Du lịch tâm linh tại Tuyên Quang thu hút khách du lịch dịp đầu xuân

Du lịch tâm linh tại Tuyên Quang thu hút khách du lịch dịp đầu xuân
4 giờ trướcBài gốc
Thiền viện Trúc Lâm Chính pháp Tuyên Quang thu hút du khách thập phương đến vãn cảnh, chiêm bái dịp đầu năm.
Thiền viện Trúc Lâm Chính pháp Tuyên Quang được xây dựng từ năm 2019 tại xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, với tòa Tam Bảo gồm 3 tầng: Tầng giảng đường, tầng thiền đường và sân lễ lộ thiên. Phía trên sân lễ là tòa tháp 3 tầng.
Tọa lạc tại điểm cao nhất của tòa tháp là tượng phật Thích Ca Mâu Ni tay cầm cành hoa sen cao 18m, ngang 12m, đài sen cao 4m.
Từ vị trí tầng 3 của tòa tháp, phóng xa tầm mắt, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp toàn cảnh của khu vực trung tâm thành phố Tuyên Quang với núi non hùng vĩ, dòng Lô lịch sử hào hùng, cùng những cây cầu thơ mộng của Thành Tuyên...
Có vị trí, cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình, nơi đây đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.
Lễ hội rước Mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La là lễ hội lớn nhất năm và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của thành phố Tuyên Quang.
Anh Hoàng Văn Chiến, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cho biết: "Đầu xuân năm nào tôi cũng đi lễ chùa để cầu cho gia đình một năm bình an, may mắn, mạnh khỏe, hạnh phúc. Khi đến với Thiền viện Trúc Lâm Chính pháp Tuyên Quang, tôi cảm nhận được sự bình yên, bên cạnh những nét đẹp cổ kính, còn có những khu giảng đường, khu nhà khách được xây dựng khang trang, kiến trúc hiện đại. Công tác bảo đảm an ninh trật tự ở đây rất tốt, không có hiện tượng chèo kéo du khách. Tôi cảm thấy rất thoải mái và vui vẻ khi đến đây".
Tuyên Quang có rất nhiều ngôi đền, ngôi chùa lớn nhỏ với hàng trăm năm tuổi, nhiều đền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Đền, chùa ở Tuyên Quang không chỉ nổi tiếng linh thiêng, có bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cổ xưa mà còn nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, nguyên sơ, như đền Cấm, đền Lâm Sơn linh từ, đền Cảnh xanh, đền Mỏ than, đền Pác Tạ, đền Thác Cái…
Đặc biệt là các ngôi đền thờ Mẫu như đền Thượng, đền Hạ, đền Mẫu Ỷ La ở thành phố Tuyên Quang nổi tiếng linh thiêng và có cảnh đẹp thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái, tham quan du lịch trong những ngày đầu năm.
Từ ngày 10 đến 16/2 âm lịch hằng năm, khi đến với thành phố Tuyên Quang, du khách sẽ được tham dự Lễ hội rước Mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La. Đây là lễ hội ra đời và tồn tại từ lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm 2017, Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đồng chí Phạm Quốc Chương, Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang cho biết, Lễ hội rước mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La bắt đầu từ huyền thoại về các Thánh Mẫu vốn là những nàng công chúa con vua, qua du ngoạn thắng cảnh sông Lô mà hiển hóa về trời. Nhân dân lấy chỗ các nàng hiển hóa lập đền Tam Kỳ (nay là đền Hạ) thờ chị và đền Thượng là nơi thờ em. Thánh mẫu đền Mẫu Ỷ La là do sự thay đổi về vị trí thờ của người chị. Hằng năm, họ gặp nhau 2 lần vào trung tuần tháng 2 và tháng 7 (âm lịch) và cùng kính cáo lên trời.
Khi rước bài vị của Mẫu từ đền Thượng và đền Ỷ La về đền Hạ là biểu hiện sự gặp gỡ đoàn tụ, sum họp gia đình của hai chị em Phương Dung và Ngọc Lân công chúa (Thánh Mẫu) được thờ ở trong 3 ngôi đền. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất năm và đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của thành phố Tuyên Quang.
Thời điểm hiện tại, với lượng khách du lịch tăng cao, Ban quản lý các đền, chùa trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều phương án bảo đảm an toàn cho du khách, trong đó, công tác phòng, chống cháy nổ được đặt lên hàng đầu.
Thượng tọa Thích Thanh Phúc, Phó trưởng Ban Thường trực, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 40 ngôi chùa bao gồm cả phế tích và có 25 ngôi chùa hiện đang hoạt động. Để du khách gần xa đi lễ đầu năm an toàn, vui vẻ, Ban trị sự cũng đã triển khai đến các cơ sở thờ tự phật giáo phối hợp chính quyền địa phương lên các phương án bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy, nổ. Khuyến cáo người dân hạn chế đốt vàng mã. Tuyên truyền đến người dân, phật tử chủ động nâng cao cảnh giác, bảo quản tài sản cá nhân.
Trong những năm qua, chưa ghi nhận tình trạng hỗn loạn, mất cắp tài sản của du khách khi đến vãn cảnh, tham quan, chiêm bái tại các cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn.
Để du lịch tâm linh phát triển đúng hướng, mang lại những giá trị truyền thống, tinh thần, giá trị văn hóa lịch sử, bên cạnh việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị cảnh quan nơi di sản, tỉnh Tuyên Quang đang tích cực xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý, đầu tư vào các khu du lịch tâm linh để tạo ra sự đồng bộ, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Phê duyệt đề án phát triển du lịch tâm linh giai đoạn 2019-2025. Theo đó, tập trung phát triển du lịch tâm linh vùng trung tâm là thành phố Tuyên Quang. Xây dựng sản phẩm du lịch bổ trợ như gắn kết du lịch tâm linh với du lịch lịch sử cách mạng; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng.
Thành phố Tuyên Quang nổi tiếng với nhiều ngôi Đền linh thiêng và có phong cảnh đẹp.
Tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển du lịch là một trong các khâu đột phá của tỉnh. Phấn đấu năm 2025, đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu xã hội từ du lịch đạt hơn 4.800 tỷ đồng, đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động. Từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách.
HẢI CHUNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/du-lich-tam-linh-tai-tuyen-quang-thu-hut-khach-du-lich-dip-dau-xuan-post858826.html