Du lịch thức dậy đón bình minh

Du lịch thức dậy đón bình minh
9 giờ trướcBài gốc
Khách du lịch tham quan các hiện vật tại khu vực trưng bày hiện vật Trũng Na Dương, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình (ảnh chụp tháng 5/2025)
Hiện nay, toàn tỉnh có 54 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận. Chủ trương không tổ chức cấp huyện có tác động nhất định về mặt không gian phát triển và thương hiệu du lịch của từng địa bàn.
Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là một chủ trương lớn, mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm tối ưu hóa bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đối với ngành du lịch, chúng tôi nhận thấy đây vừa là thách thức, nhưng cũng vừa là cơ hội để du lịch Lạng Sơn đột phá và phát triển bền vững hơn. Hiện chúng tôi đã và đang rà soát, tham mưu điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030. Trọng tâm là việc điều chỉnh và xác định các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp có các điểm du lịch cấp tỉnh. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ định hình lại việc quản lý, đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch theo một tầm nhìn tổng thể, liên kết hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh về việc rà soát, điều chỉnh và thực hiện xác định đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp đối với lĩnh vực du lịch, Sở VHTT&DL đã tham mưu triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương, của ngành theo yêu cầu.
Theo đó, ngay từ tháng 5/2025, Sở VHTT&DL đã giao Phòng Quản lý du lịch phối hợp với phòng văn hóa, khoa học và thông tin cấp huyện, thành phố thực hiện rà soát, xác định các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp có các điểm du lịch cấp tỉnh. Đến nay, Sở VHTT&DL đã triển khai công văn hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng văn hóa – xã hội, thuộc UBND cấp xã mới, trong đó có lĩnh vực du lịch.
Ông Khổng Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Liên cho biết: Thực hiện hướng dẫn của Sở VHTT&DL, hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu, thực hiện tiếp nhận một số nội dung về thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực du lịch, ví dụ như công tác thẩm định cơ sở vật chất tại các cơ sở lưu trú, homestay được chuyển giao về Phòng Văn hóa - Xã hội chuyên trách cấp xã. Đặc biệt, đối với quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Du lịch Đồng Lâm - Hữu Liên”, chúng tôi đã có kiến nghị với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ điều chỉnh phạm vi công nhận nhãn hiệu rộng hơn, phù hợp với địa giới hành chính của xã Hữu Liên mới.
Khi không gian du lịch thay đổi, chính sách phát triển du lịch của từng địa bàn cũng phải điều chỉnh, nhằm phát triển thương hiệu du lịch đặc trưng. Bà Phạm Thị Thuận, Trưởng Phòng Văn hóa – Xã hội phường Đông Kinh nhấn mạnh: Chúng tôi đã tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện hệ thống tài nguyên du lịch trên địa bàn, từ chính sách phát triển du lịch, thực trạng phát triển đến các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tất cả đều được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo các hoạt động quản lý du lịch trên địa bàn được vận hành thông suốt. Cụ thể, phường Đông Kinh mới gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Vĩnh Trại, phường Đông Kinh, xã Mai Pha (thành phố Lạng Sơn cũ) có thế mạnh về du lịch văn hóa, tâm linh và xã Yên Trạch (huyện Cao Lộc cũ) có thế mạnh về du lịch sinh thái, nông nghiệp. Căn cứ vào tình hình thực tế thì chiến lược phát triển du lịch của phường sẽ được điều chỉnh phù hợp với "Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030" mà vẫn đảm bảo bao quát được các giá trị du lịch nổi bật.
Cùng với việc rà soát, đánh giá lại hệ thống tài nguyên du lịch sau khi kết thúc đơn vị cấp huyện. Hiện nay các đơn vị doanh nghiệp, lữ hành đã sẵn sàng phối hợp, liên kết với các xã, phường mới trong hoạt động thực hiện quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch mới.
Ông Ngô Mạnh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính là thách thức nhưng cũng là thời cơ tốt để các địa phương xây dựng các tuyến du lịch mới, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch và nâng cao giá trị điểm đến. Tuy nhiên, để phát triển du lịch hiệu quả, điều quan trọng nhất vẫn là cơ chế, chính sách điều hành. Tôi nghĩ rằng các xã, phường mới khi đi vào hoạt động cần nhanh chóng ổn định bộ máy quản lý, xây dựng chính sách cụ thể cho hoạt động du lịch trong bối cảnh mở rộng địa giới, tài nguyên. Đồng thời, cần liên kết với các doanh nghiệp lữ hành thiết kế các tuyến, điểm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường; triển khai các hoạt động xúc tiến, truyền thông du lịch bài bản trên nền tảng số...
Với sự chủ động của các cấp, ngành cùng sự đồng thuận của các tổ chức, cá nhân, tin rằng Lạng Sơn sẽ phát huy tối đa tiềm năng du lịch, đưa du lịch trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.
Tuyết Mai
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/nganh-du-lich-lang-son-thich-ung-trong-boi-canh-moi-5050942.html