Nhiều vấn đề tồn tại
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX xác định đẩy mạnh phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2020 - 2025.
Phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2020 - 2025.
Cụ thể hóa Nghị quyết này, UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), qua 3 năm thực hiện Đề án, sản phẩm du lịch tại tỉnh từng bước được đa dạng, du lịch biển, đảo tiếp tục giữ vai trò mũi nhọn.
Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ ở một số địa phương. Nhờ đó, tổng lượng khách đến tham quan tại tỉnh không ngừng tăng.
Mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ ở một số địa phương.
Nếu như năm 2022, tổng lượng khách đến Quảng Ngãi đạt 650.000 lượt, doanh thu đạt 700 tỷ đồng thì đến năm 2023, tổng lượng khách đạt hơn 1 triệu lượt, doanh thu đạt 1.018 tỷ đồng. Năm 2024, ước tổng lượng khách đạt trên 1,4 triệu lượt người, doanh thu hơn 1.434 tỷ đồng.
Mặc dù đã có bước tiến khả quan nhưng nhìn nhận một cách tổng thể, sự phát triển của ngành du lịch Quảng Ngãi vẫn còn chưa tương xứng tiềm năng, chưa tạo được sự đột phá, còn thiếu vắng phẩm du lịch tạo thương hiệu đặc trưng.
Du lịch Quảng Ngãi chưa tạo được đột phá.
Các điểm tham quan chủ yếu là thắng cảnh thô, cơ sở hạ tầng di chuyển còn bất tiện, ảnh hưởng đến việc kết nối sản phẩm du lịch với du khách…
Hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn còn mang tính mùa vụ, thiếu sự liên kết, vai trò cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy hiệu quả.
Thời tiết bất lợi vào mùa mưa, các chuyến bay hoạt động đến sân bay Chu Lai còn quá ít dẫn đến khó thu hút khách du lịch ở thị trường tiềm năng phía Bắc.
Tỉnh chưa có cơ chế đặc thù đặc biệt cho ngành du lịch, nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư đầu tư phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, dẫn đến khó tạo thành một bộ sản phẩm tour tuyến hoàn hảo.
Đặc biệt, Quảng Ngãi chưa thu hút được các nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng; cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đồng bộ, quy mô nhỏ, thiếu các cơ sở lưu trú 3-5 sao.
Hạ tầng du lịch Quảng Ngãi còn yếu kém, chưa đồng bộ.
Thiếu các dịch vụ du lịch bổ trợ, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm, ẩm thực; chưa hình thành tuyến phố đi bộ, chợ đêm và các dịch vụ khác để giữ chân du khách, tăng mức chi tiêu của du khách.
Tìm giải pháp phù hợp
Theo đại diện Hiệp Hội Du lịch Quảng Ngãi, một trong những giải pháp thúc đẩy du lịch trong thời gian tới là cần tập trung lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp.
Cụ thể, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, chú trọng phân khúc thị trường với khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần và mua sắm; du lịch sinh thái nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế...
Lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp được xem là giải pháp để tăng doanh thu cho ngành du lịch.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quốc Huy Hoàng cho rằng, trong chuyển đổi số du lịch Quảng Ngãi phải phát huy việc kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp du lịch, đảm bảo tính liên thông, thống nhất để cùng xây dựng hệ thống dữ liệu, chương trình quảng bá, xúc tiến và kết nối du lịch được hiệu quả hơn.
“Cần tiếp tục nâng cao các ứng dụng du lịch thông minh, cập nhật dữ liệu về điểm đến, cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch. Sở VHTT&DL làm đầu mối chia sẻ các thông tin du lịch đồng bộ trên cả nước, liên kết chuỗi du lịch của Quảng Ngãi với khu vực. Đồng thời tiến tới hình thành Cổng thông tin du lịch tỉnh Quảng Ngãi để cung cấp đầy đủ, toàn diện thông tin và tiện ích cho du khách"- ông Hoàng chia sẻ.
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng thẳng thắn nhìn nhận, du lịch Quảng Ngãi phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa-lịch sử của Quảng Ngãi.
Ông Dũng cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; ưu tiên quỹ đất, các vị trí thuận lợi tại các địa bàn du lịch trọng điểm để quy hoạch, làm cơ sở thu hút đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp...
Cần ưu tiên quỹ đất, các vị trí thuận lợi để quy hoạch phát triển du lịch.
Phấn đấu đến năm 2030, Lý Sơn được công nhận là khu du lịch quốc gia; phát triển huyện Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; tập trung đa dạng các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch…
Hà Phương