Du lịch Sông Cầu – Tiềm năng và triển vọng

Du lịch Sông Cầu – Tiềm năng và triển vọng
5 giờ trướcBài gốc
Thiên nhiên ban tặng Sông Cầu nhiều cảnh quan thơ mộng, hấp dẫn du khách trong hành trình du lịch Bắc - Nam. Nổi bật là Vịnh Xuân Đài sở hữu những vẻ đẹp hoang sơ với những bãi cát mịn màng, mặt nước biển trong xanh mở rộng thênh thang hơn 13.000ha nằm giữa vòng cung dãy núi Cổ Ngựa, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia theo quyết định số 177/QĐ-BVHTTDL ngày 20/1/2011. Trong vịnh có nhiều địa điểm hấp dẫn như Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào, Vũng Me, Vũng Lắm và các đảo, bán đảo cù lao Ông Xá, Mũi Đá Mài, Mũi Tai Mã, Mũi Đá Ong, Gành Đèn, Gành Đỏ... Bên cạnh đó là những điểm đến tham quan du lịch đậm chất hoang sơ như đảo Nhất Tự Sơn, bãi biển Vịnh Hòa, bãi biển Từ Nham, khu du lịch Bãi Tràm, Bãi Bàu, thác Cây Đu.
Một cung đường ở thị xã Sông Cầu uốn lượn bên vịnh Xuân Đài. Ảnh: Phong Hoàng.
Tháng 11/1832, phái đoàn ngoại giao của Mỹ do ông Edmund Roberts dẫn đầu đi trên chiếc thuyền Peacock đã vào Vũng Lắm - Vịnh Xuân Đài, khởi đầu chuyến thăm chính thức nước Đại Nam, đánh dấu sự kiện lịch sử ngoại giao đầu tiên giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá Vịnh Xuân Đài là một trong những vịnh có tiềm năng du lịch lớn ở miền Trung, nơi đây còn là “thủ phủ tôm hùm” của tỉnh Phú Yên cùng nhiều loại hải sản tươi ngon khác để du khách trải nghiệm ẩm thực đặc sắc của vùng biển Sông Cầu.
Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy Phú Yên về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Sông Cầu lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, Thị ủy Sông Cầu đã ban hành Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 22/12/2021 về đầu tư phát triển du lịch Sông Cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu du lịch vịnh Xuân Đài giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, Thị ủy, UBND thị xã Sông Cầu đã triển khai các giải pháp huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội gắn với du lịch, dịch vụ; chủ động kết nối các địa phương khác để phát triển tuyến, điểm du lịch liên vùng, liên tuyến; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch tại các hội chợ, triển lãm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tham gia chương trình hợp tác liên kết tại các địa phương, tổ chức các hội thảo giá trị di sản văn hóa, hội báo xuân, hội chợ trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng tầm Lễ hội sông nước Tam Giang lên Lễ hội Vịnh Xuân Đài, xây dựng Logo thị xã Sông Cầu, đẩy mạnh tuyên truyền tiềm năng du lịch Sông Cầu trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, website du lịch Sông Cầu - Phú Yên và các trang mạng xã hội để quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư, mời gọi du khách với thông điệp “Sông Cầu - điểm đến an toàn, hấp dẫn”.
Vũng Lắm trong vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu nhìn từ trên cao. Ảnh: Phong Hoàng.
Giai đoạn 2021-2025 có 16 dự án du lịch đã và đang đầu tư, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, tạo động lực đột phá xây dựng thương hiệu “Du lịch Vịnh Xuân Đài – Điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam” như: Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Nồm tại Hòa An, xã Xuân Cảnh rộng 94,25 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.002 tỷ đồng, Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ - du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay rộng 7,32 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 786 tỷ đồng và Dự án khu nghỉ dưỡng Vũng Lắm rộng 29,38 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 590,6 tỷ đồng đều nằm ở khu phố An Thạnh, phường Xuân Đài,… Đến nay trên địa bàn thị xã có 62 cơ sở kinh doanh lưu trú với hơn 834 buồng đạt chuẩn với 1.061 giường, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020; giai đoạn 2021-2024, thị xã Sông Cầu đón khoảng 1,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 34.430 lượt, tổng doanh thu 1.541,6 tỷ đồng.
Bên cạnh việc đầu tư, tôn tạo các di tích, danh thắng như Di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Đào Trí, Dấu tích Chùa Thắng Quang, Lăng Hòa Lợi, cung đường ven Vịnh Xuân Đài…đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, khám phá của du khách, thị xã Sông Cầu chú trọng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề nước mắm Gành Đỏ, làng muối Tuyết Diêm, rượu Quán Đế, trà Mã Dọ để du khách hòa nhập, trải nghiệm cùng hơi thở đời sống nông, ngư, diêm dân Sông Cầu.
Tiềm năng du lịch Sông Cầu còn có văn hóa ẩm thực với nhiều đặc sản hấp dẫn du khách như tôm hùm, sản phẩm đạt kỷ lục Việt Nam với 100 món ăn chế biến từ tôm hùm – tinh hoa của biển, cùng với ốc hương, ốc nhảy, ghẹ xanh, cá mú, cá bóp, cá dìa… từ Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, trong đó con tôm hùm đã mang lại doanh thu mỗi năm hơn 2.000 tỷ đồng.
Làng biển ở xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu. Ảnh: Hữu Toàn.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, Vịnh Xuân Đài sẽ trở thành trung tâm du lịch nghi dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh Phú Yên và vùng duyên hải Nam Trung bộ, điểm đến trên tuyến du lịch quốc gia, hình thành mối liên kết bổ trợ với Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và Tây Nguyên; đảm bảo có hơn 800 phòng lưu trú, đón khoảng 850.000 lượt khách, trong đó có 25.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu trên 400 tỷ đồng. Đến năm 2030 cơ bản đáp ứng các tiêu chí trở thành Khu du lịch quốc gia, có 950 phòng lưu trú, đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó có 35.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu trên 900 tỷ đồng.
“Đảng bộ, chính quyền thị xã Sông Cầu tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị khai thác tiềm năng lợi thế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch, nỗ lực thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Chượng trình hành động, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên và Thị ủy, UBND thị xã Sông Cầu về đầu tư phát triển du lịch Sông Cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu du lịch vịnh Xuân Đài giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” – ông Phan Trần Vạn Huy cho biết thêm.
Hữu Toàn
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/doanh-nghiep/du-lich-song-cau--tiem-nang-va-trien-vong-i750441/