(QBĐT) - Sáp nhập Quảng Bình-Quảng Trị là phép thử chiến lược với ngành Du lịch: Làm sao để không đánh mất thương hiệu đã được gây dựng suốt hàng thập kỷ? Làm sao kết nối được hai sắc thái thiên nhiên, lịch sử thành một bản sắc đủ sức lan tỏa? Và liệu có thể hình thành một trung tâm du lịch mới, đủ tầm cạnh tranh với các đô thị du lịch lớn trong vùng?
Theo chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành, Quảng Bình sẽ sáp nhập với tỉnh Quảng Trị và lấy tên là Quảng Trị. Liệu sự thay đổi danh xưng hành chính này có làm lu mờ sức hút của một thương hiệu du lịch Quảng Bình đã khẳng định được vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới?
Hành trình xây dựng thương hiệu
Những năm sau tái lập tỉnh, du lịch Quảng Bình vẫn chỉ là một vệt mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt Nam lúc bấy giờ. Phải đến năm 2003, khi Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đã mở ra một trang mới cho du lịch địa phương. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước đi đầu tiên để Quảng Bình bắt đầu hành trình bước ra thế giới.
Quảng Bình ghi dấu ấn mạnh mẽ nhờ vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên. Ảnh: TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH QUẢNG BÌNH.
Các sản phẩm du lịch thiên nhiên của Quảng Bình, đặc biệt là các hang động kỳ vĩ như Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới, đã thu hút sự chú ý của du khách trong nước và quốc tế. Hình ảnh kỳ vĩ của Sơn Đoòng liên tục xuất hiện trên các kênh truyền thông quốc tế, như: CNN, BBC, National Geographic, Discovery Channel, đưa cái tên Quảng Bình vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, như “Quảng Bình-Bí ẩn bất tận” (2019), cùng với sự xuất hiện của Phong Nha trong bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” đã giúp Quảng Bình từ một địa phương ít người biết đến trở thành một điểm đến nổi bật, hấp dẫn du khách.
Bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự cố môi trường biển và đại dịch Covid-19, nhưng sau những nỗ lực phục hồi, du lịch Quảng Bình đã từng bước tìm lại vị thế của mình trên bản đồ du lịch. Năm 2024, Quảng Bình đón hơn 5,2 triệu lượt khách. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách cũng phản ánh sự thành công của việc xây dựng thương hiệu du lịch này. Trong hai thập niên qua, Quảng Bình đã bước một hành trình dài để trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Với hai lần được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới cho Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, vùng đất này ghi dấu ấn mạnh mẽ nhờ vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và nỗ lực gìn giữ giá trị di sản. Những thành quả ấy đã minh chứng rằng, Quảng Bình không chỉ nổi lên từ danh xưng địa lý mà từ chính sức hấp dẫn nội tại của thiên nhiên, văn hóa và lòng mến khách của con người nơi đây. Thương hiệu du lịch Quảng Bình không chỉ tồn tại trên bản đồ hành chính mà còn ăn sâu vào tâm trí du khách toàn cầu.
Có mất thương hiệu?
Công cụ phân tích từ khóa AHF cho thấy, trung bình mỗi tháng, lượt tìm kiếm từ khóa “du lịch Quảng Bình” đạt 12.100 lượt, từ khóa “Sơn Đoòng” và “Phong Nha” cùng đạt 22.200 lượt, trong khi đó, từ khóa “Quảng Bình” có 49.500 lượt. Dữ liệu này cũng cho thấy, mức độ tìm kiếm các từ khóa này luôn duy trì ổn định quanh năm, đạt đỉnh vào các mùa cao điểm du lịch. Từ khóa “Sơn Đoòng” ghi nhận lượng tìm kiếm quốc tế tăng đột biến vào năm 2022 và 2024 khi diễn ra các chiến dịch quảng bá lớn. Điều này cho thấy bản thân các sản phẩm du lịch đã mang giá trị độc lập, ít bị chi phối bởi thay đổi hành chính. Tên gọi địa lý có vai trò nhất định nhưng sức sống thương hiệu nằm ở giá trị trải nghiệm.
Du lịch Quảng Bình hút khách dịp lễ 30/4 và 1/5/2025.
Thực tế trong và ngoài nước đã chứng minh, không ít địa danh đã trải qua đổi tên hành chính mà vẫn giữ vững giá trị thương hiệu. TP. Hồ Chí Minh sau 50 năm đổi tên, vẫn được du khách quốc tế trìu mến gọi là “Sài Gòn” khi nhắc tới những giá trị văn hóa, đời sống. Đó là minh chứng cho việc một cái tên gắn với cảm xúc và bản sắc sẽ không dễ mất đi chỉ vì một quyết định hành chính. Tên gọi hành chính có thể thay đổi theo tiến trình cải cách nhưng giá trị thương hiệu được hình thành từ thiên nhiên, văn hóa và trải nghiệm mới là yếu tố cốt lõi quyết định sự trường tồn. Nếu địa phương giữ được bản sắc riêng, nuôi dưỡng được trải nghiệm đích thực cho du khách, thì cái tên hành chính mới không làm phai nhạt thương hiệu đã gây dựng. Quay trở lại câu chuyện của Quảng Bình, trong cảm nhận của du khách, Quảng Bình không đơn thuần là một địa danh. Đó là vùng đất gió Lào, cát trắng, nơi có những hang động kỳ vĩ, rừng già sâu thẳm, bãi biển hoang sơ, là nơi lưu giữ những câu chuyện lịch sử hào hùng và con người mộc mạc, thân thiện.
Tiến sĩ Trần Tự Lực, Trưởng khoa Kinh tế-Du lịch, Trường đại học Quảng Bình khẳng định, nếu biết cách duy trì giá trị văn hóa, bản sắc cũ vẫn tồn tại song song và thậm chí bồi đắp thêm cho thương hiệu mới. Yếu tố quyết định là cách ngành Du lịch ứng xử với sự thay đổi này: Truyền thông thế nào, định vị sản phẩm ra sao và làm thế nào để quá trình chuyển đổi diễn ra mượt mà, tránh gây mất mạch cảm xúc của du khách.
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Netin khẳng định, quá trình sáp nhập tỉnh chắc chắn du lịch Quảng Bình sẽ bị ảnh hưởng khi phải làm lại nguyên bộ nhận diện thương hiệu khác gắn liền tên địa phương mới để thu hút du khách. Tuy nhiên, may mắn là du lịch biển và du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng được xem là điểm nhấn của du lịch Quảng Bình với các tên địa danh liên quan đến điểm đến vẫn được giữ nguyên. “Lâu nay, chúng ta vừa xây dựng thương hiệu cho các điểm đến vừa xây dựng thương hiệu chung cho du lịch Quảng Bình nên nhìn chung các điểm đến du lịch sẽ không ảnh hưởng nhiều”, ông Cương cho biết thêm.
Không thể phủ nhận rằng việc đổi tên tỉnh sẽ tạo ra một giai đoạn chuyển tiếp với nhiều thách thức. Sự bối rối của du khách quốc tế, việc đồng bộ lại thông tin trên các nền tảng du lịch lớn, như: Booking, TripAdvisor, hay Google Maps sẽ là những thách thức không nhỏ. Trong ngắn hạn, việc đổi tên chắc chắn ảnh hưởng đến mức độ nhận diện. Theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis), từ chỗ nắm thói quen tìm kiếm của du khách trên Google Trends, ngành Du lịch cần tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới song song với việc xây dựng các kế hoạch marketing phù hợp xu thế. Điều đó cần phải triển khai ngay sau khi quá trình sáp nhập tỉnh diễn ra.
Chủ trương sáp nhập tỉnh là bước đi đúng đắn trong tiến trình cải cách hành chính và phát triển bền vững. Đổi tên không có nghĩa là đánh mất thương hiệu. Nhưng nếu không có chiến lược khôn ngoan, thì thương hiệu có thể bị xói mòn. Trái lại, nếu khai thác tốt di sản sẵn có và làm mới cách tiếp cận du lịch, mảnh đất này hoàn toàn có thể tiếp tục tỏa sáng, với một diện mạo mới nhưng giá trị cốt lõi không hề thay đổi. Thương hiệu du lịch Quảng Bình là kết tinh của thiên nhiên kỳ vĩ, lịch sử hào hùng, văn hóa đậm đà và con người mộc mạc. Dù tên hành chính có thay đổi, thì những giá trị ấy vẫn phải được bảo tồn và lan tỏa.Bởi, như chị Nguyễn Phương Nhung, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Điều níu chân tôi không phải là tên gọi trên bản đồ, mà là vẻ đẹp và tình người mà mảnh đất này mang lại”.
Diệu Hương
>>> Bài 2: Cơ hội cho một điểm đến đa sắc