa phương và đơn vị, tạo nên các tour, tuyến du lịch mang tính liên kết chặt chẽ và hấp dẫn du khách vì lợi ích phát triển chung.
Sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch được thực hiện không chỉ bằng cách tạo ra các dịch vụ riêng lẻ mới, mà còn tạo ra các sản phẩm trọn gói mới. Sự đa dạng hóa dịch vụ sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch, thu hút được nhiều đối tượng tham gia cung ứng các loại sản phẩm, giải quyết được nhiều việc làm, tăng lợi ích kinh tế cho các nhà đầu tư, các địa phương phát triển kinh tế.
XUÂN HÀ
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/du-lich-pleiku-ngay-cang-da-dang-va-hap-dan-post319457.html